Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Habeco muốn đưa người '1 tháng nhảy qua 2 ghế Trưởng phòng' vào HĐQT

27/08/2019 12:30

Tổng CTCP Bia-Rượu-NGK Hà Nội (Habeco) mới đây đã có Tờ trình của HĐQT trình Đại hội cổ đông xem xét và thông qua việc bầu bổ sung hai thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024.

Tổng CTCP Bia-Rượu-NGK Hà Nội (Habeco) mới đây đã có Tờ trình của HĐQT trình Đại hội cổ đông xem xét và thông qua việc bầu bổ sung hai thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024.

Theo đó, HĐQT Habeco trình Đại hội cổ đông ủy quyền cho HĐQT Habeco thực hiện các thủ tục bầu bổ sung hai thành viên gồm: ông Vũ Xuân Dũng và ông Trần Thuận An.

Việc bầu bổ sung hai thành viên HĐQT được thực hiện theo phương thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để gửi về Tổng công ty trước ngày 06/09/2019.

Theo giới thiệu của Habeco, ông Vũ Xuân Dũng sinh năm 1973, quê Thái Bình. Hiện là Phó Tổng Giám đốc Habeco, là đại diện phần vốn nhà nước tại Habeco.

Quá trình công tác của ông Dũng, từ tháng 1/1997 đến tháng 8/2003 là Nghiên cứu viên tại Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công nghiệp); Từ tháng 9/2003 – 9/2004 là Phó Trưởng phòng Hóa sinh Công nghiệp và Môi trường, Viện Công nghiệp thực phẩm; Từ tháng 4/2007 đến 6/2007 là Chuyên viên thuộc Vụ Công nghiệp tiêu dùng và thực phẩm (Bộ Công nghiệp), sau đó là Phó Vụ trưởng của Vụ này trong vòng 2 tháng từ 4/2007 đến 6/2007.

Ông Vũ Xuân Dũng có 2 năm, từ 7/2007 đến 7/2009 làm Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) trước khi được cử về Habeco làm Phó Tổng Giám đốc từ tháng 7/2009 đến nay. Tuy nhiên, mới đây, ngày 10/7/2019, ông Dũng mới được cử làm người đại diện phần vốn nhà nước tại Habeco như một bước đệm để chuẩn bị cho việc đặt chân vào HĐQT Tổng Công ty này.

Tóm tắt Sơ yếu lý lịch của ông Vũ Xuân Dũng. Nguồn: Habeco.

Người còn lại, ông Trần Thuận An sinh năm 1975, quê Thanh Hóa, là Cử nhân quản trị kinh doanh công nghiệp và xây dựng cơ bản.

Ông Trần Thuận An công tác tại Habeco từ tháng 11 năm 1996 với chức danh Chuyên viên kế hoạch, thuộc Phòng Kế hoạch tiêu thụ, Phòng Kế hoạch Habeco.

Tháng 7/2004 đến tháng 12/2010 làm Phó Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư Habeco, sau đó là Trưởng phòng từ 01/2011 đến tháng 5/2014.

Từ 10/07/2019 đến hiện tại ông An được cử đại diện phần vốn nhà nước tại Habeco. Đáng chú ý, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng ông An được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Thị trường, rồi Trưởng phòng Marketing Habeco.

Cụ thể, từ 10/07/2019 đến 31/07/2019 ông giữ chức Trưởng phòng Thị trường, và sau đó giữ chức Trưởng phòng Marketing Habeco từ 01/08 đến nay.

Tóm tắt Sơ yếu lý lịch của ông Trần Thuận An. Nguồn: Habeco.

Hội đồng quản trị đương nhiệm của Habeco hiện chỉ có 03 thành viên gồm: ông Trần Đình Thanh, Chủ tịch HĐQT; ông Ngô Quế Lâm, Tổng Giám đốc; và ông Stefano Clini, đại diện phần vốn của Carlsberg.

Ngoài Tổng Giám đốc Ngô Quế Lâm, Ban Điều hành có 04 Phó Tổng Giám đốc, trong đó có ông Vũ Xuân Dũng vừa được HĐQT giới thiệu bầu bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024.

Cơ cấu cổ đông của Habeco khá cô đặc khi chỉ có 534 cổ đông sở hữu 231.800.000 cổ phần, tương ứng 100% vốn điều lệ của công ty. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, chỉ có 18 cổ đông tham dự nhưng số cổ đông này đã đại diện cho quyền sở hữu 230.377.870 cổ phần phổ thông, chiếm tỷ lệ 99,39% tổng số cổ phần trong danh sách cổ đông của Tổng Công ty.

Mặc dù vẫn nằm trong nhóm “big 4” cùng với Sabeco, Heineken và Carlsberg cát cứ 90% thị phần bia của Việt Nam, nhưng tầm ảnh hưởng của Habeco cũng như thị phần của thương hiệu bia có truyền thống 129 năm đã và đang giảm sút rõ rệt trong vài năm qua.

Ngay tại thị trường truyền thống là miền Bắc, Habeco cũng đang bị lép vế so với sự bành trướng của đối thủ Sabeco. Thêm vào đó là xu hướng tiêu dùng đang có sự dịch chuyển sang những sản phẩm bia nhập khẩu cao cấp với hương vị lạ, độc đáo, đề cao sự trải nghiệm cho người sử dụng.

Theo số liệu vào năm 2017 của Euromonitor, Habeco chỉ còn chiếm 16,7% thị phần tại Việt Nam, đứng thứ ba sau Sabeco (42,2%) và Vietnam Brewery Heineken (21,8%).

Nguyên nhân là bởi như đã nói ở trên, người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ luôn đề cao sự trải nghiệm, trong khi Habeco vốn luôn bảo thủ với mẫu mã xưa cũ, cộng với khả năng làm marketing thua kém so với đối thủ.

Trước sự lấn lướt của các đối thủ trực tiếp, Habeco mới đây buộc phải thay đổi khi chấp nhận khoác lên mình tấm áo mới thông qua việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu mang tính trẻ trung hơn từ tháng 4/2019, đồng thời ra mắt những mẫu mã sản phẩm mới bắt mắt và cá tính hơn như Hanoi Bold, Hanoi Light.

Bộ sản phẩm mới và logo mới đang được Habeco đẩy mạnh marketing nhằm cứu vãn thị phần trên "sân nhà".

Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của Habeco đạt 4.027 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 304,622 tỷ đồng, lần lượt giảm 7,5% và 6,29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyễn Tuân