Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Hãy cẩn trọng từ “đội lái” tới “hệ sinh thái”

10/05/2022 23:52

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), ngoài những nhà đầu tư (NĐT) chân chính, vẫn tồn tại những tổ chức và cá nhân đang thao túng giá cổ phiếu (CP). Núp bóng cho các hoạt động này là cái tên có phần dân dã như “đội lái” cho tới tên gọi mỹ miều là “hệ sinh thái”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Từ A7 đến Louis Holdings

Thời gian gần đây, trên các diễn đàn CK xuất hiện danh sách các “đội lái” với những nhân vật đình đám trên TTCK như: thầy Tuấn, thầy Hạ, thầy Đức, thầy Tâm, thầy Lăng, thầy Thìn, thầy Dương… Nổi bật nhất “đội lái” A7 với hàng loạt buổi talk show về TTCK trong năm 2021 với thành phần tham gia chủ yếu là dân đầu tư bất động sản và CK, gọi chung là đội NIK.

Tại các buổi gặp gỡ này, A7 giới thiệu mình là Nguyễn Mạnh Tuấn, thành viên HĐQT của L14. Ngoài L14, Anh 7 còn “phím hàng” nhiều mã bất động sản khác như SGR, HDC, DTD, DIG, NHA…

Các mã CP này sau đó đều tăng nóng đúng dự báo, khiến nhiều người đặt hết niềm tin vào A7 thông qua những mã CP bất động sản sau này như CII, NBB, CEO, LDG. Điều đáng nói là sau những phiên tăng nóng, các mã CP trên đều rơi vào tình trạng đổ dốc trước áp lực bán cắt lỗ của NĐT đang kẹt hàng ở mức giá cao.

Thế nhưng, trên các diễn đàn, nhiều thành viên của đội NIK vẫn hô hào các thành viên khác không bán tháo CP, nếu còn tiền cứ tiếp tục mua bắt đáy CP bất động sản, tránh xa các nhóm ngành cơ bản và mua vào bất động sản với mục tiêu tăng giá tính bằng lần.

“Cuộc chơi đang khúc quyết định. Kẻ thất bại là người tranh nhau bắt đáy. Người chiến thắng là người có tầm nhìn xa về con sóng thần bất động sản sắp tới”, trích lời kêu gọi NĐT mua vào CP của một thành viên NIK. 

Đình đám không kém so "đội lái” của A7 là “hệ sinh thái” có cái tên rất Tây là Louis Holdings. Khởi đầu từ lĩnh vực lương thực với xuất khẩu gạo, CTCP Tập đoàn Louis Holdings lên mục tiêu phát triển thành một tập đoàn đa ngành với 4 lĩnh vực cốt lõi: nông nghiệp, đầu tư, bất động sản, công nghiệp.

Với tham vọng này, Louis Holdings đã thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp đang niêm yết trên TTCK: CTCP Louis Land (BII), CTCP Louis Capital (TGG), CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (AGM), CTCP Cáp nhựa Vĩnh Khánh (VKC), CTCP Sametel (SMT), CTCK APG (APG). Bên cạnh đó, Louis Holdings còn gom CP của các doanh nghiệp niêm yết để đưa người của mình vào HĐQT như: CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH), CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ và Địa ốc Hoàng Quân (HQC), CTCP Dược Lâm Đồng (LDP).  

Có thực tế đáng ghi nhận là sau khi có sự góp mặt của Louis Holdings, các doanh nghiệp kể trên đều có được sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đơn cử là TGG năm 2021 ghi nhận doanh thu thuần đạt 802 tỷ đồng (gấp 78 lần năm 2020), lãi ròng hơn 99,4 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 43 tỷ đồng).

Hay như LDP có 6 quý thua lỗ liên tiếp, tính từ quý II-2020, nhưng bất ngờ lãi 55 tỷ đồng trong quý IV-2021 sau khi có sự tham gia điều hành của các nhân sự chủ chốt từ Louis Holdings. Đây là mức lãi cao nhất của LDP kể từ khi thành lập đến nay. Cũng nhờ kết quả này, LDP đã xóa lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 và ghi nhận lãi ròng 39 tỷ đồng, trong khi năm 2020 lỗ 26 tỷ đồng.

Cổ phiếu tăng không tưởng

2021 có thể xem là năm thăng hoa của TTCK khi giá CP lên tục phá đỉnh, nhiều mã còn ghi nhận mức tăng tính bằng lần so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, với nhóm CP trong “hệ sinh thái” Louis Holdings thì mức tăng chung TTCK vẫn còn khá khiêm tốn.

Đơn cử là mã TGG trong phiên giao dịch ngày 9-8 chỉ mới ở mức 11.600 đồng/CP, nhưng đến phiên giao dịch ngày 16-9, mã CP này đã tăng lên mức 56.400 đồng/CP (tương đương mức tăng gần 500%).

Tương tự, mã BII cũng ghi nhận mức tăng 300%, từ dưới mốc 10.000 đồng/CP lên hơn 30.000 đồng/CP, sau chuỗi tăng giá kéo dài trong khoảng 1 tháng. Ấn tượng nhất là mã SMT cũng tăng từ dưới mốc 8.000 đồng/CP lên 37.700 đồng/CP (tương đương mức tăng 500%) sau chuỗi 17 phiên tăng trần liên tiếp.

Việc CP tăng “dựng đứng” mỗi khi có sự xuất hiện của Louis Holdings với đại diện là ông Đỗ Thành Nhân, khiến cho giới đầu tư đặt nhiều nghi vấn về hoạt động thao túng giá CP. NĐT càng có lý do nghi ngờ bởi trước mỗi đợt tăng, ông Nhân đều lên trên trang cá nhân để “phím hàng”.

Đơn cử là sáng ngày 1-9-2021, ông Nhân đăng lên Facebook cá nhân các chia sẻ về triển vọng giá CP thuộc nhóm Louis Holdings, như: “Từ đây đến cuối năm, BII không được 3x.

Mọi người cứ chửi thoải mái”, “Từ đây đến cuối năm BII không được 3x, TGG không được 4-5x, APG không được 2x, SMT không được 3x, DDV không được 3x, AGM xuống 3x. Mọi người cứ chửi thoải mái. Ghi lại làm bằng chứng”.

Thực tế, những mã được ông Nhân dự báo đều bật tăng chóng mặt. Chẳng hạn,  DDV của CTCP DAP Vinachem tăng từ 15.000 đồng lên hơn 36.000 đồng/CP. APG tăng từ mức giá 10.000 đồng/CP lên gần 29.000 đồng/CP.

Nhóm CP liên quan đến A7 cũng một thời “làm mưa làm gió” trên TTCK khi L14 bất ngờ trở thành mã CP đắt giá nhất trên cả 3 sàn với mức giá 470.000 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 13-1). Không lâu sau khi L14 lên mốc giá lịch sử, các mã còn lại cũng lần lượt phá mốc cao không tưởng.

Đơn cử là DIG vượt mốc 120.000 đồng/CP, CEO vượt mốc 90.000 đồng/CP, NHA vượt mốc 75.000 đồng/CP, CII vượt mốc 50.000 đồng/CP, NBB chạm mốc 60.000 đồng/CP. 

Điểm mặt hành vi 

Việc làm giá CP quá lộ liễu của “hệ sinh thái” Louis Holdings cuối củng cũng nhận được cái kết. Theo công bố của Cơ quan Điều tra, trong thời gian từ ngày 4-1-2021 đến ngày 6-10-2021, ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Louis Holdings, đã thông đồng với các đối tượng khác sử dụng nhiều tài khoản giao dịch CK thực hiện mua, bán và lôi kéo người khác mua, bán CK để thao túng giá hàng loạt mã CP trong “hệ sinh thái” như TGG, BII… thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng. 

Điều đáng nói là trước khi Cơ quan Điều tra công bố kết luận, lãnh đạo của “hệ sinh thái” Louis Holdings thậm chí còn yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước điều tra các cơ quan truyền thông đặt nghi vấn về hành vi thao túng giá CP.

Ngày 17-9-2021, ông Ngô Thục Vũ, Tổng giám đốc TGG cho biết: “Xoay quanh sự kiện này, trên các phương tiện truyền thông đang tồn tại nhiều thông tin trái chiều và gián tiếp cho rằng Louis Capital cùng với các công ty có mã CP niêm yết trên đã có các hành vi thao túng TTCK, mà không có bất kỳ chứng cứ chứng minh nào”.

Do vậy, Louis Capital đề nghị cơ quan quản lý kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về CK và TTCK đối với các chủ thể có hành vi đăng tin sai lệch và xử lý theo quy định của pháp luật. 

 Sự trân tráo và thách thức pháp luật cũng đang diễn ra ở “đội lái” của A7, khi nhiều thành viên của nhóm này vẫn thường xuyên lên mạng xã hội “dạy” NĐT cách đầu tư CP, thậm chí còn “tố” các CTCK chính là đối tượng thao túng giá CP.  

Theo Kim Giang/Sài Gòn đầu tư