"Chúng tôi không muốn kiến thức về các kỹ năng digital và những cái know-how trong công nghệ chỉ giới hạn ở những người được đi học ở những ngôi trường tốt…" CEO Grab Anthony Tan chia sẻ tại sự kiện công bố chương trình "Grab for Good" tại quê nhà của GoJek - Indonesia mới đây.
Grab và Microsoft sẽ phát triển một dự án dành cho các đối tác tài xế muốn theo đuổi nghề nghiệp có liên quan đến công nghệ. Những người tốt nghiệp chương trình sẽ phù hợp để tham gia phỏng vấn cho những vị trí cụ thể liên quan đến công nghệ trong những công ty đối tác của Grab và Microsoft.
Thông tin này được đưa ra tại sự kiện công bố chương trình "Grab for Good" mới đây, trước thềm buổi ký kết hợp tác quy mô khu vực giữa startup "siêu ứng dụng" Grab và ông lớn công nghệ Microsoft.
Dự án này nhằm thu hẹp khoảng cách về năng lực công nghệ tại Đông Nam Á, với những chương trình dành riêng cho đối tác tài xế Grab và gia đình của họ.
"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng làn sóng đang lên của nền kinh tế kỹ thuật số sẽ nâng MỌI con thuyền, chứ không phải chỉ MỘT VÀI" - CEO Grab Anthony Tan
Dự án hợp tác sẽ đáp ứng nhiều mức độ khác nhau về kiến thức số, và Grab và Microsoft sẽ hợp tác theo 3 phương thức: Nuôi dưỡng những tài năng công nghệ trẻ trong các trường ĐH khắp Đông Nam Á; Nâng cao năng lực của tài xế và vợ con họ; Thúc đẩy sự nghiệp của các bác tài…
Cụ thể, hợp tác này mở ra hướng đi cho đối tác tài xế theo đuổi nghề nghiệp liên quan đến công nghệ, với sự hỗ trợ từ tổ chức phi lợi nhuận quốc tế Generation: You Employed, một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu hoạt động với mục tiêu hỗ trợ kỹ năng cho người lao động.
Dự án sẽ bao gồm nội dung giảng dạy sát với thực tế được phát triển bởi Generation, và mang đến cơ hội được cấp chứng nhận trong các khóa học của Microsoft. Những người tốt nghiệp chương trình sẽ phù hợp để tham gia phỏng vấn cho những vị trí cụ thể liên quan đến công nghệ trong những công ty đối tác của Grab và Microsoft.
Dự án được thử nghiệm đầu tiên ở Singapore, hướng đến nâng cao kỹ năng cho khoảng 100 đối tác tài xế Grab, với khoá đầu tiên sẽ được đào tạo vào tháng 6 năm 2020. Chương trình cũng sẽ kết nối với những sáng kiến của SkillsFuture Singapore nhằm phát triển nguồn nhân lực và học tập lâu dài, hướng đến cung cấp hỗ trợ toàn diện cho đối tác tài xế Grab tại Singapore. Chương trình sẽ được triển khai tại các quốc gia khác trong khu vực sau khi đánh giá chương trình thử nghiệm.
Ảnh minh họa. Nguồn: Zing.
Bên cạnh đó, các đối tác tài xế Grab sẽ được tiếp cận chương trình đào tạo chứng chỉ Digital Literacy của Microsoft hoàn toàn miễn phí ngay trên ứng dụng tài xế Grab. Họ có thể hoàn tất những khóa học cơ bản, bao gồm nhiều chủ đề như sử dụng máy tính cơ bản, sử dụng Internet và phần mềm sao cho hiệu quả. Sau khi hoàn tất khóa học, đối tác tài xế sẽ được cấp miễn phí chứng chỉ của Microsoft.
Microsoft và Grab cũng sẽ chung tay cùng ASEAN Foundation and Empire Code để cung cấp cho các cá nhân, đặc biệt là vợ và con của các đối tác Grab, quyền truy cập vào những chương trình đào tạo về khoa học máy tính thông qua nền tảng FutureReadyASEAN.
Với đối tượng là các tài năng công nghệ trẻ, Grab và Microsoft sẽ làm việc cùng một số trường Đại học được chọn ở Đông Nam Á để đào tạo cho sinh viên những kỹ năng công nghệ phù hợp với tình hình thực tế mà ngành công nghiệp đang đòi hỏi.
Microsoft sẽ cung cấp khả năng truy cập vào những nội dung, chương trình giảng dạy, nền tảng học tập, chứng chỉ được công nhận trong ngành, bên cạnh những công cụ công nghệ toàn diện như Azure for Education. Grab sẽ hỗ trợ các lớp học thông qua dữ liệu và thách thức liên quan đến ngành, tổ chức các trải nghiệm học tập như các cuộc thi Hackathon và tuyển thực tập sinh.
Trước mắt, Grab và Microsoft sẽ hợp tác với Đại học Indonesia (University of Indonesia - UI) và Học viện Công nghệ Bandung (Bandung Institute of Technology - ITB) để mang đến những chương trình đào tạo chứng chỉ Microsoft. Trong 6 tháng tiếp theo, dự kiến sẽ có thêm nhiều trường Đại học ở Đông Nam Á cùng tham gia.
Cofounder kiêm CEO Grab Anthony Tan. Ảnh: Reuters.
"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng làn sóng đang lên của nền kinh tế kỹ thuật số sẽ nâng MỌI con thuyền, chứ không phải chỉ MỘT VÀI. Chúng tôi không muốn kiến thức về các kỹ năng digital và những cái know-how trong công nghệ chỉ giới hạn ở những người được đi học ở những ngôi trường tốt…" CEO Grab Anthony Tan bày tỏ.
"Một trong những thách thức chúng tôi nhận thấy ở Châu Á - Thái Bình Dương là sự dân chủ hoá giáo dục. Chúng tôi tin rằng mọi người dân nên được tiếp cận với giáo dục, đặc biệt là với kiến thức công nghệ và kiến thức số. Điều này sẽ khuyến khích tính sáng tạo, khả năng tư duy tính toán và kỹ năng giải quyết vấn đề, tất cả đều là những kỹ năng quan trọng cho tương lai," Chủ tịch Microsoft Châu Á - Thái Bình Dương, bà Andrea Della Mattea, chia sẻ.
Ông Ricky Kapur - Phó Chủ tịch phụ trách Sales, Marketing và Vận hành tại Microsoft Châu Á - Thái Bình Dương nhìn nhận cái bắt tay ngày hôm nay giữa Microsoft và Grab không chỉ là cái bắt tay giữa 2 công ty công nghệ. Cái bắt tay ngày hôm nay chỉ là động thái khởi đầu.
"Có thể sẽ có thêm một vài đối tác nữa, nhờ vậy hệ sinh thái này có thể lớn hơn để hỗ trợ những người với những nền tảng giáo dục khác nhau", ông Ricky nói.
Grab launching từ tháng 6/2012, đến nay đã có hơn 9 triệu đối tác được Grab gọi là Micro - entrepreneurs, bao gồm Drivers (Tài xế), Merchants (Đối tác bán hàng), Agents (Đại lý), và Delivery Partners (Đối tác giao vận).
Tại sự kiện này, Grab cũng lần đầu tiên công bố báo cáo đánh giá tác động xã hội, ước tính đã đóng góp 5,8 tỷ USD cho nền kinh tế Đông Nam Á trong vòng 12 tháng tính đến tháng 3/2019. Con số này được tính toán dựa trên tổng thu nhập trước thuế (Gross Incomes) của tài xế và doanh số của các Merchants (đối tác bán hàng) trên nền tảng Grab từ 1/4/2018 - 31/3/2019. Số liệu này cũng đã bao gồm tính toán của thu nhập của các đại lý Kudo (Kudo là đối tác thanh toán điện tử của Grab tại Indonesia) được thu thập từ một nghiên cứu được thực hiện bởi Centre for Strategic and International Studies (CSIS) và Tenggara Strategics.
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ