Theo tìm hiểu của chúng tôi, địa chỉ 39 – 41 Lý Quốc Sư, Hà Nội hiện là trụ sở đăng ký hoạt động của hai công ty cùng mang tên Nhật Cường.
Một là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (chuyên cung cấp phần cứng điện thoại và các thiết bị di động); hai là Công ty TNHH Giải pháp Phần mềm Nhật Cường (chuyên cung cấp giải pháp về phần mềm). Cả hai đều được đứng tên bởi một ông chủ duy nhất mang tên Bùi Quang Huy.
Nhật Cường Mobile, công ty tự nhận danh hiệu "số 1 về iPhone" là doanh nghiệp chuyên bán lẻ điện thoại và thiết bị di động, thành lập từ năm 2001. Đến thời điểm hiện tại, trang web của công ty ghi nhận hệ thống gồm 9 cửa hàng bán lẻ, một trung tâm bảo hành trên địa bàn TP Hà Nội.
Khoảng 10h sáng nay (9/5), công an thực hiện khám xét nhiều cửa hàng của chuỗi điện thoại di động này, niêm phong một số lượng lớn sản phẩm và đưa lên xe chuyên dụng.
Địa chỉ đăng ký kinh doanh của Nhật Cường Mobile và Nhật Cường Software tại 39 - 31 Lý Quốc Sư (Ảnh: HN)
Theo ghi nhận của phóng viên, cảnh sát cũng tiến hành tổ chức khám xét, tịch thu nhiều thùng hàng tại địa chỉ 39 - 41 Lý Quốc Sư trong sáng nay (Ảnh: HN)
Theo cập nhật từ nhiều nguồn tin, tất cả các cửa hàng trong hệ thống đang trong tình trạng đóng cửa tạm thời, còn tổng đài bán hàng và chăm sóc khách hàng thì không liên lạc được. Thậm chí trang web bán hàng của Nhật Cường Mobile đã không thể truy cập được trong nhiều giờ kể từ sau hung tin.
Thông tin thêm, năm 2016, Nhật Cường Mobile chính là đơn vị trúng thầu loạt dự án mua sắm công thiết bị điện tử mà cụ thể là máy tính bảng cho lãnh đạo UBND, HĐND, sở, ban, ngành, quận, huyện… của TP Hà Nội, phục vụ sử dụng cho các kỳ họp và công tác chỉ đạo điều hành.
Theo Quy chế quản lý, sử dụng máy tính bảng được Hà Nội ban hành vào tháng 3/2017, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trực thuộc Thành phố sẽ được trang bị máy tính bảng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
UBND TP Hà Nội giao Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội (Sở TT&TT Hà Nội) thực hiện việc mua sắm và bàn giao cho các đơn vị trực thuộc để cài đặt và sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung của thành phố.
Vào cuối năm 2016, Sở TT&TT đã bắt đầu thực hiện việc mua sắm máy tính bảng và bút cảm ứng để cài đặt ứng dụng điều hành của TP Hà Nội. Theo Quyết định phê duyệt số 516/QĐ-STTTT ngày 20/12/2016 với tổng mức đầu tư là 2.488 tỉ đồng.
Theo thông tin từ tờ Viettimes, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Nhật Cường Mobile) là đơn vị trúng thầu dự án này. Cụ thể, ngày 31/12/2016, Sở TT&TT Hà Nội ban hành văn bản số 554/QĐ-STTTT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, Công ty Nhật Cường là đơn vị trúng thầu với giá trúng thầu gói máy tính bảng là 1.995 tỉ đồng, đúng bằng giá gói thầu đã được chào trước đó.
Tương tự, ngày 6/1/2017, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tiếp tục có văn bản số 02/QĐ-STTTT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu mua bút cảm ứng dùng cho máy tính bảng, cũng là Công ty Nhật Cường trúng thầu với giá 483 triệu đồng, đúng bằng giá gói thầu đưa ra…
Doanh nghiệp "anh em" với Nhật Cường Mobile, Công ty TNHH Giải pháp Phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) được thành lập từ tháng 1/2016 với người đại diện pháp luật ban đầu là ông Võ Minh Hiếu. Tháng 5/2018, người đứng đầu Nhật Cường Software được chuyển giao cho ông Bùi Quang Huy.
Theo giới thiệu, Nhật Cường Software tiền thân từ một Trung tâm CNTT của Công ty Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Nhat Cuong Mobile) thành lập năm 2011. Công ty hiện có hai văn phòng đại diện, một ở tầng 13 tòa nhà HITTC, 185 Giảng Võ, Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội và một tại 46 Bạch Đằng 2, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM.
Tại hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO – Hà Nội 2018, Nhật Cường Software cho biết đang cung cấp giải pháp Chính phủ điện tử cho Hà Nội nhằm hỗ trợ Thủ đô hướng tới Thành phố thông minh.
Theo đó, Nhật Cường Software là doanh nghiệp CNTT được lựa chọn cung cấp các phần mềm cho Hà Nội bằng các sản phẩm như: cơ sở dữ liệu dân cư; phần mềm dịch vụ công trực tuyến; phần mềm một cửa điện tử.
Trong lĩnh vực y tế có phần mềm quản lý bệnh viện toàn diện MESO: quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, tầm soát ung thư sớm, đánh giá sự hài lòng.
Trong lĩnh vực giáo dục có phần mềm quản lý giáo dục EDO: sổ liên lạc điện tử, tuyển sinh đầu cấp, sổ điểm điện tử. Ngoài ra còn có phần mềm lưu trú; văn phòng điện tử...
Theo công ty, tất cả các sản phẩm đã và đang phục vụ lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến cho Hà Nội với tỉ lệ trực tuyến lên đến 80%, giúp tiết kiệm 75% thời gian khi thực hiện các thủ tục hành chính với một cộng đồng người dùng lớn gồm: hơn 7 triệu người dân thành phố Hà Nội, hơn 2.700 trường học, hơn 1,7 triệu học sinh, hơn 6 triệu hồ sơ bệnh án điện tử...
Như vậy có thể thấy, cả công ty cung cấp phần cứng và phần mềm của Nhật Cường đều đã từng cung cấp dịch vụ cho TP Hà Nội.
Bạch Mộc
Theo Kinh tế & Tiêu dùng