Hành trang vượt bão của bà chủ Ba Huân

04/10/2021 01:00

Lấy vấp ngã làm hành trang, không ngừng học hỏi và đổi mới, luôn giữ tinh thần lạc quan và triết lý kinh doanh từ tâm… là những yếu tố giúp bà Phạm Thị Huân, nhà sáng lập công ty Ba Huân gây dựng và phát triển công ty bền vững suốt gần nửa thế kỷ qua.

Những cú sốc lớn

Lớn lên trong một gia đình làm nông với nhiều khó khăn, nhà sáng lập của công ty Ba Huân đã bắt đầu hành trình “khởi nghiệp” từ tuổi 16 với một gánh trứng mẹ giao để lập nghiệp nuôi em. Tự nhận trình độ của mình có giới hạn, không làm được những nghề “sang” nên bà Phạm Thị Huân lựa chọn gắn bó với những “hột gà, hột vịt” đậm chất nông dân thay vì “hột xoàn” như nhiều nữ doanh nhân khác mà bà từng gặp gỡ.

Để gây dựng được một doanh nghiệp thành công sau hơn 50 năm là cả một sự cần mẫn trên con đường đầy chông gai và những cú sốc được bà Huân chọn làm hành trang để vượt qua mọi khủng hoảng.

Buôn trứng, bán trứng phải chắt chiu và cần mẫn nhưng dịch cúm gia cầm xảy ra năm 2003 đã khiến cho Ba Huân mất trắng hơn 6 tỷ đồng – một con số rất lớn vào thời điểm đó.

“Có lúc tôi đã nghĩ phải bỏ ngành trứng nhưng nhìn bà con nông dân tôi không bỏ nghề được”, bà Huân chia sẻ.

Đối mặt với cú sốc lớn, nhà sáng lập Ba Huân lựa chọn bình tĩnh để tính toán, tìm phương hướng dẫn dắt công ty vượt qua khó khăn.

“Năm 2003, đi tới đâu ai cũng đánh giá tôi là người thất bại nhưng tôi xác định phải suy nghĩ lại, người ta càng nói vậy mình càng phải cố gắng. Nếu đầu hàng lúc đó, đâu có Ba Huân của ngày hôm nay”, bà Huân nói trong Talkshow Nguy cơ do S-World tổ chức.

untitled-2-9923-1633270641.jpg

Bà Phạm Thị Huân, nhà sáng lập công ty Ba Huân.

Những kinh nghiệm từ cú sốc năm 2003 được nhà sáng lập Ba Huân coi là hành trang để đối mặt với những biến cố xảy ra trong suốt hai năm diễn ra đại dịch Covid-19.

Đợt Covid-19 thứ nhất với nhiều khó khăn, người tiêu dùng vẫn không bỏ Ba Huân nhờ vào chính sách giảm giá bán và thương hiệu đã gây dựng trong nhiều năm.

Đến đợt dịch thứ tư, doanh nghiệp này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt liên quan đến vấn đề chuỗi cung ứng và sản xuất 3 tại chỗ, cùng với đó là nỗ lực cam kết bình ổn giá.

Đối với việc kinh doanh, nhiều khi sản lượng bán ra thấp nhưng cũng có những lúc cao điểm như ngay trước ngày 23/8 (TP HCM thực hiện ‘ai ở đâu yên đó’), xe xếp hàng dài tới nửa cây số để nhận hàng, các nhà máy của Ba Huân phải chạy hết công suất. Gà cũng chỉ đẻ mỗi ngày một quả trứng nên Ba Huân cố gắng phân phối, điều tiết để đảm bảo làm hài lòng tất cả khách hàng.

Là ngành sản xuất sản phẩm thiết yếu nên được mở cửa nhưng Ba Huân lại gặp khó khi đối tác sản xuất bao bì từ chối sản xuất do không phải là ngành thiết yếu, duy trì sản xuất 3 tại chỗ lại tốn kém. Những lúc như vậy, bà Huân phải gọi điện, năn nỉ họ sản xuất và thậm chí phải nhờ các hiệp hội can thiệp để giúp bà cùng TP HCM thực hiện bình ổn giá. Bà Huân cho biết, đó là một nỗ lực rất lớn.

“Dịch thì mình phải ở nhà nhưng tất cả tâm của mình, trí của mình đều ở nơi sản xuất. Điện thoại hai máy sử dụng liên tục để cho chuỗi cung ứng của công ty không đứt gãy”, bà Huân chia sẻ.

Các trang trại và nhà máy chế biến thực phẩm của Ba Huân đa phần nằm ở vùng dịch nên gặp nhiều khó khăn. Bà Huân xác định không thể buông xuôi mà phải tìm cách duy trì sản xuất, động viên người lao động thực hiện 3 tại chỗ với các phương án đảm bảo cuộc sống cho người lao động trong nhà máy.

Nhiều khi một số người lao động phải rời nhà máy vì lý do gia đình, ban lãnh đạo Ba Huân động viên tinh thần những người ở lại để họ sẵn sàng gánh vác công việc cho những người có gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, đồng thời thay phiên thực hiện ba tại chỗ để đảm bảo sức khoẻ tinh thần cho người lao động.

bahuan-qfgp-9422-1633270641.jpg

Bà Phạm Thị Huân đã xây dựng thương hiệu “Ba Huân” trong ngành nông nghiệp gần nửa thế kỷ.

Cho đi sẽ nhận lại

Trong khi nhiều công ty buộc phải tăng giá trứng vì chi phí gia tăng do ảnh hưởng của đại dịch, Ba Huân vẫn đảm bảo cam kết với TP HCM trong việc bình ổn giá. Sở Công thương TP HCM từng hai lần cho phép công ty tăng giá trứng nhưng bà Huân từ chối với lý do “dân nghèo mới xài nhiều trứng nên tôi để giá bình ổn để hỗ trợ họ”.

“Tôi thấy nhiều doanh nghiệp bỏ hàng tỷ đồng mua vaccine, khẩu trang hỗ trợ cộng đồng còn doanh nghiệp ngành nông nghiệp như tôi góp bằng công sức và giá trứng. Giảm 2 nghìn đồng/hộp trứng, bán ra trên 1 triệu hộp thì mỗi ngày tôi cũng giảm 200 triệu đồng. Số tiền đó tôi tích luỹ từ từ đến nay cũng được 6-7 tỷ đồng”, bà Huân cho biết.

Bà cho biết, khi nhiều đơn vị trên thị trường bán giá 40 nghìn đồng/chục trứng, ba Huân vẫn áp dụng mức giá 28 nghìn đồng cho cả trong siêu thị cũng như những cá nhân, tổ chức tìm mua để gửi tặng những người trong khu cách ly.

“Tôi nghĩ làm kinh doanh đến nay đã hơn nửa thế kỷ chứ đâu phải 1-2 tháng dịch bệnh. Thành phố đang khó như thế mà mình tát nước theo mưa thì đâu phải là một doanh nghiệp được thành phố và các sở ngành tin tưởng”, bà Huân nói.

Cũng nhờ cam kết đồng hành cùng thành phố mà bà Huân có thể khẳng định, với bà, không có gì khó, kể cả những lúc công tác vận chuyển gặp nhiều khó khăn do chỉ thị 16. Đó là tài sản lớn của bà, hễ gặp khó ở đâu là sẽ được hỗ trợ ở đó.

Tinh thần lạc quan của một người lãnh đạo kiên cường

“Để cho quả trứng gà đến tay người tiêu dùng, tôi làm không biết mệt mỏi”, bà Huân, một nữ doanh nhân đã gần 70 tuổi chia sẻ. Bà đồng cảm với người tiêu dùng nghèo, với cả những người nông dân vốn dựa vào những quả trứng, con vịt, con gà để xoá đói giảm nghèo mà vẫn bị những tai ương như dịch cúm gia cầm năm 2003 lấy đi hết tài sản.

Khủng hoảng năm 2003 đã phần nào khiến bà nhận ra nhiều điều và quyết tâm thay đổi. Bà nhận thấy việc nuôi trồng ở Việt Nam còn khá manh mún, nhỏ lẻ. Bà quyết đi các nước để học hỏi cách làm và về nước xây dựng mô hình từ trang trại đến bàn ăn, đổi mới công nghệ, hướng tới sản phẩm xanh, an toàn để có thể trụ vững trước mọi khó khăn.

Theo bà Huân, trong vòng 5 năm trở lại đây, nền nông nghiệp Việt Nam đang thay da đổi thịt từng ngày với việc áp dụng và đổi mới công nghệ, tiếp thu kiến thức và cách làm từ quốc tế. Người nông dân đã liên kết với nhau mạnh mẽ hơn, tạo ra nhiều chuỗi sản xuất có giá trị và mang thương hiệu nông sản Việt ra các thị trường khó tính nhất, nhì thế giới.

“Nông dân thời @ rồi chứ không còn như ngày xưa. Ở đất nước mình, người dân mình chịu thương chịu khó, nhất là ngành nông nghiệp, chỉ cần có người nhạc trưởng tốt là ngon lành”, bà Huân nhận định.

Nhắn nhủ tới những người trẻ trong ngành nông nghiệp, bà Huân cho rằng sau cơn mưa trời lại sáng, lũ đi qua để lại phù sa, dịch sẽ qua đi và đất nước sẽ được vực dậy, không nên bi quan. Người trẻ hãy biết sống bằng cái tâm và trí tuệ của mình, hãy nghĩ tới cộng đồng.

“Ngày xưa mẹ tôi đã dạy tôi rằng, mua bán thì phải thật thà, chớ cho ai lận cũng chớ mà lận ai; mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng”, bà Huân kể lại.

Nhà sáng lập Ba Huân cũng cho rằng, các doanh nghiệp sau khi trải qua bốn đợt dịch đã rất mệt mỏi rồi, chính quyền các tỉnh, thành phố nên ân cần, gỡ rối để khích lệ tinh thần.

“Thành phố phải làm biết bao việc để chống dịch, lấy tiền đâu ra mà mình đòi hỏi. Cho nên, chỉ cần thành phố có cách hỗ trợ cơ chế, chính sách thì doanh nghiệp an tâm, sản xuất tiếp. Tôi làm doanh nghiệp có thành phố động viên tôi cũng làm hết mình”, bà Huân nói. 

Theo Đặng Hoa/The Leader
Bạn đang đọc bài viết "Hành trang vượt bão của bà chủ Ba Huân" tại chuyên mục Doanh nhân.