Nhiều người tự cho phép bản thân có quyền nghỉ ngơi sau khi rời công sở bằng cách sa đà vào các kênh giải trí vô bổ mà chẳng giúp ích gì cho não bộ. Chúng ta nên biết rằng nuông chiều bản thân quá mức là giết chết tương lai của chính mình.
Sống chậm là tốt nhưng không phải lúc nào cũng nên như vậy
Chúng ta thường hay chia sẻ về lối sống vội cho rằng sống quá nhanh sẽ lấy mất đi của ta rất nhiều thứ. Trước giờ tôi cũng không đồng tình với lối sống nhanh, bởi nó thiếu khoa học quá. Tuy nhiên đừng nhầm lẫn giữa việc cân bằng thời gian với việc bạn bắt đầu dần trở nên lười biếng.
Để thấy cuộc sống không trôi quá nhanh và vội vàng, ta khuyến khích nhau sống chậm lại. Điều này là cần thiết nhưng không lạm dụng quá. Vì nếu một ngày bạn cho phép bản thân lững thững bước đi giữa dòng người đang nỗ lực từng cen -ti-met trên hành trình cố gắng, bạn sẽ nhận ra bản thân mình sẽ bị bỏ lại rất xa. Sống chậm là tốt nhưng không phải lúc nào cũng nên như vậy.
Hương – một bạn trẻ có lần chia sẻ với tôi: Bây giờ em chỉ ước được về quê nuôi cá và trồng thêm rau, sống cuộc sống có cây xanh, ao vườn có gió trời trong trẻo của miền quê Bắc Bộ. Hương nói em quá mệt mỏi với cuộc sống thành thị này. Guồng bon chen và những toan tính vội vã không phù hợp với em. Hương còn trẻ lắm, cô ấy mới 25 tuổi nhưng sớm có suy nghĩ về vườn rồi.
Tâm lý tìm về "chốn yên bình" hiện có ở nhiều người đang ngày ngày sinh sống tại thành phố để mưu sinh kiếm sống. Cuộc sống mệt mỏi là đúng rồi, cuộc sống nơi phồn hoa kiếm miếng cơm càng mệt mỏi hơn. Nhưng dừng lại hay trốn tránh không phải là cách khôn ngoan nhất.
Tất cả những ai trốn tránh hiện thực, từ chối đưa bản thân phải nỗ lực và trực tiếp đi vào các thử thách mà chọn cách "sống chậm giả tạo" đều là hình mẫu của kẻ thất bại. Là bạn đang rất lười biếng, sống thiếu trách nhiệm với cuộc đời của mình.
Nếu nghĩ cuộc sống là ganh đua bạn sẽ rất mệt mỏi nhưng nếu bạn nghĩ cuộc sống là hành trình để bạn trở thành phiên bản tốt nhất thì mọi nỗ lực công sức bỏ ra sẽ là động lực. Càng trẻ, càng phải cố gắng, phải luôn để bản thân trong tâm thế hướng về phía trước, chỉ có tiến lên mới là cách sống thực thụ.
Bạn đã tối ưu hóa 8 tiếng đi làm của mình chưa?
Mỗi người đều có 24 giờ/ngày và một cơ thể cùng chiếc đồng hồ sinh học tạo hóa ban tặng. Mọi thứ rất công bằng, ai cũng đi làm 8 tiếng như nhau nhưng có một số người kêu than một số người khác lại tranh thủ được làm việc nhiều hơn trong 8 tiếng đó. Họ đâu phải siêu nhân. Xét về nguồn lực con người họ giống bạn chỉ khác nhau ở chỗ họ có mục tiêu rõ ràng và nền tảng kỷ luật đanh thép. Họ có tham vọng và tìm mọi cách để bản thân tốt hơn mỗi ngày.
Còn bạn 8 tiếng đi làm bạn dành bao nhiêu thời gian cho giải quyết công việc, phát triển chuyên môn. Bạn dành nhiều hay rất ít thời gian lướt facebook, xem video trên watch? Tất cả những việc đó có thực sự phục vụ cho công việc hiện tại?
Nên nhớ 8 tiếng ở công ty bạn được trả lương để làm việc, tập trung cho công việc chứ không phải để giết thời giờ. Theo quan sát của tôi hầu hết những ai than mệt và chán nản đều do không thực sự nghiêm túc trong khoảng thời gian tám tiếng đó. Họ sa đà vào hàng nghìn dòng tin nhạt nhẽo, chính những thứ vô bổ ấy khiến họ trì trệ, kéo họ ngày một đi xuống.
Mẹ tôi ngày xưa làm kế toán trưởng cho một doanh nghiệp nhà nước nên rất bận, vào những khoảng thời gian phải quyết toán thuế bà còn mang cả tập giấy tờ dày cộm về nhà làm, ngoài ra bà còn mang cả sách tài chính về đọc, cuối tuần lên Thư viện Quốc gia đọc tạp chí kinh tế, chính sách về thuế. Gần như mẹ tôi không có thời gian rảnh vì bà vừa đi làm vừa chu toàn cả việc cơm nước.
Chưa khi nào tôi thấy bà kêu mệt hay than chán nản công việc. Tôi phục bà sát đất vì lúc đó bản thân cũng đang là sinh viên thực tập ở một công ty nọ, thanh niên sức dài vai rộng đã cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi lắm rồi. Nhìn cách làm việc của mẹ tôi mới hiểu: Chính mục tiêu, sự tập trung và nghiêm túc trong công việc sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả chứ không nhất thiết thể chất của bạn phải khỏe mạnh đến mức nào.
Đừng cho bản thân có quyền nghỉ ngơi trong khi bản thân chưa thực sự chăm chỉ
Nếu bạn dừng lại và ngừng cố gắng nghĩa là bạn đang thụt lùi. Chẳng có gì tự hào về điều này cả. Đừng nghĩ những người giàu có và tài giỏi thì họ nhàn hạ. Những người ưu tú hơn bạn vẫn cố gắng hơn bạn đó, họ làm việc nuôi dưỡng đầu óc họ hàng ngày. Phần đa những người thành công họ đã nỗ lực rất nhiều và dù có giàu có đến mức độ nào đi nữa họ vẫn không ngừng làm việc vì chỉ có hành động như vậy mới giúp họ giữ dược thành tựu và tạo ra nhiều giá trị hơn.
Nước Mỹ có rất nhiều tỷ phú nơi mà người dân chăm chỉ lao động dù đã kiếm đủ tiền để sống sung túc cuối đời. Người Mỹ đi du lịch vẫn đem theo công việc, hoặc thậm chí không đi du lịch nhiều năm liền nếu họ đang xây dựng sự nghiệp.
Đây là cách những người Mỹ đầu tiên làm việc khi khám phá ra châu lục rộng lớn này. Suy nghĩ đầu tiên của họ không phải là "Uống tí trà nào" mà là "Hãy làm việc thôi". Với họ luôn có rất nhiều việc quan trọng phải làm: Các thành phố cần được dựng lên, phía Tây cần được mở rộng... Hồi đó không có thời gian để dông dài và cho tới bây giờ người Mỹ vẫn nghĩ như vậy. Họ làm việc nhiều giờ hơn người dân của bất kỳ nền văn hóa nào khác.
Người Mỹ dành sự trân trọng đặc biệt cho những ai yêu lao động và nỗ lực tìm cách biến các doanh nhân xuất sắc ngày một nổi tiếng. Ở Mỹ Donald Trump và Bill Gates thực sự là những ngôi sao. Stephen R.Covey, Jack Welch và Lee Iacocca là những tác giả ăn khách bậc nhất. Thay vì Bonjour Paresse (Lười biếng ơi, xin chào), những cuốn sách bán chạy nhất tại xứ sở cờ hoa là The Seven Habits of Highly Effective People (Bảy thói quen của người thành đạt) và Good to Great (Từ tốt đến vĩ đại). Những ông chủ tỉ phú của các đội bóng, như George Steinbrenner và Mark Cuban, cũng được đưa tin thường xuyên như các vận động viên của họ.
Không riêng gì người Mỹ mà với những người thành đạt, làm việc giúp họ cảm thấy mình là người quan trọng, hay mình đã đạt được mục đích; công việc có thể khiến họ cảm thấy như thể đó là tất cả những gì họ có; nếu mất đi công việc thì họ chẳng còn gì cả.
Thế giới này quả thực rất nhiều người vừa giỏi lại còn chăm chỉ hơn chúng ta nữa. Nếu bạn đang mưu cầu cuộc sống hạnh phúc thì lười biếng là chính là lựa chọn tệ nhất, tiếp tục kéo dài sự trì trệ và chán nản cuộc sống của bạn sẽ chẳng đi đến đâu cả. Đừng cho phép bản thân nghỉ ngơi nếu bạn chưa thực sự chăm chỉ!
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Mr.Why Phạm Ngọc Anh - CEO ASK TRAINING JSC)
Phạm Ngọc Anh
Theo Trí Thức Trẻ