Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Hiện thực startup phũ phàng sau lời tuyên bố phá sản của Ofo: Đua nhau gia nhập thị trường, quyết liệt giảm giá, gọi vốn bằng những lời lẽ trên mây bất chấp mô hình kinh doanh không rõ ràng

21/12/2018 11:34

Startup chia sẻ xe đạp Ofo đang chịu áp lực tài chính chồng chất mặc dù họ đã huy động được 2,2 tỷ USD từ các nhà đầu tư kể từ khi ra mắt vào năm 2014.


Startup chia sẻ xe đạp Ofo đang chịu áp lực tài chính chồng chất mặc dù họ đã huy động được 2,2 tỷ USD từ các nhà đầu tư kể từ khi ra mắt vào năm 2014.

Chỉ 9 tháng sau khi huy động được 866 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm cả Alibaba, startup chia sẻ xe đạp Trung Quốc là Ofo đang phải đối mặt với tình trạng "rỗng túi" trong bối cảnh các khách hàng của họ đang cực kỳ phẫn nộ và yêu cầu được trả lại tiền đặt cọc.

Startup Ofo có trụ sở tại Bắc Kinh đã tiết lộ những áp lực quá kinh khủng mà họ đang phải trải qua và cân nhắc việc phá sản trước sức ép của khách hàng, chủ nợ và kinh phí để hoạt động hàng ngày.

"Do những tính toán sai lầm mà công ty đang phải chịu áp lực to lớn về dòng tiền trong năm vừa qua", nhà sáng lập Ofo Dai Wei nói với nhân viên qua một bức thư gửi đi vào thứ 4.

"Để trả lại tiền đặt cọc cho người dùng, trả tiền nợ cho các nhà cung cấp và tiếp tục hoạt động, chúng ta phải biến mỗi 1 NDT thành 3. Đã không biết có bao nhiêu lần, tôi nghĩ về việc cắt giảm ngân sách hoạt động để trả lại cho người dùng và trả nợ cho đối tác. Cuối cùng tôi đã nghĩ đến việc nộp đơn phá sản".

Ofo đã tạo được tên tuổi bằng việc cho ra đời hệ thống chia sẻ xe đạp, để khách hàng có thể mở khóa xe thông qua điện thoại thông minh và bỏ lại khi nào họ đi. Tuy nhiên, sau khi trải qua sự mở rộng quá kinh khủng, mảng kinh doanh của họ trở nên tồi tệ.

Dai – người thành lập nên công ty vào năm 2014 ở tuổi 23 thừa nhận rằng "những nỗ lực huy động tiền của công ty trở nên bất lực" trong suốt 6 tháng qua nhưng anh hứa rằng Ofo sẽ trả lại tất cả tiền đặt cọc của khách hàng.

Tuyên bố của Dai tới sau khi hàng trăm khách hàng đứng trước cửa trụ sở công ty vào ngày thứ 2 để yêu cầu trả lại ngay lập tức tiền đặt cọc cho họ - vốn đã được yêu cầu nộp cho công ty khi đăng ký tài khoản.

Nhiều đoạn video và bức ảnh lan truyền trên truyền thông xã hội Trung Quốc cho thấy những hàng dài người xếp hàng từ văn phòng ở tầng thứ 5 của Ofo đến cả tầng 1 để yêu cầu được hoàn trả tiền.

Người đi xe được yêu cầu trả 99 NDT (tương đương 14 USD) tiền đặt cọc – và sau đó mức này tăng lên 199 NDT. khi đăng ký tài khoản.

Công ty này hứa rằng tiền đặt cọc sẽ được trả lại vào tài khoản người dùng trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu, và họ sẽ làm theo hình thức "ai đến trước, phục vụ trước".

Một người đi xe đạp tại Bắc Kinh đã nộp đơn yêu cầu trả lại tiền đặt cọc vào ngày thứ 3 nói với tờ Nikkei rằng "có ít nhất 10 triệu người đang chờ".

Một vài người đi xe cũng nói rằng họ sẽ gỡ bỏ ứng dụng Ofo khi nhận được tiền.

"Ofo vẫn chưa trả lại 199 NDT tiền đặt cọc của tôi. Tại sao tôi lại tin tưởng công ty và tiếp tục dịch vụ của họ được", một sinh viên ở Chengdu nói. Chai Mengmiao – một sinh viên tại Xianyang nói anh đã chờ được trả lại tiền từ tháng 11: "Rất nhiều xe của Ofo đã bị hỏng. Tôi không muốn sử dụng dịch vụ của họ nữa".

Trong bối cảnh người đi xe quay lưng và sau đó là nhiều người khác nữa, người dùng hiện tại cảm thấy doanh nghiệp của họ đang xuống dốc thật sự.

"Tôi sợ nếu không nhận lại được tiền đặt cọc bây giờ, tôi sẽ không bao giờ có thể nhận được nữa", Wei nói.

Phía công ty chỉ đưa ra một tuyên bố vào thứ 2 thông qua tài khoản Weibo rằng: "Vì cơ sở người dùng lớn của Ofo, có khả năng số lượng yêu cầu trả lại tiền đặt cọc sẽ tăng nhanh chóng".

Ofo đang chịu áp lực tài chính chồng chất mặc dù họ đã huy động được 2,2 tỷ USD từ các nhà đầu tư kể từ khi ra mắt vào năm 2014.

Shanghai Phoenix Bicycles – một nhà cung cấp của Ofo gần đây đã kiện công ty vì hóa đơn tiền nợ lên tới 68 triệu NDT chưa trả. Nhiều đơn kiện khác còn đang chờ Ofo liên quan tới dịch vụ vận chuyển cung cấp bởi Deppon Logistics và Yunniao.

Những tháng gần đây, Ofo đã phải ngưng quá trình mở rộng thần tốc, chấm dứt hoạt động tại Ấn Độ, Úc và hàng loạt thị trường khác. Công ty cũng thu hẹp dịch vụ tại Mỹ và Anh.

Vì đâu nên nỗi?

Những khó khăn của Ofo phản ánh một hiện thực phũ phàng trong ngành công nghiệp chia sẻ xe đạp tại Trung Quốc. Hàng loạt startup mọc lên như nấm ở đất nước tỷ dân vào năm 2016, với hàng tỷ USD được rót vào lĩnh vực này khi họ mong muốn trở thành những Uber tiếp theo.

Tuy nhiên, do mô hình kinh doanh không rõ ràng, vốn lớn cần để duy trì đội ngũ xe, nhiều ứng dụng chia sẻ xe đã thất bại trong việc duy trì hoạt động kinh doanh. Tiếp đó là hàng tá đối thủ nhảy vào thị trường khiến cung vượt cầu, họ đua nhau giảm giá để thu hút khách hàng và cuối cùng là giết chết tất cả.

Các công ty chia sẻ xe đạp nhỏ hơn thì phải chịu áp lực lớn về tài chính khi người dùng nhanh chóng nộp đơn xin hoàn lại tiền đặt cọc sau khi kết thúc chuyến đi, dẫn đến các vấn đề về dòng tiền.

Hơn nữa, không công ty nào có thể kiếm được tiền bằng cách cho thuê những chiếc xe đạp 400 USD với giá vài xu mỗi giờ trong khi ngày càng có nhiều xe đạp hơn trong các thành phố.

Dù là những công ty còn sống sót cũng đối mặt với những áp lực về tài chính. Mobike – đối thủ lớn nhất của Ofo tại Trung Quốc đã thua lỗ 1,5 tỷ NDT trong giai đoạn từ tháng 4 – 6 và đã bị mua lại với gái 2,7 tỷ USD vào tháng 4.


Vân Đàm

Theo Trí Thức Trẻ/Nikkei