Giữa tác động của COVID-19, doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) rất cần được tiếp thêm sức để vực dậy, vượt qua khó khăn. Nhưng gần như các gói hỗ trợ vẫn được thực thi một cách “đủng đỉnh”.
Nơi giải thể, nơi sống lay lắt
Dù chưa có báo cáo đánh giá chính thức nhưng dự báo, sự phục hồi của doanh nghiệp (DN) trong tháng 10/2021 chưa có dấu hiệu khả quan. Chỉ trong ngày 25/10, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã đăng tải thông báo giải thể của hàng trăm DN từ Bắc vào Nam, trong đó có nhiều DN vừa mới hoạt động
Bà Vương Thị Vui, đại diện Công ty TNHH Thương mại Gia Hào (địa chỉ tại xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, Bắc Ninh), cho biết, công ty hoạt động ngày 1/4/2020, kinh doanh trong lĩnh vực buôn bán đồ dùng gia đình. Do ảnh hưởng bởi COVID-19, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không có lợi nhuận nên ngày 21/10, công ty đã gửi hồ sơ lên Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, thông báo giải thể.
Tương tự là Công ty TNHH MKSOLAR Cà Mau (địa chỉ tại phường Tân Thành, TP. Cà Mau). Công ty hoạt động từ ngày 12/8/2020, kinh doanh lĩnh vực lắp đặt thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời. Do hoạt động không hiệu quả, tài chính cạn kiệt nên công ty đã quyết định giải thể ngày 15/10/2021.
Trước đó, 9 tháng năm 2021, cả nước có 90.291 DN rút lui khỏi thị trường; trong đó 32.398 DN chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020.
DN gặp khó khăn khiến NLĐ chịu tác động càng trầm trọng. Một khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng mới đây cho biết, qua khảo sát online với hơn 69 nghìn lao động, gần 50% lao động bị mất việc có nguồn tiền tích lũy chỉ đủ để đảm bảo cho cuộc sống dưới 1 tháng; hơn 37% NLĐ bị mất việc chỉ đủ đảm bảo cho cuộc sống dưới 3 tháng. Số lao động có đủ tiền để trang trải cho cuộc sống dưới 6 tháng là 8,6%; chỉ có 4,4% số lao động đã mất việc làm có nguồn tiền tích lũy đủ đảm bảo cho cuộc sống trên 6 tháng.
Mỏi mắt chờ gói hỗ trợ
Từ khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát (27/4/2021 đến nay), để hỗ trợ DN và NLĐ, Chính phủ, bộ ngành và địa phương đã ban hành hàng loạt gói, chính sách khác nhau. Nhưng điểm chung dễ nhận thấy là đều thực thi rất chậm.
Điển hình như gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng cho vay trả lương, các gói miễn giảm thuế phí theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021. Tính đến đầu tháng 10/2021, tổng hợp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, tổng kinh phí đã hỗ trợ NLĐ và người sử dụng LĐ mới gần 15,8 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, hàng trăm nghìn DN đang “khát” tiếp cận gói vay 16.200 tỷ đồng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc hoặc trả lương phục hồi sản xuất cho NLĐ theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Nhưng đến giữa tháng 9/2021, hệ thống NHCSXH mới giải ngân được 382 tỉ đồng cho 730 DN để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 109.373 lượt NLĐ tại 63 tỉnh, thành.
Nguyên nhân là do các quy định để tiếp cận gói vay khá ngặt nghèo, nhất là điều kiện nợ xấu. Hiện nay, các DN đã tham gia những chuỗi cung ứng cả trong và ngoài nước, chỉ cần một DN gặp khó thì sẽ kéo theo các DN trong chuỗi cung ứng bị đứt gãy dòng tiền, nợ xấu hình thành.
Trong Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 sửa đổi Nghị quyết 68/NQ-CP, Chính phủ đã “nới lỏng” hơn để DN tiếp cận gói hỗ trợ vay vốn lãi suất 0% tại NHCSXH. Nhưng đây đã là thời điểm gần cuối năm, việc tiếp cận nguồn vốn chắc cũng phải chờ đến năm sau, hoặc lâu hơn.
Theo khảo sát của Ban IV, do không thể tiếp cận được gói hỗ trợ của nhà nước nên có tới 64% DN phải giảm chi phí hoạt động thông qua cắt giảm LĐ, tiền lương, tổ chức lại sản xuất để giải quyết khó khăn về dòng tiền bị thiếu hụt.
DN cầm cự thì NLĐ cũng lâm vào tình cảnh lao đao. Và, dù đã có các gói hỗ trợ của nhà nước nhưng phần lớn NLĐ vẫn “tự lực cánh sinh”.
Khảo sát từ hơn 69 nghìn lao động của Ban IV cho thấy, đợt dịch vừa qua đã làm trên 42.700 người bị mất việc làm. Trong đó có tới 45% lao động bị mất việc làm phải dựa vào sự trợ giúp tài chính của người thân và gia đình. Tỷ lệ lao động mất việc nhận được sự trợ giúp từ làng xóm hoặc tổ chức từ thiện là 12%. Tỷ lệ lao động mất việc nhận được sự trợ giúp tài chính của công ty chỉ đạt hơn 5%.
Con số về lao động mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh được tiếp cận với gói hỗ trợ của nhà nước là nhỏ nhất, chỉ đạt 2%. Nếu tính gộp cả những người nhận được bảo hiểm thất nghiệp khi mất việc thì con số này mới tăng lên được 3,5%. Đáng lưu tâm là số lao động bị mất việc làm nhưng không nhận được sự trợ giúp chiếm tới 39,6%.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, sớm nhất phải đến quý II/2022, các hoạt động kinh tế của Việt Nam mới có thể trở lại trạng thái bình thường mới, các DN mới dần khôi phục. Do đó, trước mắt cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ người dân, DN đã ban hành. Các gói hỗ trợ này nên được tính toán gia hạn để hỗ trợ cho DN và người dân trụ vững qua thời kỳ khó khăn, từ đó từng bước thích ứng an toàn trước đại dịch COVID-19.