Mặc dù có một công việc ổn định tại Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông ở thành phố nhưng anh Đỗ Ngọc Quyền, 34 tuổi, thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên (Hưng Yên) lại quyết định bỏ về quê nuôi cá lăng sông.
Ban đầu nhiều người 'mắng vốn' anh là 'gã khùng', nhưng giờ đây nhờ nuôi cá lăng sông theo tiêu chuẩn VietGAP mà mỗi năm gia đình anh Quyền lãi 300 triệu đồng.
Có mặt tại bè cá rộng 4.000m2 của anh Đỗ Ngọc Quyền trong những ngày đầu hè nóng nực, Dân Việt không khỏi choáng ngợp trước quy mô cũng như cách bố trí giữa các ô nuôi cá lăng sông thật khoa học.
Nhanh nhẹn, hoạt bát, chịu khó là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với anh Quyền. Vừa thoăn thoắt tay vung cám cho cá ăn, anh Quyền kể lại câu chuyện bén duyên với nghề nuôi cá lăng sông này.
Anh Đỗ Ngọc Quyền đang cho cá lăng sông ăn tại bè cá của gia đình.
Anh Quyền kể, sau khi tốt nghiệp Đại học, anh làm việc tại Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Hưng Yên với một mức lương ổn định. Công việc nhà nước ổn định, ai cũng mừng cho anh, nhưng trong lòng anh cứ xuất hiện niềm ấp ủ muốn về quê lập nghiệp.
Trong một lần được đi thăm quan nhiều bè nuôi cá lăng sông ở tỉnh Hải Dương, anh nhận thấy mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao và nhà anh lại nằm gần sông Hồng nên rất phù hợp nuôi loài cá này. Điều đó đã thôi thúc anh đến với nghề nuôi cá lăng sông và sau đó anh quyết định xin nghỉ việc nhà nước để về quê nuôi loại cá này. Nói thì dễ nhưng để đi đến quyết định "điên rồ" này không dễ chút nào. Nhiều người, trong đó có người thân, bạn bè "mắng vốn" anh là "gã khùng" gàn rỡ khi bỏ việc công chức nhà nước "đang oai" về làm nông dân nuôi cá.
Đầu năm 2016, anh Quyền mua hơn 60.000 con cá lăng giống về nuôi. Do chịu khó tìm tòi học hỏi kỹ thuật nuôi cá lăng nên đàn cá của anh luôn phát triển tốt và cho sản lượng khá cao .
Đến thời điểm hiện tại, trung bình mỗi năm, trại cá lăng sông của anh Quyền xuất bán ra thị trường khoảng hơn 40 tấn cá lăng với giá dao động từ 90-120.000 đồng/1kg. Tất cả đều được anh Quyền nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và có dán nhãn đảm bảo địa chỉ, chủ hộ...Sau khi trừ hết chi phí gia đình anh Quyền lãi hơn 300 triệu đồng.
Nhờ nuôi cá lăng trên sông theo tiêu chuẩn VietGAP mà gia đình anh Quyền lãi hơn 300 triệu đồng/năm.
Anh Đỗ Văn Quyền chia sẻ, nghề nuôi cá lăng lồng bè trên sông không giống như nuôi cá trong ao, vì chi phí đầu tư khá lớn mà lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nhưng đổi lại cá nuôi ở đây lại nhanh lớn và không phải lo đến chuyện nước nôi.
“Cá lăng từ lâu được biết đến là một loại cá có giá trị kinh tế cao vì thịt thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng, thịt cá không có dăm xương và có thể chế biến được nhiều món ăn ngon. Mặt khác, cá lăng của gia đình tôi được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP nên càng được sự tin tưởng của người tiêu dùng hơn.” anh Quyền chia sẻ.
Lồng bè nuôi cá rộng hơn 4.000m2 trên sông Hồng đoạn chảy qua TP. Hưng Yên của gia đình anh Đỗ Văn Quyền.
Cũng theo anh Quyền, hiện anh đang nuôi 2 loại cá lăng là lăng vàng và lăng đen. Nhìn chung loài cá lăng này rất dễ nuôi, ít bị bệnh tật, giá bán cũng khá cao và đầu ra cũng rất ổn định. Trung bình sau khoảng từ 1-2 năm nuôi là có thể thu hoạch được và lúc đó con cá lăng cũng đạt trọng lượng bình quân khoảng từ 3-5kg/con.
Cá lăng có thịt thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng, thịt cá không có dăm xương và có thể chế biến được nhiều món ăn ngon. Trong ảnh là 1 con cá lăng phớt hồng khá đặc biệt.
Chia sẻ về ký thuật nuôi cá lăng, kinh nghiệm nuôi cá lăng, anh Đỗ Ngọc Quyền cho hay, nuôi loại cá này trên lồng bè thì cần phải đầu tư bài bản, làm được như thế thì trong quá trình nuôi không sợ bị thất thoát mà con cá lại lớn nhanh. Ngoài ra, trong quá trình nuôi cần chú ý và theo dõi xem cá có hiện tượng gì lạ không để còn có biện pháp xử lý kịp thời...
Theo Phạm Anh/Dân Việt