Tổng số lỗ lũy kế của Công ty Cồn rượu Hà Nội (Halico) đến cuối quý II/2018 là hơn 294,5 tỉ đồng.
Lỗ chồng lỗ
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2018, Halico lỗ thêm 38,8 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm nay. Tổng số hàng tồn kho lên hơn 7.000 tỉ đồng so với đầu năm 2018 là hơn 800 tỉ đồng. Nguyên nhân do khoản chi phí liên quan đến dòng sản phẩm đã dừng sản xuất và các vật tư quá hạn kém chất lượng. Halico có Quỹ đầu tư phát triển hơn 613 tỉ đồng, được trích từ nguồn lợi nhuận sau thuế từ những năm 2008-2013, trung bình mỗi năm 100 tỉ đồng, đến năm 2014, Quỹ dự phòng tài chính với số dư hơn 17 tỉ đồng được nhập vào quỹ này. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, Công ty kinh doanh thua lỗ nên không trích lập thêm.
Tình cảnh này trái ngược với thời kỳ vàng son với tốc độ tăng trưởng nhanh của công ty sản xuất rượu nổi tiếng như Halico. Tính cột mốc năm 2008, Halico được giới đầu tư rất kỳ vọng vì có tốc độ tăng trưởng doanh thu trên 25%. Với doanh thu năm 2011 lên đến 1.067 tỉ đồng, Halico khi đó rất được nhà đầu tư ưu ái.
Khao khát Halico, Diageo đã chấp nhận mua cổ phiếu Halico với mức giá 213.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng định giá công ty này ở mức gần 4.300 tỉ đồng. Ông trùm ngành rượu của thế giới chi ra gần 800 tỉ đồng trong đợt đầu tiên để mua 18,67% vốn cổ phần của Halico từ VinaCapital. Đây từng được đánh giá là 1 trong 10 thương vụ lớn nhất Việt Nam trong năm 2011. Sang năm 2012, Diageo tiếp tục mạnh tay chi 21,8 triệu USD để mua thêm 10,6% cổ phần của Halico, cùng với giá mua lại năm ngoái. Sản lượng gia công rượu cho Diageo chiếm 23% doanh thu của Halico.
Thế nhưng, kể từ đó, năm 2013, hoạt động kinh doanh bắt đầu lao dốc. Từ vị trí đứng đầu, Vodka Hà Nội (nhãn hàng của Halico) dần biến mất trên thị trường. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh năm 2014 âm 8 tỉ đồng. Từ năm 2015 đến nay, Công ty liên tục thua lỗ do việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Đặc biệt khi thị hiếu tiêu dùng của nhiều người Việt Nam dịch chuyển dần sang các sản phẩm rượu ngoại, những thương hiệu rượu nội ngày càng mai một.
Sản lượng sản xuất ngày càng giảm so với năng lực sản xuất. Nếu năm 2015, sản lượng đạt 50% công suất nhà máy, thì năm 2016 và 2017, sản lượng sản xuất chỉ còn đạt lần lượt 35% và 30% công suất. Doanh thu từ bán hàng vẫn là nguồn thu chính của Halico, góp vào 122,8 tỉ đồng chiếm đến 97,72% doanh thu năm 2017, còn lại là doanh thu cho thuê kho và văn phòng. Trong đó, Halico không còn sản xuất gia công cho Diageo vì không gia hạn được hợp đồng.
Trong khi đó, thị trường kinh doanh các mặt hàng đồ uống có cồn trong nước được đánh giá có tính chất cạnh tranh cao, có xu hướng ngày càng khắc nghiệt, ảnh hưởng lớn đến doanh thu và lợi nhuận của Halico những năm gần đây. “Mặc dù các thương hiệu của Công ty vẫn duy trì một chỗ đứng nhất định trên thị trường, khả năng phát triển trong tương lai vẫn còn nhiều thử thách”, lãnh đạo Halico thừa nhận.
Cửa hẹp chưa mở
Là 1 trong 5 nhà máy sản xuất rượu lớn nhất Đông Dương, được hãng rượu Fontaine Pháp xây dựng từ năm 1898, thương hiệu Halico được thừa hưởng bề dày lịch sử trăm năm. Sau này, Halico gần như phủ sóng khắp miền Bắc với các dòng sản phẩm Vodka Hà Nội, Ba kích Sealion, Nếp Mới, Lúa Mới, rượu Thanh Mai, Bluebird... Sản phẩm của doanh nghiệp còn được xuất đi Đông Âu, Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan. Đặc biệt giai đoạn trước năm 2010, Halico nắm gần hết thị trường đồ uống có cồn bình dân tại thị trường Việt Nam.
Mặc dù lỗ lớn nhưng kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay khiến lãnh đạo Halico tự tin đôi chút khi đặt ra kế hoạch cho năm 2019. Chiến lược năm 2019, Halico sẽ tiếp tục sản xuất, xuất khẩu một số sản phẩm rượu cho Diaego với doanh thu xuất khẩu đạt 100 tỉ đồng, mức tăng trưởng doanh thu xuất khẩu các năm tiếp theo là 30-43,9% tổng doanh thu. Doanh thu thuần của năm 2018 và năm 2019 sẽ vào khoảng 191 tỉ đồng và 228 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo kế hoạch, năm 2018 và 2019, Halico sẽ tiếp tục lỗ 58 tỉ đồng và 53 tỉ đồng. Nếu điều này xảy ra, tới cuối năm 2019, lỗ lũy kế của Halico sẽ lên tới 366 tỉ đồng, cao hơn 166 tỉ đồng so với vốn góp chủ sở.
Cổ phiếu Halico (mã HNR) được đăng ký giao dịch 20 triệu cổ phiếu trên UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 31.900 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng 1/7 so với mức giá mà Diageo từng bỏ ra. Mặc dù vậy, không có một cổ phiếu nào được giao dịch kể từ ngày chào sàn UPCoM đến nay.
Nhiều nhà phân tích cho rằng đăng ký giao dịch trên UPCoM của Halico nhằm khởi động trước cho kế hoạch thoái vốn của 1 trong 2 cổ đông lớn. Hiện Halico có hai cổ đông lớn là Tổng Công ty Bia rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) sở hữu 54,29% cổ phần; cổ đông ngoại là Streetcar Investments Holdings Pte. Ltd thuộc Tập đoàn Bia rượu Diageo sở hữu 45,57%.
Diễn biến tại Halico cho thấy sẽ có thể tương tự trường hợp thoái vốn nhà nước tại Sabeco. Habeco đang muốn thoát khỏi đứa con thua lỗ để tự cứu lấy mình trong tương lai. Sự hấp dẫn còn lại của Halico chỉ còn là những mảnh đất vàng trong tay, đặc biệt tại trung tâm Hà Nội như mảnh đất số 94 Lò Đúc, Hà Nội rộng hơn 2.230m2 và mảnh đất 28 Nhân Đồng. Ngoài ra, Công ty còn quản lý một số lô đất rộng tại TP.HCM, Đà Nẵng làm văn phòng, khu tái định cư..
Mai Hân/NCDT