Giám đốc Facebook Việt Nam: Startup muốn thành công phải am hiểu

27/06/2018 19:50

Giám đốc Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang cho rằng các dự khởi nghiệp muốn thành công thì phải thật am hiểu lĩnh vực mình làm và phải biết thương mại hóa sản phẩm.

[caption id="" align="aligncenter" width="640"]Giám đốc Facebook Việt Nam: Startup muốn thành công phải am hiểu - Ảnh 1. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp trao đổi tại diễn đàn ngày 26-6 - Ảnh: HỮU LONG[/caption]

Chia sẻ tại diễn đàn "Kết nối startup Việt Nam trong và ngoài nước" được tổ chức tại TP.HCM ngày 26-6, bà Lê Diệp Kiều Trang, nguyên giám đốc tài chính Misfit, cho biết khi Misfit ra đời, trên thị trường có hơn 20 nhà sản xuất tương tự, nhưng công ty này vẫn thành công.

"Một dự án khởi nghiệp muốn thành công phải am hiểu lĩnh vực mình làm. Và kỹ năng đưa sản phẩm ra thị trường, thương mại hóa sản phẩm sẽ quyết định sự thành công" - bà Trang chia sẻ.

Theo bà Trang, một trong những thành công của Misfit là đã thu hút được nhân tài Việt Nam cả trong và ngoài nước.

Chẳng hạn, dù nhà máy sản xuất của Misfit được đặt tại Hàn Quốc nhưng bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) được đặt tại Việt Nam, xây dựng bằng nguồn lực con người Việt Nam.

Misfit là startup từng được bán cho tập đoàn về đồng hồ thời trang của Mỹ là Fossil Group với giá 260 triệu USD và sau đó bà Trang giữ chức vụ Tổng giám đốc Misfit Việt Nam.

Mới đây, bà Lê Diệp Kiều Trang rời khỏi Fossil và hiện là Giám đốc Facebook Việt Nam, chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tại thị trường này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng giám đốc Rynan Argiculture, đã làm nức lòng khán phòng bằng dự án khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao với hình ảnh những con vịt trong cánh đồng lúa lớn, thịt vịt được bao bọc bằng bao bì cao cấp trong hộp cơm nóng.

Đây là một phần của dự án khởi nghiệp sản phẩm phân bón thông minh, loại làm phân bón tan chậm có kiểm soát, với một cơ chế phóng thích đặc biệt, giảm lượng sử dụng 40% đến 60%, chỉ bón phân 1 lần cho mỗi mùa vụ, tăng năng suất thu hoạch hơn 10%, giảm hơn 60% khí nhà kính…

Ông Mỹ, một Việt kiều Canada, là người khởi nghiệp Rynan Argiculture ở tuổi 60 sau khi thành công với Mylan Group, công ty về công nghệ cao chuyên sản xuất các thiết bị in ở Trà Vinh.

"Khởi nghiệp phải bắt đầu tư những cái nhỏ, không nhất thiết phải lớn lao mà phải nhanh vì đây là thời đại của “cá nhanh nuốt cá chậm”. Khởi nghiệp phải giải quyết nhu cầu của cộng đồng, nếu không thì cứ đi kinh doanh”, ông Mỹ nói.

Ông Shlomo Nimrodi, Giám đốc điều hành Trung tâm gắn kết kinh doanh Ramot thuộc Đại học Tel Aviv (Israel), cho biết ngoài vốn, các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) và các cơ quan hỗ trợ chính sách khởi nghiệp cũng cần theo kịp xu hướng công nghệ, kết nối các nguồn lực đầu tư tài chính, mạng lưới chuyên gia tư vấn khởi nghiệp, đặc biệt là nguồn nhân lực.

"TP.HCM muốn phát triển khởi nghiệp phải xây dựng hệ sinh thái, giúp kết nối với các tổ chức tài chính, các công ty đa quốc gia, trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thu hút được nhân tài thông qua chính sách hỗ trợ khác nhau" - ông Shlomo Nimrodi nói.

Theo Như Bình/Tuổi Trẻ