Hai ông lớn ngành nhựa đặt kế hoạch kinh doanh 2018 dè dặt

15/04/2018 01:12

Với BMP, đại hội cổ đông năm 2018 sắp tới đây cũng là thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của hội đồng quản trị. Vì vậy, Sariburi chắc chắn sẽ cử người vào hội đồng quản trị công ty này.

 

Hai ông lớn ngành nhựa là Nhựa Bình Minh (BMP) và Nhựa Tiền Phong (NTP) vừa đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2018. Các con số đều thể hiện sự dè dặt của hội đồng quản trị. Dù có doanh thu tương đương nhưng dù sao, lợi nhuận mà BMP đạt được luôn cao hơn NTP.

Cụ thể, NTP đặt kế hoạch 4.800 tỷ đồng doanh thu năm 2018 (tăng trưởng 8% so với năm 2017), lợi nhuận trước thuế ước đạt 480 tỷ đồng (tăng 5% so với năm 2017). Còn BMP đặt mục tiêu đạt doanh thu 4.300 tỷ đồng (tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ), lợi nhuận trước thuế đạt 600 tỷ đồng (tăng 3% so cùng kỳ).

Năm 2017 là khoảng thời gian đầy biến động với cả hai ông lớn ngành nhựa này. Trong khi cổ đông lớn Thái Lan ở cả hai doanh nghiệp là The Nawaplastic Industies (Sariburi - công ty con của Tập đoàn Xi măng Siam - SCG) quyết định thoái hết vốn ở NTP nhưng mua thêm cổ phần ở BMP.

Cuối năm 2017, Sariburi thoái hết gần 21,3 triệu cổ phiếu (tương ứng 23,84% vốn điều lệ Nhựa Tiền Phong). Thế chổ khoảng trống này là cổ đông mới đến từ Nhật - Công ty Sekisui Chemical. Đối tác này đã chi khoảng 1.000 tỷ đồng mua lại 15% số cổ phiếu đang lưu hành của NTP và cử người vào ban lãnh đạo công ty.

Trong khi đó, sau khi mua hơn 24 triệu cổ phiếu BMP và nâng tỷ lệ sở hữu lên 49.89%, Saraburi tiếp tục đăng ký tăng sở hữu lên trên 50% và thâu tóm BMP.

Vì sao Sariburi lại buông NTP và dốc hết sức đầu tư vào BMP? Nếu chi phối cả hai doanh nghiệp thì Sariburi có thể vướng phải vấn đề chống độc quyền. Bởi theo Luật Cạnh Tranh năm 2004, nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường là hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên, ba doanh nghiệp nắm 65% và bốn doanh nghiệp nắm 75% thị phần trở lên trên thị trường liên quan. Theo đó, nếu chi phối cả BMP và NTP, Sariburi sẽ giữ 55% thị phần ngành nhựa Việt. Vướng mắc này buộc Sariburi phải chọn giữ lại một trong 2 doanh nghiệp nói trên.

Ngoài ra, theo các chuyên gia trong ngành, Saraburi giữ lại cổ phần ở BMP vì doanh nghiệp này có cách quản trị hiện đại, thân thiện và hiệu quả kinh doanh khả quan hơn NTP. Trong 5 năm gần đây, dù doanh thu luôn cao hơn đối thủ, nhưng lợi nhuận sau thuế và tốc độ tăng trưởng của NTP chưa khi nào bằng BMP. Chẳng hạn năm 2016, NTP đạt doanh thu 4.365 tỷ đồng và lợi nhuận 398 tỷ đồng. Trong khi BMP có doanh thu thấp hơn nhưng lợi nhuận cao gấp rưỡi NTP.

Với BMP, đại hội cổ đông năm 2018 sắp tới đây cũng là thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của hội đồng quản trị. Vì vậy, Sariburi chắc chắn sẽ cử người vào hội đồng quản trị công ty này. Nhà đầu tư kì vọng với tiềm lực hiện có, Sariburi sẽ giúp BMP thoát khỏi áp lực cạnh tranh gay gắt hiện tại (giá vốn cao và nhiều đối thủ mới xuất hiện với giá bán thấp) mà BMP đang loay hoay giải quyết.

Giản Phúc (tổng hợp).