Ngày trước, quán nhậu của Minh Trí có thể lời 300-400 triệu mỗi tháng, nay anh chỉ mong hòa vốn vì "người có tiền giờ ngại ra đường".
"Nhưng như vậy là may mắn lắm rồi", Trí nói đang cố gắng duy trì hoạt động cho quán. Sau khi siết chặt xử phạt về nồng độ cồn, quán của anh giảm doanh thu 60%. "Cú bồi" dịch Covid-19 làm doanh thu tiếp tục đi xuống.
Quán nằm ở mặt tiền đường Võ Văn Kiệt, gần chân cầu Ông Lãnh, TP HCM. Ngày trước, quán có thể thu về 60-70 triệu hôm thấp điểm hoặc gần trăm triệu vào cao điểm. Giờ anh chỉ còn kiếm được tròm trèm 20 triệu mỗi ngày. "Quán tôi là tầm trung, bình dân nên họ còn ra đường chứ quán sang hơn còn khổ nữa. Người có tiền giờ ngại đến nơi đông người khi nghe tin dịch bệnh", Trí nói.
Các địa điểm ăn uống giải trí thuộc nhóm "có cồn" cho người chịu chi hơn tại TP HCM thật sự khó khăn. Chủ một quán lounge trên đường Cao Bá Nhạ, quận 1, TP HCM nói khách lui tới vắng đi hẳn từ khi có dịch viêm phổi.
"Chúng tôi vẫn ráng duy trì trừ khi phải đóng hẳn vì khủng hoảng do dịch bệnh. Mảng kinh doanh quán bar, quán pub hay lounge ở Sài Gòn đang chật vật. Nhiều quán đã đóng cửa, tìm chủ mới để sang mà không được", vị này nói.
Phố Bùi Viện tối 17/2 không sôi động bằng những ngày trước khi có dịch Covid-19. Ảnh: Viễn Thông |
Cách đường Cao Bá Nhạ không xa, phố Tây Bùi Viện những ngày qua cũng thưa thớt. "Đường phố bây giờ cứ thông thoáng như Tết là hiểu kinh doanh hàng quán đang chán cỡ nào rồi", chị Kim Hồng, phụ giúp quán bán bia nhỏ trên phố này, bình luận ngắn gọn.
Đối với những địa điểm kinh doanh ăn uống theo mô hình hiện đại, chuỗi nhà hàng, giới chủ cho biết tình hình vẫn không quá tệ. "Đến hiện tại, việc kinh doanh của các nhà hàng không bị ảnh hưởng nhiều", đại diện của Golden Gate Group nói với VnExpress.
Morico, một hệ thống nhà hàng cà phê Nhật Bản phong cách đương đại với 7 chi nhánh tại TP HCM, cho biết dịch Covid-19 có ảnh hưởng nhưng không nhiều. Riêng cửa hàng trong khu dân cư hay tòa nhà văn phòng vẫn ổn định lượng khách.
Cả Golden Gate hay Morico đều chú trọng công tác phòng chống dịch và xem như là một trong những cách để duy trì kinh doanh. Nhiều biện pháp được áp dụng như 100% nhân viên phải đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn sau mỗi 15 phút. Tay nắm cửa được khử trùng mỗi 60 phút và thùng rác khử trùng cuối ngày. Tương tự, bàn ăn cũng được khử trùng.
Đại diện truyền thông của Morico cũng nói thêm, các biện pháp được chọn lọc sao cho phù hợp, đảm bảo những yêu cầu cần thiết mà không tạo cảm giác "lo sợ" cho khách hàng.
Các tầng ăn uống trong Vạn Hạnh Mall, quận 10, TP HCM thưa vắng người vào tối 17/2. Ảnh: Viễn Thông |
Giao thức ăn tận nhà hoặc khuyến khích mua mang đi đang là chủ trương của một số quán ăn, nhà hàng... để đa dạng nguồn thu .
Đại diện Golden Gate Group thì nói đã chuẩn bị các kế hoạch để ứng phó với các giai đoạn dịch như triển khai giao hàng tận nhà với các combo nướng lẩu từ những thương hiệu như Manwah, GoGi, Hutong, Kichi-Kichi, Ashima..
Một khảo sát nhanh từ Go-Viet cho biết, lượng khách đến ăn tại các nhà hàng giảm mạnh 30-50% trong hai tuần gần đây, đặc biệt là các nhà hàng quán ăn gần khu vực trường học, do học sinh - sinh viên đang nghỉ.
Ngược lại, nhu cầu đặt mua thức ăn giao tận nơi đang tăng lên. Từ ngày 2/2 đến hết ngày 9/2, có tổng hơn 650.000 đơn hàng được đặt qua GoFood, với lượng đơn hàng tăng đều đặn mỗi ngày.
Theo mục tiêu của chính phủ, tăng trưởng kinh tế năm nay đề ra là 6,8%. Trong đó, quý I/2019 là 6,52%. Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa ra hai kịch bản cho tăng trưởng.
Nếu Covid-19 được khống chế kịp thời ngay quý này, ước tính GDP năm nay tăng 6,27%, thấp hơn 0,53%. Riêng GDP quý I sẽ là 3,8%. Nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II thì tăng trưởng quý I vẫn là 3,8% nhưng cả năm sẽ chỉ còn 6,09%. Kèm theo dự báo, Bộ này cũng đã đề xuất loạt giải pháp đồng bộ, linh hoạt chính sách để thúc đẩy tăng trưởng.
"Khách quan mà nói, những khó khăn mà dịch Covid-19 gây ra cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung là khó có thể phủ nhận. Song ở khía cạnh khác, chúng tôi cho rằng đây cũng chính là cơ hội sàng lọc, "một liều thuốc thử" cho cộng đồng của doanh nghiệp", đại diện Morico bình luận.
Còn với Minh Trí, giải pháp của anh là chờ đợi. "Thật ra tôi đang bị động chứ không làm được gì nhiều. Kinh doanh chỉ khá lên được khi dịch sớm kết thúc. Chúng tôi và khách hàng đều theo dõi số liệu về dịch viêm phổi trên thế giới mỗi ngày. Nó vẫn tăng nên người ta vẫn ngại ăn ngoài", anh cho biết.
Trí cũng không tin là cách giao hàng tận nơi và mua mang đi có thể hoàn toàn cứu được những quán đang lâm nguy. "Đồ giao tới, tay chuyền tay, thì có người vẫn sợ lây nhiễm. Tờ tiền mình cầm mà còn ngại dính virus nữa là", anh nói.
Viễn Thông
Theo Vnexpress