Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Hãng hàng không Vanilla Air rút khỏi Việt Nam

25/03/2018 22:26

Vanilla Air vừa chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam sau vỏn vẹn một năm rưỡi hoạt động, dù theo đại diện của hãng tại Việt Nam, các hoạt động kinh doanh vẫn đang khả quan. Đằng sau quyết định này là sự thay đổi chiến lược của gã khổng lồ ngành hàng không Nhật Bản - ANA Group. 

Hãng hàng không giá rẻ Nhật Bản Vanilla Air ra thông cáo dừng khai thác tất cả các chuyến bay tại Việt Nam kể từ ngày hôm nay 25.03.2018, ba ngày sau khi có công bố quyết định sáp nhập vào Peach Aviation từ công ty mẹ là tập đoàn ANA, sau khi mới vận hành tại Việt Nam được một năm rưỡi.

Cả Vanilla Air và Peach đều là hai hãng hàng không giá rẻ, thuộc sở hữu của ANA Holdings và là thành viên của ANA Group, tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản.

  Vanilla Air dừng khai thác các tuyến bay tại Việt Nam kể từ hôm nay 25.03.2018 - Ảnh: Vanilla Air

Trao đổi với Forbes Việt Nam, bà Phan Phương Thảo - trưởng phòng marketing hãng hàng không Vanilla Air tại Việt Nam khẳng định, mặc dù có sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường các hãng hàng không giá rẻ (LCCs) nhưng cho đến trước khi ngừng khai thác, hãng vẫn hoạt động rất tốt tại Việt Nam.

“Tuyến TP.HCM - Đài Bắc thậm chí còn thường xuyên trong tình trạng hết chỗ,” bà Thảo cho biết thêm.

Vanilla Air bắt đầu khai thác hai tuyến bay TP.HCM - Đài Bắc (Trung Quốc) và TP.HCM - Tokyo (Nhật Bản) kể từ tháng 9.2016. Đây là hai tuyến mà hãng phải cạnh tranh gay gắt với nhiều hãng hàng không.

Chẳng hạn, tuyến TP.HCM - Đài Bắc chứng kiến sự tham gia khai thác của các hãng truyền thống như Vietnam Airlines (Việt Nam), EVA Air (Đài Loan), China Airlines (Trung Quốc), hay tại cùng phân khúc hàng không giá rẻ cũng có VietJet Air (Việt Nam), Uni Airways (Đài Loan)…

 Vanilla Air chuẩn bị sáp nhập vào Peach bắt đầu từ nửa cuối năm tài chính 2018 (tháng 10.2018 - tháng 3.2019) - Ảnh: ANA Group

Quy trình chuyển giao toàn bộ từ Vanilla Air cho Peach Aviation sẽ bắt đầu từ nửa cuối năm tài chính 2018 và dự kiến hoàn tất vào cuối năm tài chính 2019, tập đoàn ANA tiết lộ tiến trình sáp nhập trong một thông báo ngày 22.03.

“Đây là lựa chọn sống còn trong sự cạnh tranh gay gắt với các hãng hàng không giá rẻ nước ngoài,” Shinichi Inoue, giám đốc điều hành (CEO) của Peach Aviation phát biểu trong buổi họp báo diễn ra hôm thứ Năm tuần qua tại Tokyo.

Sau khi trở thành hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Nhật Bản, Peach phải đối mặt với cạnh tranh trực tiếp từ hai đối thủ lớn là Jetsar Nhật Bản và AirAsia Nhật Bản. Tập đoàn ANA cũng thừa nhận những khó khăn kinh doanh mà hãng gặp phải trong năm tài chính 2016 đối với hai tuyến Narita (Tokyo) - Đài Loan và Narita - Hong Kong, nguyên nhân đến từ sự cạnh tranh từ các hãng hàng không giá rẻ khác.

Tuy nhiên sau khi tiếp nhận Vanilla, Peach sẽ trở thành hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Nhật Bản về số lượng ghế ngồi. Đến cuối tháng 3.2017, tập đoàn ANA thông qua Vanilla và Peach đã nắm giữ tổng cộng 52% số lượng chỗ ngồi mà thị trường hàng không giá rẻ Nhật Bản cung cấp trên cả hai tuyến đường bay nội địa và quốc tế.

  Thị phần về số chỗ ngồi trên các tuyến bay nội địa và quốc tế của Vanilla Air và Peach trong thị trường hàng không giá rẻ Nhật Bản (LCCs) tính đến cuối tháng 3.2017 - Nguồn: ANA Holdings

“Mục tiêu của việc sáp nhập (…) không chỉ nhằm thúc đẩy dịch vụ (hàng không) nội địa Nhật Bản, mà còn để nắm bắt nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ của du khách tới Nhật Bản,”  tập đoàn ANA cho biết. Hồi tháng 2.2018, tập đoàn ANA cũng công bố chiến lược tăng trưởng năm năm, trong đó sử dụng hai hãng hàng không giá rẻ để “nắm bắt nhu cầu đến hoặc từ thị trường châu Á, nơi đang cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng.”

Mọi con đường đều dẫn tới Tokyo

Việc sáp nhập được tiến hành vào thời điểm này trước tiên do: “Hiệu quả hoạt động của cả hai hãng hàng không (Peach và Vanilla) đều đang trong tình trạng tốt,” Japan Times dẫn lời ông Shinya Katanozaka - chủ tịch ANA Holdings. Thêm vào đó, “du khách tới Nhật Bản đang có xu hướng tăng,” ông Katanozaka giải thích thêm.

Thủ đô của Nhật Bản sắp trở thành điểm đến của Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa hè năm 2020. Tập đoàn ANA coi đây là cơ hội lớn của kinh doanh hàng không, theo chiến lược của tập đoàn trong giai đoạn 2016-2020. Chính phủ Nhật Bản cũng đặt mục tiêu đón tới 40 triệu du khách trong năm 2020.

Tại Tokyo, Peach hiện tập trung khai thác sân bay quốc tế Kansai tại Osaka. Trong khi Vanilla chủ yếu sử dụng sân bay Narita. Vanilla Air có bảy đường bay nội địa và bảy đường bay quốc tế. Trong khi, con số tương ứng của Peach lần lượt là 12 và 13 đường bay, tính đến tháng 7.2017.

  Các tuyến bay quốc tế do Vanilla Air khai thác, tính đến cuối tháng 3.2017 - Nguồn: ANA Holdings

Về đường bay quốc tế, Peach phục vụ các tuyến bay kết nối với Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Hong Kong và Thái Lan. Trong khi đó, Vanilla Air tập trung khai thác các tuyến bay Philippines, Đài Loan, Việt Nam và Hong Kong.

Theo chiến lược của tập đoàn ANA, Peach sau khi hợp nhất cùng Vanilla sẽ tập trung mở rộng thị trường các tuyến bay trung bình (medium-haul market) tại châu Á, có độ dài đường bay khoảng 1500 - 4000 km theo định nghĩa của Tổ chức an toàn hàng không châu Âu (Eurocontrol).

Để tiếp tục dồn lực cho Peach, vào ngày 22.03 tập đoàn ANA cũng công bố đã chi thêm 11,3 tỉ Yên, tương đương gần 108 triệu đô la Mỹ, để nâng tỉ lệ sở hữu tại Peach lên thành 77,9%.

Bên cạnh hàng không giá rẻ, tập đoàn ANA còn nắm giữ ba thương hiệu All Nippon Airways, ANA Wings và Air Japan trong phân khúc hãng hàng không truyền thống (FSC).

Minh Tâm/ForbesVietNam

Bạn đang đọc bài viết "Hãng hàng không Vanilla Air rút khỏi Việt Nam" tại chuyên mục Chuyện thương trường.