Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Hai 'con cưng' của Shark Vương chìm trong thua lỗ: VietAbank đang 'ngồi trên đống lửa'?

03/09/2018 15:33

Sau thời gian hoạt động, một số công ty do ông Trần Anh Vương (Shark Vương) lãnh đạo đang dần lỗ nặng. Và, các ngân hàng cho vay cũng nóng như ngồi trên đống lửa.

Sau thời gian hoạt động, một số công ty do ông Trần Anh Vương (Shark Vương) lãnh đạo đang dần lỗ nặng. Và, các ngân hàng cho vay cũng nóng như ngồi trên đống lửa.

Dẫn thông tin từ Chuyên trang điện tử của Tạp chí Nhà đầu tư, ngày 31/8/2018, HĐQT Công ty Cổ phần SAM Holdings (tiền thân là CTCP Đầu tư và Phát triển SACOM – mã: SAM) đã có quyết nghị thông qua đơn từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc của ông Trần Anh Vương (còn được biết đến với tên gọi Shark Vương). Quyết định có hiệu lực từ ngày 31/8/2018.

Báo VnEconomy thông tin thêm, động thái này khá bất ngờ, khi cách đây không lâu, Shark Vương đã đăng ký bán hết 15,28 triệu cổ phiếu SAM, tương ứng 6,32% vốn điều lệ. Giao dịch được thực hiện theo hình thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn từ ngày 29/8 - 27/9.

Sau giao dịch, ông chỉ còn nắm giữ 44.493 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 0,02% vốn điều lệ. Nếu điều kiện thuận lợi, Shark Vương có thể bán hết số cổ phiếu còn lại và không còn là cổ đông của SAM Holding.

Ông Trần Anh Vương, hay còn được biết đến với tên Shark Vương. Ảnh: SharkTankVN

Theo Chuyên trang điện tử của Tạp chí Nhà đầu tư, ông Trần Anh Vương cũng đã đệ đơn từ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (Generalexim, mã: TH1) nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đơn từ chức này cũng được HĐQT chấp nhận từ ngày 2/7/2018.

Trong số các công ty ông Vương làm lãnh đạo thì CTCP Đầu tư BVG (BVG - tiền thân là Công ty Thép Bắc Việt) và CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam là hai công ty mà trong thời gian ông Vương đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đều chìm trong thua lỗ. Trong đó, CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam có kết quả kinh doanh xuống dốc nhanh chóng kể từ khi bước chân vào đầu tư tài chính từ năm 2012.

Kết quả kinh doanh của TH1 qua những năm gần đây. Ảnh: Zing

Tình trạng tương tự diễn ra tại BVG, nơi Shark Vương là Chủ tịch. Từ năm 2012, đến năm 2016, BVG lỗ ròng hơn 4 tỷ, nâng lỗ lũy kế lên hơn 56 tỷ đồng. Việc liên tiếp thua lỗ đã khiến vốn đầu tư của chủ sở hữu hơn 97,5 tỷ đồng liên tục bị bào mòn, đến cuối năm 2016 chỉ còn lại 65 tỷ. Nợ phải trả của BVG cũng đã gấp 2 lần vốn chủ sở hữu và hệ số thanh toán ngắn hạn cũng xuống dưới mức hệ số 1.

Ngoài ra, SAM Holdings nơi tên tuổi Shark Vương được biết tới nhiều nhất cũng vừa báo lỗ ròng trong quý III năm nay. Theo đó, trong quý III/2018, SAM ghi nhận 577 tỷ doanh thu thuần, tăng 81% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công ty lại báo lỗ ròng 3,6 tỷ, nguyên nhân do trong kỳ SAM đã phải chi quá nhiều tiền cho chi phí tài chính.

Mặc dù vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm SAM vẫn báo lãi dương 49 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm 2015 do kết quả kinh doanh tốt của 2 quý đầu năm.

Được biết, tính đến 30/6/2018, TH1 đang có khoản nợ vay ngắn hạn gần 651 tỷ đồng, trong đó, chủ nợ ngắn hạn lớn nhất là Ngân hàng TMCP Việt Á (VietAbank) với 282 tỷ đồng và 875.754 USD (tương đương 20,1 tỷ đồng); 131 tỷ đồng tại SHB (vay bằng USD); gần 65 tỷ đồng tại Vietinbank...

Cuối năm 2017, Vietinbank đã rao bán khoản nợ 74 tỷ đồng có tài sản đảm bảo của TH1. Khoản nợ này được Vietinbank chi nhánh Hà Nội cấp cho TH1 từ năm 2015.

Còn tại SAM Holdings, tính tới 30/6/2018, công ty có tổng cộng 1.571,5 tỷ đồng vay nợ và nợ thuê tài chính, trong đó vay nợ ngân hàng ngắn hạn 751,3 tỷ đồng, vay dài hạn 753,2 tỷ đồng. Vay nợ ngắn hạn của SAM Holdings chủ yếu là các khoản vay tín chấp, có thể kể đến như 174,1 tỷ đồng tại Vietinbank, 138,4 tỷ đồng tại BIDV, 85 tỷ đồng tại HSBC, 77,6 tỷ đồng tại ANZ, 73,8 tỷ đồng tại Vietcombank, 66,7 tỷ đồng tại VietAbank...

Đáng chú ý, VietAbank cũng là chủ nợ dài hạn lớn nhất của SAM Holdings với hai khoản vay: khoản vay 468 tỷ đồng (nhằm bổ sung vốn cho dự án Sacom Resort Tuyền Lâm - Đà Lạt; đảm bảo bằng 20 triệu cổ phiếu CTCP Địa ốc Sacom và 28,26 triệu cổ phiếu CTCP Dịch vụ Du lịch Phú Thọ) và khoản vay 277 tỷ đồng (nhằm bổ sung vốn cho dự án Sacom Resort Tuyền Lâm - Đà Lạt; đảm bảo bằng 6 biệt thự khu nghỉ dưỡng Sacom Resort Tuyền Lâm - Đà Lạt và toàn bộ quyền tài sản và lợi ích phát sinh từ dự án).

Theo Zing, ông Trần Anh Vương là doanh nhân nổi tiếng được biết tới với vai trò một trong các “cá mập” của chương trình truyền hình SharkTank Việt Nam mùa 1. Không chỉ giữ vị trí Chủ tịch tại TH1, ông Vương còn đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cấp cao tại một loạt doanh nghiệp có tiếng khác như Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư BVG (BVG); Tổng giám đốc Công ty cổ phần SAM Holdings (SAM); Thành viên HĐQT tại các Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN), Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP) và Công ty cổ phần SAMETEL (SMT).

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Theo VietQ