Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Giải mã những dòng tiền ‘bí ẩn’: Đây là lý do tỷ phú Trịnh Văn Quyết có tiền mua máy bay

09/07/2018 09:35

Một tập đoàn mới nổi như FLC, triển khai nhiều dự án với giá cả chục tỷ đô đang ngổn ngang trăm mối, lấy đâu ra số tiền khủng để mua máy bay?

Trinh Van Quyet
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết thực hiện lễ ký kết mua máy bay Boeing tại Mỹ.)

Chuyện FLC mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner với số tiền lên đến 5,6 tỷ USD đang là tâm điểm của dư luận. Trước đó không lâu, Tập đoàn này cũng vừa đặt mua 24 máy bay Airbus của Pháp trị giá 3 tỷ USD.

Một tập đoàn mới nổi, triển khai nhiều dự án với giá cả chục tỷ đô đang ngổn ngang trăm mối, lấy đâu ra số tiền khủng để mua máy bay?
Không chỉ riêng trường hợp ông Trịnh Văn Quyết và FLC, đã có nhiều câu hỏi, nhiều bài viết, nhiều góc nhìn khác nhau về dòng tiền của các tập đoàn kinh tế mới nổi ở Việt Nam. Những người có thiện cảm với những "ngôi sao đang lên" thì hết lời ca ngợi, rằng Trịnh Văn Quyết là kỳ tài, người không có thiện cảm thì kiếm đủ chuyện để rồi "xoi mói".

Thói đời, với những doanh nhân thành đạt, về phương diện truyền thông, họ có những nét tương đồng với giới showbiz (giải trí) là được nhiều người biết đến. Dĩ nhiên, khi được nhiều người biết đến thì cùng với người hâm mộ, không tránh khỏi những ganh ghét, dèm pha. Chuyện này ở nước nào cũng có, với đại gia nào cũng có.

Như đã nói ở trên, Tập đoàn FLC công bố mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner với tổng trị giá hợp đồng xấp xỉ 5,6 tỷ USD (128 nghìn tỷ đồng).

Trước đó, FLC đã ký biên bản ghi nhớ mua 24 máy bay A321 NEO của Airbus với tổng trị giá 3 tỷ USD (khoảng 71.000 tỷ đồng).

Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, tổng giá trị hợp đồng mà Tập đoàn FLC ký kết mua máy bay để Bamboo Airways cất cánh lên đến gần 200.000 tỷ đồng.

Đây là số tiền lớn, thậm chí rất lớn. Nhưng không phải cứ ai ký xong là rút ra chừng ấy tiền để trả. Chẳng hạn hợp đồng với Boeing, đây là Hợp đồng nguyên tắc, có đặt cọc. Số lượng máy bay gồm 20 chiếc sẽ được bàn giao bắt đầu từ tháng 4/2020 và kéo dài trong khoảng 2 năm.

Dĩ nhiên, với các hãng hàng không, các hợp đồng bán máy bay thường có các tập đoàn tài chính đứng ở phía sau bảo lãnh. Đây là nghiệp vụ rất quan trọng của các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực này. Họ sống bằng phí bảo lãnh. Chính vì vậy, giá trị hợp đồng khủng nhưng thường với sự bảo lãnh của các tập đoàn tài chính, bên mua chỉ phải trả số lượng tiền chỉ độ trên dưới 10%.

Khi máy bay đi vào khai thác, nguồn lợi nhuận sinh ra sẽ được trích một phần để trả gốc và lãi hàng tháng. Với một thị trường đang phát triển nhanh như Việt Nam, khách đi máy bay ngày càng đông, chuyện máy bay sinh lãi không khó. Các nhà bảo lãnh tài chính thừa khôn ngoan để họ lựa chọn dịch vụ này.

Điều này đã từng xảy ra ở Việt Nam nhưng chỉ với việc mua… ôtô. Ai đó có khoản tiền vài trăm triệu đồng đều có thể ra showroom mang một con xe tầm trung về. Với điều kiện là tình hình tài chính lành mạnh, không dính dáng đến các khoản nợ xấu. Khi đó, hãng sẽ gọi các ngân hàng đến để bảo lãnh dưới dạng cho vay trả góp.

trinh-van-quyet
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC.)

Xin được trích dẫn một đoạn trong một bài viết về FLC: “…Tập đoàn FLC có vốn điều lệ gần 7.000 tỷ đồng. Tính đến hết quý I/2018, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn này mới tăng lên là 8.620 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả của FLC đến hết quý I/2018 cũng không hề nhỏ là 14.947 tỷ đồng, cao hơn nhiều vốn chủ sở hữu".

Những con số này là đúng, thoạt tiên nhiều người sẽ cho rằng FLC đang ở trong trạng thái bị “âm vốn”.

Thực tế không phải như vậy. Trong báo cáo tài chính, vốn điều lệ là con số chưa nói lên điều gì. Giá trị doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào giá trị cổ phiếu. Có doanh nghiệp vốn điều lệ cao ngất ngưởng nhưng giá trị cổ phiếu rất thấp, thậm chí bằng không. Nhưng cũng có những doanh nghiệp vốn điều lệ thấp nhưng giá trị cổ phiếu cao gấp hàng trăm lần.

Con số có ý nghĩa hơn trong báo cáo tài chính là “tổng tài sản”. Với số vốn điều lệ đó, tổng tài sản của FLC tới cuối quý I năm nay là xấp xỉ 24 nghìn tỷ đồng. Trong mấy năm qua, con số này của FLC đang có xu hướng tăng liên tục với tốc độ khá cao. Tổng tài sản được hạch toán trên sổ sách thường thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế. Với FLC, tổng tài sản so với tổng nợ vẫn còn chênh xấp xỉ 10 nghìn tỷ đồng.

Trong thương trường, nợ - có là chuyện bình thường. Đây cũng là cách để các doanh nghiệp sử dụng vốn một cách linh hoạt và có hiệu quả. Điều quan trọng là những khoản nợ đó phải nằm trong hạn mức cho phép, hơn thế là nợ lành mạnh, có thể trả đủ cả gốc lẫn lãi khi đến hạn.

Theo Phan Thế Hải/Nhà Đầu Tư