Chèn ép khách hàng, bóp chết đối thủ cạnh tranh và tính phí mọi thứ mình muốn là cách công ty Mỹ Qualcomm đã hoạt động kinh doanh trong suốt gần hai thập kỷ qua.
Năm 2005, Apple đã liên hệ với Qualcomm với tư cách là nhà cung cấp tiềm năng cho chip modem trong mẫu iPhone đầu tiên. Phản ứng của Qualcomm khi đó khá "không bình thường". Công ty gửi lại một lá thư yêu cầu Apple ký thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế trước khi Qualcomm xem xét việc cung cấp chip.
"Tôi đã có 20 năm trong ngành, nhưng chưa bao giờ thấy một lá thư như thế này", Tony Blevins, phó chủ tịch mua sắm của Apple khi đó cho biết.
Hầu hết các nhà cung cấp đều mong muốn nói chuyện với khách hàng mới, đặc biệt là những khách hàng lớn và uy tín như Apple. Nhưng Qualcomm thì không. Công ty này đang có lợi thế ở vị trí thống lĩnh trong thị trường chip di động. Điều đó mang lại cho Qualcomm rất nhiều quyền lực và công ty không ngại sử dụng nó.
Ý kiến của Blevins được đưa ra khi ông ra làm chứng hồi đầu năm nay trong vụ kiện chống độc quyền của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) chống lại Qualcomm. FTC đã đệ đơn từ năm 2017, một phần do sự thúc giục của Apple, công ty đã phải chịu sự thống trị trong lĩnh vực chip di động của Qualcomm trong một thập kỷ qua.
Kết quả của vụ kiện là sự minh oan ngọt ngào cho FTC và Apple, được đúc kết bằng một phán quyết dài 233 trang của thẩm phán Lycy Koh. Nội dung của nó tuyên bố rằng các "chiến thuật mạnh mẽ" trong vấn đề cấp phép của Qualcomm đã vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ.
233 trang phán quyết này đã miêu tả Qualcomm như một công ty độc quyền, một nhà độc tài tàn nhẫn. Trong suốt 20 năm qua, công ty này đã tìm cách o ép trên hợp đồng với các nhà sản xuất điện thoại thông minh để khiến các nhà sản xuất chip khác không thể làm gì để thay đổi cũng như thách thức vị trí thống trị của mình. Tất cả những khách hàng không tuân theo các điều khoản một chiều của công ty này đã bị đe dọa sẽ đột ngột mất quyền sử dụng chip modem.
"Qualcomm có quyền lực độc quyền đối với một số chip điện thoại di động và họ sử dụng sức mạnh đó để tính mức phí cao cho tất cả mọi người", Charles Duan, chuyên gia về bằng sáng chế tại R Street Institute nói. "Thay vì chỉ tính phí chip cao hơn, họ còn yêu cầu mọi người mua giấy phép bằng sáng chế và bị tính phí cao cho loại giấy phép này".
Bây giờ, tất cả sự thống trị đó có thể sắp kết thúc. Trong phán quyết của mình, Koh đã ra lệnh cho Qualcomm ngừng đe dọa khách hàng bằng việc cắt nguồn cung chip. Điều đó khiến công ty phải đàm phán lại tất cả các thỏa thuận của mình với khách hàng và chấp nhận việc cấp bằng sáng chế cho các đối thủ cạnh tranh, dựa theo các điều khoản một cách hợp lý. Và nếu phán quyết của vị thẩm phán này vượt qua được quá trình kháng cáo, nó lần đầu tiên trong thế kỷ này có thể tạo ra một thị trường cạnh tranh công bằng thực sự cho những con chip.
Các mạng di động khác nhau hoạt động trên các tiêu chuẩn mạng không dây khác nhau và cứ sau vài năm, các tiêu chuẩn này lại thay đổi. Trong suốt 20 năm qua, Qualcomm đã nắm giữ vai trò như một người lãnh đạo và trong một số trường hợp, là kẻ có quyền "sinh sát" trên các con chip hỗ trợ các tiêu chuẩn di động lớn. Vì vậy, nếu một công ty điện thoại thông minh muốn bán sản phẩm của mình trên toàn thế giới, họ có rất ít sự lựa chọn ngoài việc hợp tác kinh doanh với Qualcomm.
Ví dụ, vào đầu những năm 2010, Qualcomm dẫn đầu về chip di động cho các tiêu chuẩn CDMA được ưa chuộng bởi các nhà mạng Verizon và Sprint Mỹ, cũng như một số nhà mạng khác ở nước ngoài. Giám đốc công nghệ của Qualcomm, James Thompson đã thẳng thắn giải thích trong một email nội bộ năm 2014 cho CEO Steve Mollenkopf rằng điều này đã mang lại cho công ty lợi thế lớn như thế nào trước Apple.
"Chúng ta là nhà cung cấp duy nhất hiện nay có thể cho phép họ ra mắt sản phẩm trên toàn cầu", Thompson viết, theo các tài liệu của tòa án. "Trên thực tế, nếu không có chúng ta, họ sẽ mất phần lớn thị trường Bắc Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Điều đó thực sự sẽ làm tổn thương họ".
Không chỉ riêng Apple là nạn nhân. BlackBerry cũng ở trong tình trạng tương tự vào khoảng năm 2010. Giám đốc điều hành BlackBerry, John Grubbs tuyên bố rằng nếu không có quyền truy cập vào chip của Qualcomm, "30% doanh số thiết bị của chúng tôi sẽ biến mất chỉ sau một đêm nếu chúng tôi không thể cung cấp các thiết bị đạt tiêu chuẩn CDMA".
Trong hai thập kỷ qua, Qualcomm đã có thỏa thuận với hầu hết các nhà sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới bao gồm LG, Sony, Samsung, Huawei, Motorola, Lenovo, ZTE và Nokia. Các thỏa thuận này đã mang lại cho Qualcomm một lợi thế rất lớn trước những đối tác này. Nó cho phép Qualcomm trích xuất tỷ lệ bản quyền bằng sáng chế cao hơn nhiều so với các công ty khác cũng có danh mục bằng sáng chế tương tự. Cụ thể, phí cấp phép bằng sáng chế của Qualcomm được tính dựa trên giá trị của toàn bộ chiếc điện thoại, chứ không chỉ tính trên giá trị của các con chip sử dụng công nghệ được cấp bằng sáng chế.
"Qualcomm tính phí chúng tôi cao hơn mọi đối tác khác", Jeff Williams, một giám đốc điều hành của Apple nói. "Chúng tôi chưa bao giờ thấy một khoản phí cấp phép lớn như vậy gắn liền với bất kỳ thành phần nào khác mà chúng tôi được cấp phép", Todd Madderom, giám đốc điều hành của Motorola cũng nói.
Các tài liệu nội bộ của Qualcomm đã minh chứng điều này. Một trong số đó cho thấy hoạt động cấp phép bằng sáng chế của Qualcomm đã mang lại 7,7 tỷ USD trong năm 2016, nhiều hơn doanh thu cấp phép bằng sáng chế của 12 công ty khác cộng lại, dù những công ty này cũng có danh mục đầu tư bằng sáng chế quan trọng không kém.
Số tiền bản quyền cao nói trên phản ánh một chiến thuật đàm phán bất thường, được gọi là "không giấy phép, không chip". Không ai có thể mua chip di động của Qualcomm trừ khi họ chấp nhận ký trước giấy phép cho các danh mục bằng sáng chế của Qualcomm. Và rõ ràng các điều khoản trong những thỏa thuận này mang lại những lợi ích đặc biệt cho Qualcomm.
Thậm chí cho dù một nhà sản xuất điện thoại đã ký thỏa thuận ban đầu này với Qualcomm, công ty Mỹ vẫn có quyền đơn phương chấm dứt việc cung cấp chip cho đối tác sau khi thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế hết hạn.
"Nếu chúng tôi không thể quản lý nguồn cung chip modem, chúng tôi không thể sản xuất thiết bị cầm tay", giám đốc điều hành của Motorola, ông Todd Madderom nói. "Phải mất nhiều tháng làm việc để thiết kế một giải pháp thay thế, nếu thậm chí có sự tồn tại một giải pháp khả thi trên thị trường".
Điều đó cách khiến khách hàng của Qualcomm cực kỳ dễ bị tổn thương mỗi khi họ sắp hết hạn hợp đồng cấp phép bằng sáng chế. Nếu một đơn vị này cố gắng đàm phán để lấy các điều khoản có lợi hơn, thì Qualcomm chỉ cần đưa các thỏa thuận ra tòa và hoàn toàn có thể ngay lập tức cắt đứt nguồn cung chip của công ty này.
Phó chủ tịch Lenovo, Ira Blumberg , khi đứng ra làm chứng trước tòa cho biết công ty ông từng có ý định chấm dứt việc ký các thỏa thuận cấp phép. Nhưng đổi lại, một giám đốc điều hành của Qualcomm "đã rất bình tĩnh về điều đó và nói rằng chúng tôi cứ thoải mái làm điều đó nếu thấy cần. Nhưng nếu chúng tôi làm như vậy, chúng tôi sẽ không còn có thể mua chip Qualcomm được nữa".
"Đây không phải vấn đề trong một vài tháng hay một năm mà là vĩnh viễn không có nguồn cung", Blumberg nói. "Điều đó có thể mang lại cái chết cho hầu hết các công ty trong ngành".
Thẩm phán Koh nhận thấy Qualcomm đã sử dụng chiến thuật này nhiều lần trong 20 năm qua. Như đe dọa sẽ cắt nguồn cung chip của Samsung vào năm 2001, LG năm 2004, Sony và ZTE năm 2012, Huawei và Lenovo năm 2013 và Motorola năm 2015.
Trên thực tế, Qualcomm vẫn chỉ là một công ty. Làm thế nào nó có thể duy trì sức ảnh hưởng của mình đối với việc cung cấp chip modem trên toàn thế giới?
Một mặt, Qualcomm đã tuyển dụng các kỹ sư tài năng và chi hàng tỷ USD để giữ cho các sản phẩm chip của mình vượt trội trên thị trường. Công ty cũng củng cố vị trí thống lĩnh của mình bằng cách bán các hệ thống trên chip bao gồm CPU và các tính năng khác. Điều này giúp các thiết bị tiết kiệm đáng kể chi phí và năng lượng, điều mà các nhà sản xuất chip nhỏ hơn khó có thể cạnh tranh.
Một mặt khác, Qualcomm cũng thêm vào những điều lệ trong các thỏa thuận của mình với khách hàng nhằm gây khó khăn cho các công ty khác khi muốn thâm nhập vào ngành kinh doanh chip modem di động.
Ví dụ như các điều khoản yêu cầu khách hàng trả tiền bản quyền cho mỗi chiếc điện thoại được bán ra chứ không chỉ là điện thoại có chứa chip của Qualcomm. Điều này mang lại cho Qualcomm một lợi thế rất lớn trong việc cạnh tranh giá với các nhà sản xuất chip khác. Nếu một công ty chip nào đó muốn giảm giá sản phẩm, Qualcomm có thể sẵn sàng đưa ra giá thấp hơn, bởi biết rằng các đối tác vẫn sẽ phải trả cho mình một khoản phí trên mỗi chiếc điện thoại được sản xuất.
Microsoft từng dùng chiêu này trong những năm 1990. Công ty tuyên bố sẽ giảm giá cho các nhà sản xuất máy tính nếu họ đồng ý trả cho Microsoft một khoản phí cấp phép cho mỗi chiếc PC bán được, bất chấp việc nó có sử dụng MC-DOS hay không. Điều này có nghĩa là một nhà sản xuất máy tính sẽ phải trả số tiền gấp đôi nếu họ bán ra một sản phẩm chạy hệ điều hành không phải của Microsoft. Kết quả là năm 1999, một thẩm phán liên bang đã phán quyết rằng sự dàn xếp này của Microsoft vi phạm luật chống độc quyền bằng cách gây khó khăn cho các đối thủ cạnh tranh khi họ muốn xâm nhập thị trường. Đây cũng chính là vụ việc được thẩm phán Koh dẫn chứng để ra phán quyết với Qualcomm.
Ngoài ra, một số thỏa thuận cấp phép của Qualcomm cũng bao gồm các điều khoản không khuyến khích các công ty sử dụng chip không dây không phải của Qualcomm. Đổi lại, Qualcomm sẽ giảm giá cho các nhà sản xuất điện thoại di động trên mỗi con chip Qualcomm mà họ mua vào. Nhưng, các nhà sản xuất điện thoại di động sẽ chỉ nhận được mức chiết khấu này nếu họ sử dụng chip Qualcomm cho ít nhất 85% hoặc 100% điện thoại đã bán.
Ví dụ, Apple đã ký một thỏa thuận vào năm 2013 để đảm bảo rằng công ty sẽ độc quyền sử dụng chip không dây của Qualcomm. Theo thỏa thuận, Qualcomm đã trả cho Apple hàng trăm triệu USD tiền giảm giá và ưu đãi tiếp thị từ năm 2013 đến 2016. Tuy nhiên, Qualcomm sẽ ngừng thực hiện các khoản thanh toán đó nếu Apple bắt đầu bán iPhone hoặc iPad sử dụng chip di động không phải của Qualcomm.
Apple thậm chí đã được yêu cầu trả lại một số khoản tiền lớn nếu họ sử dụng chip di động không phải Qualcomm trước tháng 2/2016. Một email nội bộ của Qualcomm đã tính toán rằng Apple sẽ nợ 645 triệu USD nếu họ tung ra iPhone có chip di động không phải của Qualcomm vào năm 2015.
Qualcomm đã thực hiện các thỏa thuận tương tự với các nhà sản xuất điện thoại di động lớn khác. Năm 2003, công ty đã ký một hợp đồng 10 năm cho Huawei với mức giảm tiền bản quyền 2,65% nếu Huawei mua 100% chip CDMA cho thị trường Trung Quốc. Nếu Huawei mua chip CDMA không phải Qualcomm, tỷ lệ bản quyền sẽ tự động tăng lên hơn 5%.
Năm 2014, một thỏa thuận giảm giá được ký với LG nếu công ty mua ít nhất 85% chip CDMA của Qualcomm. Thỏa thuận này cũng yêu cầu LG phải trả mức thuế bản quyền bằng sáng chế cao hơn nếu bán điện thoại có chip di động của hãng khác.
Năm 2018, Qualcomm ký tiếp một thỏa thuận thanh toán tương tự với Samsung, với điều khoản liên quan tới 100% chip di động cao cấp. Với các chip cấp thấp, tỷ lệ này cũng sẽ được giảm bớt.
Để duy trì các điều khoản độc quyền hoặc gần như độc quyền nói trên, một công ty như Qualcomm cần có một quy mô sản xuất lớn thì mới có thể sinh lãi trong lĩnh vực kinh doanh này. Nên nhớ rằng cần tốn hàng trăm triệu USD để thiết kế một con chip di động có đủ sức cạnh tranh từ con số 0 và mẫu thiết kế này chỉ có tác dụng trong một vài năm trước khi chúng trở nên lỗi thời.
Do đó, một công ty muốn tham gia vài lĩnh vực sản xuất chip để cạnh tranh với Qualcomm cần có một lượng lớn khách hàng, những công ty có thể đặt hàng triệu chip ngay trong năm đầu tiên. Chỉ có một vài khách hàng có khả năng đặt những loại đơn đặt hàng đó, ví dụ như Apple.
Apple ghét phải phụ thuộc vào Qualcomm và đã tìm cách nuôi dưỡng nguồn cung chip modem thứ hai cho mình. Ứng cử viên mạnh nhất là Intel, công ty không có mảng kinh doanh chip modem lớn nhưng đang quan tâm đến việc tham gia vào lĩnh vực này. Vào năm 2012, Apple đã lên kế hoạch để Intel thiết kế chip di động cho iPad 2014.
Tuy nhiên, Qualcomm đã sớm nhận ra điều này. Trong thỏa thuận năm 2013 với Apple, Qualcomm đã buộc công ty phải dừng kế hoạch hợp tác với Intel. Không có Apple với tư cách là khách hàng tiềm năng, Intel cũng buộc phải đặt kế hoạch làm chip modem của mình lại phía sau.
Nhưng Intel và Apple đã nối lại sự hợp tác này trước khi hết hạn hợp đồng năm 2016 của Apple với Qualcomm. Năm đó, Apple đã giới thiệu iPhone 7. Một số smartphone xuất xưởng với modem Qualcomm bên trong, còn một số sản phẩm khác sử dụng modem mới của Intel.
Cam kết mua hàng của Apple cho phép Intel mạnh dạn rót tài nguyên vào các nỗ lực phát triển chip của mình. Ngay sau khi đạt được thỏa thuận với Apple, Intel đã mua lại VIA Telecom, một trong số ít các công ty đang vật lộn để cạnh tranh với Qualcomm trên thị trường chip CDMA. Intel cần chip CDMA cạnh tranh cũng như bù đắp khả năng phát triển để có thể đáp ứng theo lịch trình mà Apple yêu cầu. Lời hứa của Apple đã cho Intel có động lực cũng như tài chính để tham gia canh bạc này.
Không chỉ vậy, mối quan hệ này còn có những tác dụng khác. Thông tin việc mẫu iPhone tiếp theo sẽ sử dụng chip di động Intel đã thúc đẩy các nhà khai thác mạng giúp Intel kiểm tra chip của họ trên hệ thống mạng hiện tại. Với vị thế là nhà cung cấp của Apple, Intel bắt đầu có được nhiều quyền lực hơn trong các tổ chức thiết lập tiêu chuẩn mạng.
Thỏa thuận của Apple với Intel đã tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự thống trị của Qualcomm trong hoạt động kinh doanh chip di động. Sau khi Intel phát triển đầy đủ các chip di động mà Apple cần cho iPhone, Intel có thể cung cấp chip cho các nhà sản xuất smartphone khác. Khi đó, tới kỳ gia hạn giấy phép bằng sáng chế với Qualcomm, một cuộc nổi dậy quy mô lớn có thể xuất hiện. Vì vậy, Qualcomm đã gây chiến với Apple và Intel.
Ngược lại, khi được giải thoát khỏi mối đe dọa nhiều năm qua, Apple bắt đầu không chấp nhận tỷ lệ phí bản quyền sáng chế cao của Qualcomm. Qualcomm đã phản ứng bằng cách cắt quyền sử dụng chip cho các mẫu iPhone mới ra mắt năm 2018, buộc Apple phải phụ thuộc hoàn toàn vào Intel. Công ty cũng kiện Apple vi phạm bằng sáng chế tại các tòa án trên khắp thế giới. Apple cũng không bị động, công ty ép Ủy ban Thương mại Liên bang điều tra các hoạt động kinh doanh của Qualcomm.
Những tranh chấp đã đặt cả Apple và Intel vào vị trí bấp bênh. Qualcomm đã cố gắng sử dụng "kho vũ khí" là hệ thống bằng sáng chế của mình để khiến iPhone bị cấm bán tại một số khu vực trên thế giới. Nếu Qualcomm chiếm được lợi thế, nó sẽ ép được Apple phải ngồi lại bàn đàm phán và buộc công ty mua ít chip của Intel hơn, từ đó xóa bỏ mối đe dọa tiềm tàng. Đồng thời, việc này sẽ khiến các công ty sản xuất smartphone khác run sợ.
Intel cũng có áp lực không nhỏ. Là đối tác của Apple, đối thủ của họ là công ty hàng đầu trong công nghệ chip không dây nhiều năm liền. Intel đã phát triển thành công chip modem phù hợp cho các mẫu iPhone 2017 và 2018, nhưng ngành công nghiệp này lại đang chuyển đổi sang công nghệ 5G. iPhone là một sản phẩm cao cấp, do đó nó luôn cần hỗ trợ các tiêu chuẩn không dây mới nhất. Nếu Intel thất bại trong việc phát triển chip 5G đủ nhanh để sử dụng cho mẫu iPhone 2020, nó có thể đẩy Apple vào một vị trí khó xử.
Có vẻ như kịch bản này cuối cùng đã xảy ra. Tháng 4 vừa qua, Apple công bố đã ký thỏa thuận "đình chiến" với Qualcomm và chấp nhận trả tiền cho các bằng sáng chế của đối thủ. Vài giờ sau, Intel tuyên bố hủy bỏ việc phát triển chip modem 5G.
Một số thông tin bên lề cho thấy dường như từ đầu năm, Apple đã bắt đầu nghi ngờ về khả năng cung cấp chip modem 5G của Intel và nhận thấy nó sẽ không đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu của mình. Điều đó khiến cho công ty không còn lợi thế trên bàn đàm phán với Qualcomm nữa. Ngay lập tức, Apple phải làm hòa với Qualcomm và cắt đứt hi vọng từ phía Intel.
Câu chuyện về cuộc chiến của Qualcomm với Apple và Intel minh họa cho việc Qualcomm đã sử dụng danh mục bằng sáng chế của mình để củng cố độc quyền trên lĩnh vực sản xuất chip, từ đó đẩy đối thủ của mình vào thế khó.
Finbarr Moynihan, CEO của nhà sản xuất chip MediaTek cho biết: "Thông điệp phổ biến từ tất cả các khách hàng là mong đợi chúng tôi sẽ có thỏa thuận cấp phép với Qualcomm, trước khi xem xét việc mua chipset 3G từ MediaTek".
Nếu một nhà sản xuất chip yêu cầu được cấp phép bằng sáng chế của Qualcomm, Qualcomm sẽ chỉ đưa ra một lời hứa là sẽ không kiện chính nhà sản xuất chip đó. Công ty cũng yêu cầu các nhà sản xuất chip này chỉ bán hàng cho một danh sách "Người mua được ủy quyền" do Qualcomm cung cấp. Đây là những người đã ký thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế của Qualcomm.
Không cần phải nói điều này đặt mọi đối thủ cạnh tranh của Qualcomm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Họ không chỉ bị áp thuế từ Qualcomm mà còn cho phép Qualcomm lựa chọn khách hàng cho chính mình.
Thậm chí, Qualcomm còn yêu cầu các nhà sản xuất chip khác cung cấp cho họ dữ liệu về số lượng chip đã bán cho mỗi khách hàng. Dữ liệu thương mại nhạy cảm sẽ cho phép Qualcomm tìm ra chính xác cần đặt ra bao nhiêu áp lực để ngăn chặn nhà sản xuất này trở thành đối thủ của mình.
Qualcomm đã hai lần từ chối cấp giấy phép bằng sáng chế cho Intel, năm 2004 và 2009, nhằm trì hoãn việc Intel tham gia thị trường kinh doanh modem không dây. Một liên doanh chip giữa Samsung và công ty Nhật Bản NTT DoCoMo có tên Project Dragonfly cũng đã bị Qualcomm từ chối vào năm 2011. Năm 2015, khi Samsung cố gắng tạo ra một số chip modem để sử dụng riêng thậm chí hứa sẽ không cung cấp chúng cho những người khác, Qualcomm cũng từ chối cấp giấy phép bằng sáng chế.
Tương tự, năm 2012 và 2014, Qualcomm đã từ chối giấy phép bằng sáng chế cho Texas Instruments và Broadcom.
Khi một nhóm tiêu chuẩn đang phát triển một tiêu chuẩn không dây mới, họ sẽ tập hợp một danh sách các bằng sáng chế cần thiết để thực hiện tiêu chuẩn này. Đây được gọi là các bằng sáng chế thiết yếu cho tiêu chuẩn. Sau đó, nhóm này sẽ yêu cầu chủ sở hữu bằng sáng chế hứa sẽ cấp phép cho các bằng sáng chế đó theo các điều khoản công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử (FRAND). Những người nắm giữ bằng sáng chế thường đồng ý với các điều khoản này vì việc kết hợp một bằng sáng chế vào một tiêu chuẩn sẽ nâng cao giá trị của nó.
Nhưng Qualcomm thì không. Công ty này dường như không đặt các cam kết FRAND vào mắt và từ chối cấp phép các bằng sáng chế thiết yếu cho những nhà sản xuất chip khác. Và khi các nhà sản xuất thiết bị cầm tay cố gắng xin cấp phép các bằng sáng chế của Qualcomm để phù hợp với tiêu chuẩn mới, Qualcomm sẽ đưa cho họ xem một thỏa thuận với yêu cầu phải ký vào. Thỏa thuận này thường liên quan tới một danh mục bằng sáng chế mới, bao gồm các bằng sáng chế không tuân theo các cam kết của FRAND và trong nhiều trường hợp không liên quan gì đến chip modem. Do đó, các nhà sản xuất thiết bị cầm tay sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho các tiêu chuẩn của Qualcomm.
Vấn đề là Qualcomm làm việc với nhà sản xuất thiết bị chứ không phải với các nhà sản xuất chip, nên các đơn vị này không có lý do nào để bắt bẻ.
Nhưng thẩm phán Koh đã phán quyết rằng việc Qualcomm không tôn trọng các cam kết FRAND là vi phạm luật chống độc quyền. Qualcomm có nghĩa vụ cấp phép các bằng sáng chế của mình cho bất kỳ ai muốn và công ty này có nghĩa vụ phải làm như vậy với mức giá hợp lý.
Thẩm phán Koh đưa ra một số yêu cầu để thay đổi và ngăn chặn hành vi chống cạnh tranh của Qualcomm, cũng như khôi phục lại phần nào sự cân bằng và cạnh tranh cho thị trường chip modem.
Thay đổi quan trọng nhất là tách các nỗ lực cấp phép bằng sáng chế của Qualcomm khỏi hoạt động kinh doanh chip. Koh ra lệnh cho Qualcomm không "đặt điều kiện cung cấp chip modem vào các giấy tờ cấp phép bằng sáng chế của khách hàng". Công ty này sẽ phải đàm phán lại tất cả các giấy phép bằng sáng chế của mình đồng thời không được đe dọa đến việc dừng cung cấp chip modem cho bất kỳ ai.
Vị thẩm phán này cũng yêu cầu Qualcomm cấp phép các bằng sáng chế cần thiết cho các nhà sản xuất chip khác theo các điều khoản FRAND và đệ trình lên trọng tài quốc tế nếu cần thiết để xác định tỷ lệ chi trả công bằng. Các giấy phép này phải "toàn diện", tức là Qualcomm không được phép kiện khách hàng của nhà sản xuất chip vì đã vi phạm bằng sáng chế được cấp phép.
Thứ ba, Koh cấm Qualcomm tham gia vào các thỏa thuận độc quyền với khách hàng. Điều đó có nghĩa là không được giảm giá chip nữa nếu khách hàng mua 85% hoặc 100% chip của Qualcomm.
Theo chuyên gia về bằng sáng chế Charles Duan, phán quyết của thẩm phán Koh đã "giải quyết các vấn đề lớn nhất mà mọi người có thể quan sát được về mặt hành vi của Qualcomm".
Và có một kẻ chiến thắng lớn ở đây. Đó là Samsung, một trong số ít các công ty công nghệ lớn đã giữ được thiết kế modem nội bộ đáng kể. Trong những năm gần đây, Samsung thường xuất xưởng điện thoại thông minh với chip Exynos tự phát triển ở một số thị trường, trong khi bán chip Qualcomm ở những nơi khác, đặc biệt là tại Mỹ và Trung Quốc. Nhiều người không rõ chính xác lý do tại sao công ty Hàn Quốc làm điều này, nhưng một phỏng đoán hợp lý là Samsung tin rằng nó dễ bị tổn thương hơn trước các mối đe dọa bằng sáng chế của Qualcomm tại các quốc gia đó.
Giờ đây, Samsung sẽ dễ dàng hơn trong việc sử dụng chip của riêng mình trên toàn thế giới, giúp đơn giản hóa thiết kế sản phẩm và mang lại lợi nhuận lớn hơn. Thậm chí, Samsung có thể bắt đầu cung cấp các con chip này cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh khác, điều mà nó đã cố gắng làm vào năm 2011.
Mặt khác, Intel vẫn sẽ không vui. Phán quyết của Koh có thể đến quá muộn, bởi công ty này tuyên bố đã dừng các nỗ lực trên chip 5G và có thể không thoải mái hoặc có đủ thời gian để khởi động lại dự án này.
Nhưng nói gì thì nói, trước tiên phán quyết này phải tồn tại sau khi Qualcomm kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Khách hàng và đối thủ của Qualcomm sẽ chỉ có thể thở phào sau khi khi quá trình kháng cáo này kết thúc.
Nhưng cho dù là như vậy, trong tương lai, có thể Qualcomm sẽ tìm ra các biện pháp mới để khôi phục lại quyền lực của mình.
"Tôi tưởng tượng rằng trong năm tới hoặc lâu hơn nữa, Qualcomm sẽ đưa ra một số quy chế mới để quay trở lại với mô hình doanh thu cũ của nó", chuyên gia Duan nói. "Chính quyền sẽ phải tiếp tục cảnh giác để đảm bảo Qualcomm tuân thủ phán quyết của thẩm phán Koh".
Tham khảo ArsTechnica