Phí hành lý và phí chọn chỗ ngồi đang chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu phụ trợ của các hãng hàng không giá rẻ.
Hàng không giá rẻ cung cấp giá vé rẻ và kỳ vọng thu về doanh thu từ phí hành lý. Việc xây dựng được chính sách hành lý để tối đa hóa doanh thu mà vẫn làm hài lòng khách hàng và đáp ứng hiệu quả hoạt động là một bài toán không đơn giản.
Dịch vụ chọn chỗ ngồi cũng ngày càng trở thành một nguồn đóng góp doanh thu chính. Các dịch vụ bao gồm chọn chỗ ngồi ở khu vực thoát hiểm, chỗ ngồi phía trước, hoặc chỗ có không gian rộng. Điều này cho thấy hành khách sẵn sàng chi nhiều hơn để đổi lại sự thoải mái và tiện nghi.
Nhìn chung, các hãng hàng không của Mỹ có doanh thu phụ trợ/đầu người cao nhất, tiếp đó là các hãng hàng không châu Âu. Có 3 yếu tố tác động đến độ lớn doanh thu phụ trợ của các hãng hàng không, bao gồm: Chi phí dịch vụ, Số lượng hành khách sử dụng dịch vụ, và sự đa đạng về dịch vụ phụ trợ.
Phí phụ trợ của các hãng ở các quốc gia phát triển thường cao hơn do mức sống cao hơn.
Các hãng hàng không giá rẻ như Spirit và Frontier tính phí đối với tất cả hành lý xách tay và kí gửi. Trong khi đó, thông thường các hãng hàng không sẽ miễn cước cho kiện hành lý xách tay. Điều này lý giải tại sao 2 hãng này lại có doanh thu phụ trợ/đầu người cao hơn hẳn.
Các phí phụ trợ cơ bản bao gồm: phí hành lý và hành lý quá cước, chỗ ngồi, phí hủy và thay đổi chuyến bay, và các dịch vụ trên máy bay. Dựa vào văn hóa và chiến lược khác nhau, các hãng hàng không sẽ mở rộng các dịch vụ khác như vận chuyển trẻ em đi một mình (unaccompanied minors) hay thú nuôi... Spirit và Frontier thậm chí còn tính phí in vé tại sân bay dao động từ 2 USD đến 10 USD, trong khi dịch vụ này được cung cấp miễn phí đối với các hãng hàng không khác.
Tại Việt Nam, Vietjet Air được xem là “ông lớn” về thị phần hàng không giá rẻ. Vietjet Air cũng chưa có FFP, hầu hết phí phụ trợ của Vietjet Air thấp hơn các hãng hàng không top đầu về hàng không giá rẻ.
Để cải thiện, Vietjet Air có thể tăng phí. Tuy nhiên, theo đánh giá của CTCK Rồng Việt (VDSC) dư địa tăng phí của Vietjet Air cũng không nhiều vì mức phí cần phù hợp với mặt bằng thu nhập và chi phí ở Việt Nam.
VDSC cho rằng Vietjet Air phần lớn sự cải thiện doanh thu phụ trợ của Vietjet Air trong những năm qua đến từ sự gia tăng của các chuyến bay quốc tế. Phí phụ thu trong chuyến bay quốc tế cao hơn nhiều so với chuyến nội địa.
Việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển các chuyến bay quốc tế, đồng nghĩa xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục. Cũng cần rất nhiều thời gian để Vietjet Air có thể bắt kịp mức doanh thu phụ trợ/hành khách của các hãng top đầu. Dù vậy, chỉ cần một sự cải thiện nhỏ trong doanh thu phụ trợ/hành khách cũng sẽ làm tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận của VJC.
Bảng Phí và Lệ phí của Vietjet Air:
Hiền Anh
Theo Infonet