Việc sáp nhập với các doanh nghiệp từ Mỹ hay Nhật giúp cho FPT có thể phát huy ưu thế về công nghệ cao của các doanh nghiệp này, chiều ngược lại họ cũng có thể tiếp cận được khách hàng lớn của FPT.
Trong M&A, "cẩn trọng trường hợp mình không nuốt được họ thì họ sẽ nuốt ngược lại mình"
Trong chiến lược phát triển khối công nghệ của Tập đoàn FPT (Mã: FPT) vào năm 2018, công ty cho biết sẽ tìm kiếm các cơ hội mua bán sáp nhập với các doanh nghiệp tại thị trường Mỹ, Nhật Bản với mục tiêu tập trung vào các công ty có doanh thu từ 50 – 200 triệu USD để phát triển năng lực và các công nghệ chiến lược.
Chia sẻ với chúng tôi bên lề đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT giải thích thêm, các công ty mà FPT lên kế hoạch sáp nhập có số lượng nhân sự khoảng 200 người. Đây là những doanh nghiệp công nghệ cao, nhân sự địa phương, lợi nhuận đem về hàng năm ở mức nhỏ.
Định hướng của FPT là để các công ty này thực hiện các hợp đồng công nghệ cao, sau đó gắn chu trình đuôi của FPT vào.
Việc sáp nhập giúp FPT có thể phát huy ưu thế công nghệ cao của các doanh nghiệp này, chiều ngược lại họ cũng có thể tiếp cận được khách hàng lớn của FPT.
Tuy nhiên theo lời ông Bình, kích cỡ của các doanh nghiệp này có lẽ không vượt quá 100 triệu USD. “Chúng tôi sẽ xem xét kỹ dựa trên quy mộ nhân sự, cũng cẩn trọng trong trường hợp mình không nuốt được họ thì họ sẽ nuốt ngược lại mình, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho Tập đoàn”.
Về chi phí nhân sự, ông Bình cho biết hiện tại bên Mỹ với Việt Nam ở phân khúc này là tương đương, mặt khác chi phí nhân sự là do những công ty đó trả. Ngoài ra các chính sách của Tổng thống Trump cũng sẽ có tác động nếu như FPT thực hiện M&A cùng một công ty Mỹ, FPT sẽ có những phương án điều chỉnh.
ESOP không phải là chìa khóa chính giữ chân nhân tài
Không riêng gì đại hội 2018, vấn đề giữ chân và tìm kiếm nhân tài của FPT luôn được cổ đông quan tâm nhiều năm qua.
Để giải quyết vấn đề này, ông Trương Gia Bình cho biết Tập đoàn đã đưa ra một bộ giải pháp. Chủ tịch FPT cho rằng hiện thị trường đang phá giá tiền lương. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu ESOP là quan trọng, nhưng ở FPT hàng năm chỉ phát hành 0,5%, nên đây sẽ không phải chìa khóa chính.
Đối với nhân sự giỏi, cần nhất là những bài toàn khó thách thức họ, FPT có thể đem lại điều đó. Ông Bình ví von khi FPT làm xe tự hành, là đồng hành với những người khổng lồ trên thế giới, đó là yếu tố thách thức họ.
FPT cũng nghĩ đến các chính sách IP nội bộ. Như khi phát triển các sản phẩm giao thông thông minh do 1 nhóm làm, là tác giả, họ sẽ được sở hữu trí tuệ sản phẩm đó, do đó họ có thể hưởng lợi ích lâu dài.
“Ngoài ra các quỹ đầu tư của FPT đang phát triển các dự án như CyRabar, chúng tôi nuôi dưỡng họ, khi vững vàng họ có thể tự phát triển”. Ông Bình còn đề cập đến câu chuyện như Sendo và dự án khác của FPT. Đây đều là những sản phẩm rất thành công từ sự hỗ trợ của Tập đoàn.
"Cuối cùng là năm nay và năm sau, chúng tôi cố gắng làm tăng thu nhập đáng kể cho người FPT. Bước nữa, tập trung vào khoán sản phẩm kể cả lĩnh vực phát triển phần mềm rất phức tạp".
Ông Bình cho biết, giải pháp nhân sự nữa cũng đến chính từ kế hoạch M&A với một công ty từ nước ngoài của Tập đoàn. Nếu sáp nhập thành công, FPT có thể có được nguồn nhân sự chất lượng cao khoảng 200 người đến từ các quốc gia như Mỹ hay Nhật.
Không giống như các doanh nghiệp Ấn Độ phát triển nhờ outsourcing, FPT đang định hướng ngược lại, từ việc chuyển đổi số đến đi thuê chính nguồn lao động từ các nước phát triển để phục vụ cho mình, một đất nước đang phát triển.
Với các nhân sự fresher (người mới ra trường và chưa có kinh nghiệm làm việc), FPT cũng đang phát triển các chương trình song song, để sinh viên các trường khoa học tự nhiên, hoặc sinh viên tài năng các lĩnh vực vừa học vừa có thể lập trình từ 9 tháng đến 1 năm, đây dự kiến là thế hệ nhân sự kế cận của Tập đoàn trong tương lai.
Trong năm 2018, FPT đặt kế hoạc doanh thu hợp nhất 21.000 tỷ đồng, giảm một nửa do không còn sự đóng góp từ các mảng phân phối và bán lẻ. Cùng với đó, lợi nhuận trước thuế ước đạt 3.484 tỷ đồng, giảm 18%.
Tuy vậy, ba lĩnh vực tập trung của FPT đều có tỷ suất lợi nhuận cao nên tỷ suất lợi nhuận chung toàn Tập đoàn sẽ tăng 2 lần lên mức gần 16%, tăng gấp đôi so với năm 2017.
Doanh thu công nghệ dự kiến 1.460 tỷ đồng, tăng 29%; doanh thu viễn thông dự kiến 1.394 tỷ đồng, tăng 14%; trong khi đó doanh thu giáo dục và đầu tư giảm 12% còn 216 tỷ đồng. CEO FPT Bùi Quang Ngọc cho biết, kế hoạch kinh doanh này chưa bao gồm lợi nhuận từ các phương án sáp nhập với các doanh nghiệp nước ngoài.
Bạch Mộc
Theo Kinh tế & Tiêu dùng