Hai bệnh viện nghìn tỷ ‘đóng cửa, cài then’: Bộ trưởng Y tế đang xử lý thế nào?

02/11/2023 07:11

Cung cấp thông tin về 2 dự án nghìn tỷ đang ‘đóng cửa, cài then’ là Bệnh viện Bạch Mai 2 và Bệnh viện Việt Đức 2, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đang thương thảo với các nhà thầu và thống nhất các nội dung điều chỉnh hợp đồng và triển khai các giải pháp để sớm có thể tiếp tục thực hiện các dự án này.

z4840390435971-befe0fd45d7b673f9e8c42d8746b5fb8-1698883862.jpg

Bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức 2 kéo dài đến 2025

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngày 21/2/2023, Thủ tướng đã có thành lập Tổ công tác rà soát khó khăn với sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp. Đến nay, tổ đã có ba báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Hiện Tổ công tác đã đề xuất các phương án để cho phép kéo dài thời gian bố trí thực hiện dự án đến hết ngày 31/12/2025, rà soát, điều chỉnh các hợp đồng đã ký theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu xây dựng và pháp luật liên quan và đề nghị bổ sung cân đối vốn để tiếp tục thực hiện dự án, sớm đưa dự án vào phục vụ nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin: Bộ Y tế đang phối hợp cùng với các Bộ, ngành để thực hiện thương thảo với các nhà thầu và thống nhất các nội dung điều chỉnh hợp đồng và triển khai thực hiện các giải pháp theo quy định để sớm đưa thực hiện vào các cái nội dung này để đưa các cái dự án này triển khai.

Tình trạng thiếu thuốc vẫn còn tiếp diễn

Liên quan đến công tác đấu thầu thuốc, nguồn cung thuốc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, tính đến nay, việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã đạt được, dù vẫn còn tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một cơ sở, một số cơ sở y tế địa phương.

Tuy nhiên, trong tháng 10/2023 có 61,41% đơn vị báo cáo đã đủ cung ứng thuốc cho hoạt động khám, chữa bệnh, 38,59% đơn vị báo cáo còn có tình trạng thiếu hụt thuốc cục bộ. Có những đơn vị trước đây khó khăn như hiện nay đã đấu thầu đảm bảo cơ bản cho công tác khám, chữa bệnh. Ví dụ như Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu năm đến nay đã thực hiện được 35 gói thầu vật tư, hóa chất, máy móc.

Theo Bộ trưởng Lan, việc thiếu thuốc do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung nguyên liệu hoạt chất trên thế giới khan hiếm, giá cả biến động trên quy mô toàn cầu, vấn đề lạm phát, khủng hoảng năng lượng, ảnh hưởng của xung đột quân sự giữa các quốc gia, làm tăng cao chi phí đầu vào của ngành sản xuất dược phẩm.

“Giá thành sản phẩm tăng cao, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thiếu động lực khuyến khích các nhà sản xuất, sản xuất các loại thuốc mang lại ít lợi nhuận hơn”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, "có nguyên nhân chủ quan hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn bất cập, việc tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu còn vướng mắc, công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện mua sắm chưa kịp thời, hiệu quả… Đặc biệt là có tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị và địa phương”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Theo bà Lan, giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc thời gian tới cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm thuốc đấu thầu tập trung quốc gia. Tăng cường công bố thông tin phục vụ đấu thầu, phối hợp cùng với các địa phương, các cơ sở y tế rà soát các vướng mắc liên quan tới việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế để giải quyết theo thẩm quyền.

Theo Kỳ Thư/VNF