Mekong Capital tỏ ra thận trọng, hướng tập trung đầu tư vào những công ty tiêu dùng thay vì startup công nghệ.
Trong bối cảnh các nhà đầu tư trên thế giới hướng về lĩnh vực công nghệ thì công ty quản lý quỹ đầu tư đầu tiên của Việt Nam lại chia sẻ họ "tránh xa" các startup trong lĩnh vực này và thay vào đó tập trung vào những công ty liên quan đến tiêu dùng.
Giá trị cũng như số lượng những thỏa thuận đầu tư tại Việt Nam tăng vọt trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và quốc gia này được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đầu tư tư nhân tăng lên mức kỷ lục 1,6 tỷ USD trong năm 2018 từ mức 418 triệu USD vào năm trước. Con số đó vượt xa Thái Lan, Malaysia và chỉ kém hơn một chút so với Indonesia.
Mặc dù vậy, Mekong Capital – quỹ đầu tư thành lập năm 2001, đơn vị đang quản lý khối tài sản 112 triệu USD tỏ ra rất thận trọng và tìm kiếm giá trị trong những khoản đầu tư thuộc các ngành công nghiệp cũ thay vì những startup công nghệ vốn thu hút được rất nhiều sự chú ý.
"Một vài mô hình kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ không tỏ ra hiệu quả", ông Chris Freund – CEO Mekong Capital nói. Ông này cũng cảnh báo rằng lĩnh vực này đang bắt đầu trở thành các bong bóng startup, có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Một ví dụ là những startup giao đồ ăn phải đối mặt với những siêu ứng dụng như Grab. Mặc dù Grab là đơn vị dẫn đầu thị trường nhưng họ vẫn chưa thể có lãi.
"Tôi không nhận thấy khả năng sinh lời của họ. Một khi nguồn tiền vốn đầu tư mạo hiểm cạn kiệt, toàn bộ ngành công nghiệp sẽ sụp đổ".
Hiện tại Mekong Capital đã có quỹ thứ 5, kỳ vọng huy động 200 triệu USD vào năm sau để thiết lập những thỏa thuận trị giá 20 triệu USD hoặc hơn, đầu tư vào những công ty tiêu dùng và bán lẻ ở địa phương. Con số đó nhiều hơn đáng kể so với mức đầu tư trung bình 11 triệu USD trên mỗi thỏa thuận hiện tại.
"Có rất nhiều thỏa thuận lớn hơn mà chúng tôi không thể thực hiện. Chúng tôi vẫn muốn duy trì quy mô nhỏ hơn so với các quỹ trong khu vực nhưng muốn có thêm những thỏa thuận trong mức 15 – 20 triệu USD".
Mekong Capital bắt đầu đầu tư vào các công ty sản xuất nhưng hiện tại lại tập trung vào công ty tiêu dùng dựa trên 14 tiêu chí gồm quản trị tập đoàn và văn hóa. Danh mục của họ bao gồm chuỗi nhà thuốc Pharmacity, nhà cung cấp logistic ABA cooltrans và Nhật Bản hay Pizza 4P’s.
"Tham gia vào chương trình của Mekong để học cách xây dựng đội ngũ từ những công ty khác trong danh mục rất hữu ích", theo Yosuke Masuko, CEO của Pizza 4P’s.
Freund nói rằng ông không muốn chuyển tập trung của công ty sang sản xuất dù Việt Nam đang hưởng lợi từ việc các công ty nước ngoài chuyển tới đây vì ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cơ hội về các khoản đầu tư tốt trong mảng này rất hiếm bởi các nhà sản xuất địa phương vẫn chưa xây dựng được thương hiệu đủ mạnh và công nghệ chưa cải tiến đủ để có thể cạnh tranh với những đối thủ ở nước ngoài.
Thỏa thuận sinh lời lớn nhất của công ty đến nay là khoản đầu tư 3,5 triệu USD vào Thế giới di động vào năm 2007. Công ty này sau đó đã IPO vào năm 2014, biến khoản tiền ban đầu thành 199 triệu USD tại thời điểm Mekong Capital thoái vốn vào tháng 1/2018.
Tốc độ tăng trưởng của những cửa hàng bán lẻ hiện tại cũng làm đẩy lên nhu cầu của mạng lưới phân phối tốt hơn, một điều kiện tốt cho các công ty logistic mà Mekong Capital đầu tư vào.
Freund nói rằng thị trường quỹ tư nhân Việt Nam vẫn quá nhỏ so với những gã khổng lồ toàn cầu như Carlyle và KKR. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh đang dần tăng lên.
Quỹ đầu tư nước ngoài Singapore và GIC đã đầu tư 853 triệu USD vào mảng bất động sản Vingroup vào năm ngoái gần đây tiếp tục tuyên bố 500 triệu USD nữa vào mảng bán lẻ của tập đoàn này. Quỹ Warburg của Mỹ cũng đầu tư 100 triệu USD vào startup Momo của Việt Nam trong năm nay.
Vân Đàm
Theo Trí Thức Trẻ/Nikkei