Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Giám đốc vận hành Đường Thu Hương hé lộ 3 tiêu chí để một dự án khởi nghiệp lọt vào mắt xanh đầu tư của IDG Việt Nam

08/08/2018 14:05

Không cần quá cao sang phức tạp, đời thường, đơn giản, bền vững, khó copy, có khả năng mở rộng chính là những yếu tố hội đủ của 1 ý tưởng lọt vào mắt xanh của IDG khi rót vốn đầu tư.


Không cần quá cao sang phức tạp, đời thường, đơn giản, bền vững, khó copy, có khả năng mở rộng chính là những yếu tố hội đủ của 1 ý tưởng lọt vào mắt xanh của IDG khi rót vốn đầu tư.

Một số liệu thống kê cho thấy năm 2017 số dự án khởi nghiệp được đầu tư tại Việt Nam lên tới 92 và tổng giá trị đầu tư là 291 triệu USD. Trong khi 3 năm trước, số thương vụ được rót vốn chỉ ở mức 28. Theo nhận xét của ông Mai Duy Quang, Phó chủ tịch phụ trách mảng khởi nghiệp của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), nguồn tiền từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư đổ vào các công ty khởi nghiệp đã tăng đột biến.

Cũng theo đại diện VINASA, sở dĩ các quỹ đầu tư nước ngoài liên tục rót vốn và tăng mạnh hàng năm là bởi các nhà đầu tư ngoại rất thích các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam, do Việt Nam có nền tảng khoa học kỹ thuật cao, nhân sự trẻ và nhiệt huyết. Thêm nữa, thị trường này của Việt Nam cũng còn rất mới, do đó sẽ có nhiều tiềm năng.

"Các bạn giờ có thể tìm tiền ở mọi nơi chứ không chỉ ở quỹ đầu tư", bà Đường Thu Hương, giám đốc đối ngoại và vận hành quỹ đầu tư IDG Ventures Vietnam cũng chia sẻ quan điểm tương tự khi đề cập đến việc gọi vốn của startup Việt Nam tại buổi gặp gỡ CLB Khởi nghiệp Gia đình của tạp chí Tiếp Thị & Gia Đình hồi năm ngoái.

Theo doanh nhân này, ngoài các quỹ đầu tư lớn như IDG, Dragon Capital,… thì bên cạnh các startup luôn có các nhà đầu tư thiên thần. Họ là những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao, nguy cơ mất tiền để đầu tư khi có ý tưởng hay, có tiềm năng. Thuật ngữ này xuất phát từ Thung lũng Silicon.

Doanh nhân Đường Thu Hương cho rằng có 3 tiêu chí để IDG rót vốn đầu tư vào một dự án khởi nghiệp. Tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất chính là con người.

"Để có vốn đầu tư thì mình phải là mình cái đã", giám đốc vận hành IDG cho biết. Theo bà Hương, chữ "mình" ở đây là tin vào chính mình, tin vào mình làm được. Cho dù đó là chuyện bình thường từ nhu cầu hỏi đáp của các mẹ bỉm sữa cho đến đam mê ẩm thực, thời trang.

Giám đốc vận hành Đường Thu Hương hé lộ 3 tiêu chí để một dự án khởi nghiệp lọt vào mắt xanh đầu tư của IDG Việt Nam - Ảnh 1.

"Không ai là không làm được điều mình muốn làm vì không ai cản được mình. Do đó trước hết phải có mình", nữ doanh nhân này khẳng định. Một ví dụ tiêu biểu được bà Hương dẫn chứng chính là khoản đầu tư của IDG vào Webtretho.

Tính đến thời điểm đầu năm 2018, Webtretho có 22 triệu thành viên, 2 triệu truy cập mỗi ngày. Trang web này được sáng lập bởi một bà mẹ bỉm sữa vốn học ngành hóa. Trong hoàn cảnh sinh con đầu tiên nhiều bỡ ngỡ, không biết hỏi ai, bà mẹ này đã lập nên một diễn đàn để hỏi các mẹ từ chuyện ốm sốt của con đến mua đồ cho con ở đâu. Từ đam mê và tình yêu thương con, bà mẹ này đã xây dựng nên cộng đồng đó. Sau 5 năm IDG đã mua lại và đầu tư thêm vào Webtretho.

"Tôi không bao giờ nghĩ thành doanh nhân, được quỹ đầu tư lớn như vậy đầu tư", doanh nhân Đường Thu Hương nhắc lại lời chia sẻ của nhà sáng lập Webtretho.

Yếu tố thứ hai được giám đốc vận hành IDG chia sẻ chính là ý tưởng phải theo đến cùng. Bà Hương cũng chia sẻ mỗi ngày quỹ IDG nhận được hơn 200 bản kế hoạch thư hoặc xin đầu tư. Tuy nhiên trong đó chưa có ý tưởng nào gọi là khai thiên lập địa, mà là ý tưởng lặp lại của người khác hoặc lặp lại đất nước khác.

"Ý tưởng rất nhiều ai cũng có thể nghĩ được nhưng ai mới là người làm được, hiện thực hóa ý tưởng đó. Người làm đc còn phải đi đến cùng, nếu không đi đến cùng ko học được bài học thất bại, tại sao lại thất bại", bà Hương phân tích. Với những người dù có ý tưởng nhưng không cố gắng được đến cùng sẽ rất mất thời gian, công sức và bản thân nhà đầu tư rất sợ điều này.

Và hơn nữa khi một người làm hết mức tuy không đạt được thì cũng học được bài học tại sao mình chưa làm được, có kinh nghiệm trong tay. Thậm chí rất nhiều tấm gương các tỷ phú trên thế giới không phải ai cũng thành công ngay ý tưởng đầu tiên, lần đầu tiên thực hiện.

Tiêu chí cuối cùng với một dự án khởi nghiệp xin đầu tư là tiền. Tuy nhiên theo giám đốc vận hành IDG, khi có 2 yếu tố trên thì tiền là chuyện nhỏ. "Chúng tôi mới là những người tìm các bạn để đầu tư. Chúng tôi mới là người đi tìm các bạn, chưa cần đến quỹ đã có các angel khi các bạn tin vào bản thân mình", bà Hương khẳng định.

Một điều khá thú vị được nữ giám đốc quỹ này bật mí là tại IDG khá ưu ái khi hồ sơ gọi vốn đến từ phụ nữ. Thời điểm IDG bước chân vào Việt Nam chưa có nhiều phụ nữ khởi nghiệp như vài năm gần đây những điều đó đã khá phổ biến từ lâu tại Mỹ. Ngay chính vợ của chủ tịch quỹ IDG vốn là một nữ doanh nhân khởi nghiệp với 18 USD từ một gara ô tô. 

Bà khởi nghiệp với ngành phần mềm và sau 6 năm doanh nghiệp bán lại với giá 500 triệu USD. Nữ doanh nhân này được tạp chí Time phỏng vấn và hình ảnh xuất hiện trên trang bìa. Từ đây cũng là cơ duyên cho vợ chồng chủ tịch IDG quen nhau. Và quỹ đầu tư IDG Venture cũng được vị chủ tịch mở vì vợ cũng như niềm tin vào phụ nữ khởi nghiệp.

Sở dĩ IDG ưu ái phụ nữ bởi dù ở nước tân tiến hay bất cứ đâu cũng có quá nhiều hạn chế. Do bản tính trời sinh nên phụ nữ thường đặt gia đình trước công việc sau và thường thiệt thòi hơn nam giới. Và khi phụ nữ có ý tưởng, có quyết tâm sẽ rất được chú ý.

Ngoài ra một hồ sơ được chú ý khi có tính xác thực với đời sống hàng ngày. Dù ý tưởng không có yếu tố kinh thiên động địa nhưng được cắt tỉa lại phù hơp với môi trường văn hóa, hoàn cảnh, phù hợp với người Việt Nam sẽ được IDG chú ý.  Yếu tố tiếp theo của một ý tưởng chính là có dễ bị đánh cắp không, có dễ phát triển không.  

Không cần quá cao sang phức tạp, đời thường, đơn giản, bền vững, khó copy, có khả năng mở rộng chính là những yếu tố hội đủ của 1 ý tưởng lọt vào mắt xanh của IDG khi rót vốn đầu tư.


Thảo Nguyên

Theo Trí Thức Trẻ