Sinh nhật 10 tuổi Winmart

H&M loay hoay với số quần áo trị giá 4 tỷ USD tồn kho: Bán rẻ thì sợ ảnh hưởng tới danh tiếng, đang có ý định sẽ làm từ thiện hoặc tiêu hủy

29/06/2018 10:28

H&M nói rằng quần áo có thể sẽ được mang đi làm từ thiện hoặc tiêu hủy nếu như không thể bán được.

H&M loay hoay với số quần áo trị giá 4 tỷ USD tồn kho: Bán rẻ thì sợ ảnh hưởng tới danh tiếng, đang có ý định sẽ làm từ thiện hoặc tiêu hủy
Ngày hôm qua, công ty thời trang có trụ sở tại Thụy Điển là H&M đã tuyên bố rằng giá trị hàng tồn kho trên toàn cầu không bán được đã tăng mạnh trong những quý gần đây lên mức 36 tỷ kronor (tương đương 4 tỷ USD), tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thực tế khối lượng quần áo không bán được đã tăng liên tục trong nhiều năm qua vì tốc độ tăng trưởng doanh thu thấp hơn kỳ vọng, kéo lợi nhuận giảm 28% trong nửa đầu năm 2018.

"Hàng tồn kho hiện đã phát triển thành một vấn đề nghiêm trọng đối với công ty này", ông Adam Cochrane – chuyên gia phân tích tại Citi nói.

Trong khi đó, phía H&M thì nói họ sẽ áp dụng nhiều chiến lược gồm cả bán hàng để dần dần giảm lượng hàng tồn kho.

Cochrane nói rằng công ty có lẽ sẽ tung chiến dịch giảm giá cho các thị trường mà khách hàng nhạy cảm với các sự kiện giảm giá, cả mua trực tiếp và online. Công ty cũng bán hàng tồn kho cho các nhà bán lẻ hoạt động ở những quốc gia mà H&M chưa hiện diện.

"Một việc làm nghe có vẻ khả thi là giảm giá để bán hàng tồn kho nhưng nó lại gây rủi ro cho danh tiếng thương hiệu. Các lãnh đạo không muốn khách hàng xem H&M như một thương hiệu hàng giảm giá".

Chính vì vậy, H&M nói rằng quần áo có thể sẽ được mang đi làm từ thiện hoặc tiêu hủy nếu như không thể bán được.

Các chuyên gia phân tích thì nhận định rằng công ty này đã quá chậm chạp trong việc tham gia vào mảng bán hàng trực tuyến và hiện tại họ đang phải trả giá. Cổ phiếu H&M đã giảm 18% trong năm 2018.

"Nửa đầu năm nay chứng kiến tình hình tồi tệ hơn những gì mọi người nghĩ nhưng chúng tôi tin rằng nó sẽ được cải thiện dần dẫn và chúng tôi sẽ chứng kiến sức bật trong nửa sau của năm", CEO Karl-Johan Persson nói.

Các hãng bán lẻ trên toàn thế giới đang chịu áp lực từ việc thói quen người tiêu dùng thay đổi và cạnh tranh từ bán hàng trực tuyến như Amazon và Asos.

Trong một báo cáo công bố vào tháng 4, Moody nói rằng lĩnh vực bán lẻ đạt mức cao kỷ lục trong suốt 3 tháng đầu năm 2018 khi thương mại điện tử thăng hoa còn các trung tâm thương mại, cửa hàng vật lý tiếp tục chứng kiến lợi nhuận sụt giảm.

Siêu thị Sears đang gặp khó khăn là một trong 9 hãng bán lẻ ngập trong nợ nần trong quý đầu tiên mặc dù tổng thể nền kinh tế tăng trưởng tốt.

Tại Anh, chuỗi siêu thị John Lewis cũng đưa ra cảnh báo rằng lợi nhuận "về căn bản thấp hơn năm ngoái". Trong khi đó, Marks & Spencer lại tuyên bố sẽ đóng 100 cửa hàng tới năm 2022.

Theo Phương Linh/Trí Thức Trẻ