Bài toán về lương thưởng luôn là bài toán khó, FPT phải học hỏi bài học của quốc tế, làm sao để nhân sự gắn bó dù cho nơi khác lương trả cao hơn. FPT cũng sẽ mời chuyện gia cao cấp để tư vấn vấn đề này, nếu tính bình thường thì thu về 2 USD/giờ thì trong bối cảnh công nghệ chuyển đổi số, con số đạt được thậm chí gấp 30 lần, tức đâu đó 60 USD/giờ.
Là doanh nghiệp hoạt động chính trong mảng công nghệ và viễn thông, ban lãnh đạo Tập đoàn FPT cho biết chiến lược thời gian tới sẽ đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, mục tiêu thu về 1 tỷ USD trong 3 năm tới với tốc độ tăng trưởng hàng năm lên đến 40-45%, tương đương mức đóng góp doanh thu khối công nghệ từ thị trường nước ngoài là 73% đến năm 2021.
Riêng với thị trường trong nước, xu hướng chuyển đổi số (DX – Digital Transformation) chưa rõ nét, do đó Công ty tương lai gần sẽ tập trung khai thác xu thế toàn cầu, nơi có khoảng 90% các tổ chức và doanh nghiệp có kế hoạch triển khai chuyển đổi số; với 32% các nhà quản lý công nghệ thông tin (CNTT) khẳng định DX đã giúp doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ và đem lại lợi nhuận cao.
Thực tế, công cuộc này đã được FPT đã thực hiện từ nhiều năm trước, hiện lợi thế Tập đoàn có được là trên 100 khách hàng trong Fortune Global 500, quy mô dự án vượt 100 triệu USD… Năm qua, FPT cũng đã mua lại công ty tư vấn công nghệ hàng đầu của Mỹ là Intellinet và sở hữu 90% cổ phần.
"Tính đến hiện tại, cứ 10 doanh nhân đã có 9 người làm, và 1/3 số CEO này thừa nhận kết quả cao", Chủ tịch FPT cho biết.
Dĩ nhiên, tham vọng lớn luôn đi cùng thách thức lớn. Câu hỏi đặt ra là, rủi ro nào FPT đã, đang và sẽ đối mặt. Liệu rằng, doanh thu có "gom" về một nhóm, nếu một ngày nhóm này đủ mạnh để tách ra làm riêng FPT sẽ làm gì? Chuyển đổi số là xu hướng toàn cầu, liệu việc giữ chân nhân tài có khó khăn khi nhiều tập đoàn lớn sẽ chi mạnh để thu hút nhân lực?
Rủi ro duy nhất là nhân lực có đủ để đáp ứng nhu cầu?
Trước hết, trả lời về rủi ro FPT phải giải quyết trên hành trình DX, Chủ tịch Trương Gia Bình cho biết: "Rủi ro duy nhất trong cuộc chuyển đổi số chỉ là vấn đề nhân lực, chúng ta có đủ nguồn nhân lực hay không?". Với mục tiêu của FPT 10 năm sẽ thuộc Top 50 công ty làm dịch vụ chuyển đổi số quy mô toàn cầu, cơ cấu đầu tư theo đó sẽ tập trung mảng công nghệ. Tuy nhiên bước đệm sẽ phải có nguồn nhân lực.
Do vậy, trước mắt FPT sẽ đẩy mạnh mảng nhân lực, nhân rộng quy mô, phần mềm quản lý khắp Việt Nam để tận dụng nguồn nhân lực trẻ nội địa. Hiện, FPT đang thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nguồn này không chỉ ở Việt Nam mà còn liên kết giáo dục với các quốc gia khác như Nhật, Mỹ…
Đồng thời, FPT cũng sẽ thông qua M&A để thúc đẩy nhanh nhất lộ trình xây dựng được nguồn nhân lực cần thiết. Dự kiến, Tập đoàn sẽ tuyển sinh 100.000 học sinh đến năm 2021 với 90% thuộc bậc đại học – cao đẳng.
FPT mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục Mega Education, từ đa ngành, đa trình độ, đa phân khúc đến đa phương thức, đa vị trí. Các ngành Tập đoàn hướng đến đào tạo bao gồm CNTT, Kỹ thuật phần mềm, AI, IoT… phủ rộng từ bậc Phổ thông đến Sau đại học, thông qua cả kênh truyền thống (trực tiếp) và trực tuyến (FUNiX).
Tính đến nay, FPT đã có 18 cơ sở đào tạo tại 5 tỉnh thành, với 4 campus tại Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM và Cần Thơ. Trong đó, FPT đặc biệt quan tâm khu vực Quy Nhơn, ông Bình đặt vấn đề tại sao Quy Nhơn không phát triển thành khu vực toán học, ông Bình rất ngạc nhiên khi những hội thảo về AI hiện nay tổ chức ở đây và tại đây có thể cung cấp được số lượng nhân sự AI đáng kể. Thời gian tới, Chủ tịch FPT cho biết sẽ phát triển Quy Nhơn thành khu vực đào tạo nhân lực, bởi đây là lò toán học của Việt Nam. Tập đoàn hiện đã được cấp 38ha đất để thành lập trường, và đang thúc đẩy chuyển đổi quy hoạch để xây dựng, dự kiến tốc độ xây chỉ trong vòng 6 tháng.
Chuyển đổi số có thể hiểu như việc vỗ tay – Phải vỗ hai tay mới thành tiếng
Còn với rủi ro về giới hạn phát triển sau 10 năm nữa, đại diện FPT khẳng định với công nghệ, FPT may mắn khi làm việc trong thị trường không giới hạn. Lấy ví dụ, một "account" như Toyota thôi thì dữ liệu cực kỳ lớn, quy mô một khách hàng 5 tỷ USD và FPT hiện chỉ mới thực hiện được số nhỏ thôi. Mỗi năm FPT đang tăng 10 khách hàng, còn hiện tại thì đang có được 100 khách hàng, với dư địa tiềm năng trên mỗi khách hàng thì dư địa là vô cùng lớn.
Hay với Airbus, FPT đang cùng hai đơn vị khác thực hiện chuyển đổi số cho 100 hãng hàng không hòa nhập vào nền tảng của công ty sản xuất máy bay có doanh thu hơn 63 tỷ EUR…
Chung quy lại, thị trường DX toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ 16,7% mỗi năm, từ mức 1.071 tỷ USD năm 2018 lên 1.702 tỷ USD đến năm 2021. So sánh với CNTT kỳ vọng tốc độ tăng trưởng quân bình vào mức 2,6%/năm, từ quy mô thị trường 3.474 tỷ USD năm 2018 để đạt 4.046 tỷ USD đến năm 2021.
Bổ sung, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Khoa chia sẻ, chuyển đổi số giống như một vấn đề của chính mỗi người, đôi khi bản thân chúng ta không biết được mà cần người ngoài thấy được, một cách khách quan hơn và giúp cải thiện.
Với FPT, thông qua công nghệ Tập đoàn hướng đến hỗ trợ khách hàng chuẩn hóa lại mọi hoạt động, xử lý được những quy trình phát sinh rắc rối… "Chuyển đổi số là chúng tôi cùng khách hàng làm, chúng tôi cần khách hàng và khách hàng cũng cần chúng tôi. Nói ví von như vỗ tay, phải vỗ hai tay mới thành tiếng còn vỗ một tay chỉ có không khí", ông Khoa lấy ví dụ.
Rủi ro "mất người" luôn diễn ra!
Về lo ngại doanh số có tập trung một nhóm hay không, ban lãnh đạo FPT khẳng định không có chuyện này. Duy nhất rủi ro bị mất người thì luôn có và chuyện thực tế luôn diễn ra. Quản trị nhân sự suốt thời gian qua FPT luôn chú ý đầu tư, luôn tạo ra mô hình mới… để thu hút và giữ chân người tài.
Tuy nhiên, bài toán về lương thưởng luôn là bài toán khó, FPT phải học hỏi bài học của quốc tế, làm sao để nhân sự gắn bó dù cho nơi khác lương trả cao hơn. FPT cũng sẽ mời chuyện gia cao cấp để tư vấn vấn đề này, nếu tính bình thường thì thu về 2 USD/giờ thì trong bối cảnh công nghệ chuyển đổi số, con số đạt được thậm chí gấp 30 lần, tức đâu đó 60 USD/giờ.
"Các lập trình viên của FPT toàn quốc bắt đầu có nhà riêng, có xe hơi. Chúng tôi muốn các bà vợ giữ ông chồng ở lại làm đàng hoàng, không vì một lời chào ngắn hạn mà bỏ đi", đại diện FPT nhấn mạnh.
Hiện, chiến lược quản lý mới của FPT đâu đó đã hoàn thiện, dự triển khai toàn bộ Tập đoàn vào tháng 6/2019, với tiêu chí nhân viên làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, và nhân sự có thể tự tính lương thưởng của mình.
Sau tất cả, dù vẫn chưa nói cụ thể được hành trình chuyển đổi số, FPT kỳ vọng Tập đoàn vẫn sẽ làm tốt như đã từng với mảng xuất khẩu phần mềm… Nhớ lại, "khi FPT bắt tay vào làm phần mềm, nhiều người nói rằng hãy quên chuyện đó đi. Nhưng tôi tin, người Ấn Độ, người Trung Quốc làm được, cớ gì người Việt không?", Chủ tịch FPT phân trần, và kết quả đến hôm nay FPT đã xuất khẩu phần mềm đến 45 quốc gia, đóng góp 93% doanh thu từ thị trường nước ngoài.
Theo Tri Túc
Trí Thức Trẻ