Góc nhìn: Lúc này, “Tiền mặt là vua”?

01/03/2020 11:09

Câu nói “Tiền mặt là vua” bắt đầu xuất hiện trong thảo luận, góc nhìn của nhà đầu tư.

Ảnh minh họa.

Phiên giao dịch cuối tuần (29/2), nhà đầu tư chứng kiến một sự đồng pha đậm đặc và ít thấy: các chỉ số chứng khoán Mỹ (điển hình như Dow Jones), giá dầu và giá vàng cùng nhau giảm rất mạnh.

Thông thường, các kênh trên vẫn có thể đồng pha (cùng xu hướng tăng hoặc giảm), nhưng ít khi cùng thể hiện mức độ mạnh như vậy.

Còn trong bối cảnh có biến cố, nhất là cùng phản ánh yếu tố rủi ro lớn nào đó, giá vàng và các chỉ số chứng khoán chính vẫn thường “bập bênh”, bên xuống, bên lên. Mối quan hệ này cũng phản ánh đặc điểm của mỗi kênh.
Trường hợp không có yếu tố tác động riêng biệt ở mỗi kênh, khi kinh tế khởi sắc, chứng khoán tăng, và giá vàng khó đồng pha; ngược lại, khi kinh tế bất ổn và bộc lộ rủi ro, chứng khoán giảm và vàng tăng giá với vai trò “vịnh tránh bão”…

Thế nhưng, như trên, xu hướng thể hiện trong tuần qua và đặc biệt ở phiên cuối tuần, cả chứng khoán và vàng cùng giảm rất mạnh. Nguyên do chính tập trung ở quan ngại dịch cúm corona lan ra toàn cầu.

Trên một số diễn đàn và mạng xã hội, đã có những ngạc nhiên từ nhà đầu tư: Rủi ro đối với kinh tế toàn cầu bộc lộ, chứng khoán liên tục giảm mạnh đã đành, nhưng sao giá vàng cũng lao dốc mà không phải là kênh trú ẩn?

Có một góc nhìn: Nhà đầu tư bán chứng khoán để thu tiền về, bán vàng để thu tiền về, bán dầu để thu tiền về… Tất cả đang chạy về một điểm: thu tiền về. Theo đó, diễn biến này phản ánh sự phòng thủ ở các kênh, câu nói “Tiền mặt là vua” xuất hiện ở một số trao đổi của nhà đầu tư.

Thế nhưng, câu nói đó có thể được hiểu theo các hướng khác nhau, hoặc được đặt không đúng chỗ.

Đầu năm 2019, một quỹ đầu tư đưa ra quan điểm phân bổ danh mục dự kiến trong năm với tỷ trọng tiền mặt cao. Sau đó, quan điểm này được một số trang thông tin diễn giải theo hướng: “Tiền mặt là vua trong năm 2019”, các kênh đầu tư đều rủi ro và hạn chế rót vốn vào...

Diễn giải trên có thể chỉ nhìn trực tiếp vào tỷ trọng tiền mặt theo nghĩa đen, cũng như đặt hướng cần gia tăng tỷ trọng tiền mặt lên thay vì đầu tư.

Còn ở khía cạnh khác, “Tiền mặt là vua” được nhấn mạnh ở vị thế.

Tham khảo từ SAGA.vn - kênh diễn giải các thuật ngữ kinh tế và đầu tư, vị thế đó đi cùng với cơ hội của người nắm tiền mặt, có đủ tiền mặt; họ có vị thế, điều kiện tốt hơn để nắm bắt các cơ hội chứ không hẳn theo nghĩa tại thời điểm quyết định mới thu hẹp lại các kênh đầu tư để chuyển thành tiền mặt.

Ví dụ SAGA đưa ra: Một người tìm được căn hộ ưng ý với mức giá phù hợp, nhưng lại chưa xoay kịp tiền mặt để thanh toán và nắm ngay sở hữu. Khi xoay đủ tiền, căn hộ đó đã bị bán cho người khác.

Hoặc, một doanh nghiệp có nhiều tài sản giá trị nhưng lại để ít tiền mặt trên bảng cân đối. Trong quá trình vận hành, có chi phí phát sinh, có xáo trộn cấu trúc bất thường, có công nợ đến hạn không kịp chuyển đổi tài sản thành tiền mặt hoặc lượng tiền mặt không đủ để chi trả, dẫn đến phá sản kỹ thuật… Khi đó mới thấy giá trị của tiền mặt là “vua”.

Trong những ví dụ đó, tiền mặt trở thành “vua” để nắm bắt cơ hội đầu tư hoặc để xử lý các tình huống cần thiết. Và một trong những đúc kết SAGA nhấn mạnh: “Không bao giờ để hết tiền mặt. Cạn tiền mặt là định nghĩa của thất bại kinh doanh”.

Với hướng trên, như với sự sụt giảm - chiết khấu mạnh của thị trường chứng khoán hiện nay, “Tiền mặt là vua” được xem xét ở vị thế của người có sẵn tiền, sẵn vốn để chủ động trong chờ đợi, xem xét lựa chọn cơ hội đầu tư hoặc chớp được cơ hội, chứ không hẳn là thụ động lúc này mới chuyển chứng khoán sang tiền mặt rồi gọi đó là “vua”.

Minh Đức/Bizlive

Bạn đang đọc bài viết "Góc nhìn: Lúc này, “Tiền mặt là vua”?" tại chuyên mục Featured.