Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Hé lộ tình hình làm ăn của Tập đoàn Bất động sản Đông Á - cơ nghiệp nghìn tỷ của ông Cao Tiến Đoan

31/08/2021 08:16

Tập đoàn Bất động sản Đông Á của ông Cao Tiến Đoan là một trong những thương hiệu địa ốc nổi danh ở tỉnh Thanh Hóa. Tuy vậy, kết quả kinh doanh trong giai đoạn 2016 – 2019 của công ty này lại hết sức u ám.

Hé lộ tình hình làm ăn của Tập đoàn Bất động sản Đông Á - cơ nghiệp nghìn tỷ của ông Cao Tiến Đoan

Hé lộ tình hình làm ăn của Tập đoàn Bất động sản Đông Á - cơ nghiệp nghìn tỷ của ông Cao Tiến Đoan

Công ty TNHH Tập đoàn Bất động sản Đông Á thành lập ngày 25/10/1996, được biết đến là chủ đầu tư khu đô thị Quảng Tân (Quốc lộ 1A, cách trung tâm TP. Thanh Hóa 7km về phía nam). Đây là dự án có quy mô 15ha, tổng mức đầu tư hơn 355 tỷ đồng, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2020.

Ngoài khu đô thị Quảng Tân, trên website của mình, Tập đoàn Bất động sản Đông Á còn tự giới thiệu 3 dự án khác tại Thanh Hóa là: Trường Lệ Pear Land quy mô 200ha, tổng mức đầu tư 14.000 tỷ đồng tại TP. Sầm Sơn; khu đô thị sinh thái biển Đông Á quy mô 61ha, tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng tại TP. Sầm Sơn; khu đô thị ven sông Hạc quy mô 37ha, tổng mức đầu tư 1.980 tỷ đồng, tại TP. Thanh Hóa. Cả 3 dự án này đều được giới thiệu là đã hoàn tất thủ tục, đang xây dựng và mời gọi đầu tư.

Đối với người xứ Thanh, Tập đoàn Bất động sản Đông Á là cái tên khá quen thuộc bởi ông chủ của doanh nghiệp này, doanh nhân Cao Tiến Đoan, đang là chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Đông Á Thanh Hóa. Ông Đoan tiếp nhận câu lạc bộ từ ông Nguyễn Văn Đệ - chủ tịch Tổng công ty Cổ phần Hợp Lực, vào tháng 11/2020.

Sau khi tiếp nhận, ông Đoan đã cho thành lập Công ty TNHH MTV Bóng đá Đông Á Thanh Hóa với vốn điều lệ 36 tỷ đồng do ông làm chủ tịch HĐTV kiêm giám đốc.

Mối quan hệ giữa ông Đoan và ông Đệ, 2 doanh nhân lớn của xứ Thanh, được xem là mật thiết. Tổng công ty Cổ phần Hợp Lực của ông Đệ có 33,33% cổ phần tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Doanh nhân Thanh Hóa – nơi ông Cao Tiến Đoan đang là tổng giám đốc. Được biết, tổng tài sản của Công ty Cổ phần Tập đoàn Doanh nhân Thanh Hóa vào năm 2019 đạt gần 300 tỷ đồng.

3 lần tăng vốn đưa vốn điều lệ tăng gấp 5 lần

Trở lại với Công ty TNHH Tập đoàn Bất động sản Đông Á, doanh nghiệp này có trụ sở ban đầu tại xã Đông Hương, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Dữ liệu cho thấy trước tháng 3/2017, công ty có vốn điều lệ 262 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm có: ông Cao Tiến Đoan nắm 66,931%, bà Nguyễn Thị Điệp nắm 12,323%, ông Cao Văn Phú nắm 4,334% và ông Cao Đức Thiện nắm 16,412%. Tất cả cổ đông này đều thường trú tại thôn Châu An, xã Quảng Châu, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Tháng 3/2017, công ty tăng vốn lên 583 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông cũng có sự thay đổi, theo đó ông Cao Tiến Đoan giảm xuống 57,64%, bà Nguyễn Thị Điệp tăng lên 13,59%, ông Cao Văn Phú tăng lên 5,95% và Cao Đức Thiện tăng lên 22,82%.

Tháng 4/2020, Tập đoàn Bất động sản Đông Á dời trụ sở về đại lộ Lê Lợi, phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa và tăng vốn điều lệ lên 689 tỷ đồng. Lúc này, ông Cao Tiến Đoan nắm 57,771%, bà Nguyễn Thị Điệp nắm 13,676%, ông Cao Văn Phú nắm 6,676%, ông Cao Đức Thiện nắm 21,777%.

1 năm sau đó, tức tháng 4/2021, công ty tiếp tục tăng vốn lên 1.269 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của ông Cao Tiến Đoan tăng lên 58,364%, bà Nguyễn Thị Điệp tăng lên 15,861%, ông Cao Văn Phú tăng lên 7,931%, riêng ông Cao Đức Thiện giảm xuống 17,844%.

Bất ngờ với tình hình kinh doanh

Dữ liệu cho thấy, giai đoạn 2016 – 2019, tổng tài sản của Tập đoàn Bất động sản Đông Á đã tăng hơn 2 lần, từ 499 tỷ đồng lên 962 tỷ đồng, lên tiếp 984 tỷ đồng rồi cán mốc 1.191 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu tài trợ hơn một nửa cho sự tăng trưởng của tổng tài sản. Tuy vậy, sự gia tăng vốn chủ sở hữu chỉ diễn ra vào năm 2017. Từ đó đến hết 2019, vốn chủ sở hữu gần như đi ngang và ổn định ở mức 629 tỷ đồng.

Điều này đồng nghĩa trong giai đoạn 2017 – 2019, nợ phải trả tăng trưởng mạnh. Cụ thể, nợ phải trả năm 2017 là 327 tỷ đồng, đến năm 2019 tăng lên 562 tỷ đồng, tương đương tăng tới 72%.

Về tình hình kinh doanh, những năm 2016 – 2019, doanh thu thuần của công ty suy giảm rất mạnh. Cụ thể, năm 2016, doanh thu thuần là 73 tỷ đồng, năm 2017 giảm gần một nửa xuống chỉ còn 37,7 tỷ đồng, năm 2018 giảm tiếp còn 21,5 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu thuần mới gượng lên 29,2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong suốt 3 năm 2016 – 2018, công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến lợi nhuận gộp âm, lần lượt là: -249 triệu đồng, -69 triệu đồng và -6,8 triệu đồng. Phải đến năm 2019, công ty mới có lợi nhuận gộp thực dương, đạt 4,5 tỷ đồng.

Chính vì điều này mà trong suốt 4 năm 2016 – 2019, công ty đều báo lỗ sau thuế, nhất là giai đoạn kinh doanh dưới giá vốn lỗ rất sâu, lần lượt là: -5 tỷ đồng, -6 tỷ đồng và -5,5 tỷ đồng. Năm 2019, mức lỗ mới được cải thiện còn -268 triệu đồng…

Theo Ái Châu Tử/VietnamFinance