Để có được “tiếng chuông tốt lành”, doanh nhân Việt Nam đã phải trả những cái giá đắt, không chỉ tiền của mà đôi khi là sinh mạng của chính mình.
Cũng như một nhạc sĩ là phải chơi nhạc, một vị tướng thì phải cầm quân, một giáo sư phải lên bục giảng…, và như vậy, là doanh nhân thì phải bước ra thương trường.
Cách đây đúng 15 năm, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam, hằng năm lấy ngày 13 tháng 10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.
Dù biết rằng một ngày đôi lúc trôi qua chỉ như một cơn gió thoảng trong cả năm trời vật lộn vất vả trên thương trường, nhưng khi được biết Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam, khi ấy, nhiều doanh nhân không khỏi sung sướng đến ứa nước mắt.
Tủi phận dồn nén cả mấy chục năm trời kể từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất, tựa như tâm cảm của những “đứa con bị bỏ rơi”, nay được trở về đoàn tụ với đại gia đình dân tộc, quả là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Từ năm ấy, doanh nhân Việt Nam đã có một điểm dừng chân hằng năm để soi lại chính mình, có thêm một sức mạnh tôn vinh của cả dân tộc, có thêm mảnh đất để trồng hái những thành quả thấm đẫm vinh quang và bất hạnh… Hy vọng, đây sẽ là tiếng chuông báo hiệu những điều tốt lành cho các doanh nhân Việt Nam.
Chẳng nên nhắc lại quá khứ “phân biệt chủng tộc” trong cách nhìn của cộng đồng đối với giới doanh nhân. Công cuộc đổi mới vận hành đã hơn 30 năm mà đất nước vẫn được xếp vào tốp nghèo trên thế giới thì sự cay đắng nhất chẳng ai khác phải chịu đựng, chính là các doanh nhân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các nhà tư sản Hà Nội trước Bắc Bộ Phủ, ngày 18/9/1945. Ảnh: Internet
Nhớ lại, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bức thư đầu tiên cho giới công thương Việt Nam. Trong thư viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”. Giờ đây, “nền hoàn toàn độc lập của nước nhà” thì có rồi, có từ lâu lắm rồi, nhưng “một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng” thì chưa. Tại sao vậy? Có lẽ còn một vế nữa trong bức thư của Bác Hồ không được coi trọng trong cả một thời gian dài, đó là việc Chính phủ và toàn xã hội chưa “tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này”.
Để có được “tiếng chuông tốt lành”, doanh nhân Việt Nam đã phải trả những cái giá đắt, không chỉ tiền của mà đôi khi là sinh mạng của chính mình. Sẽ chẳng ai ngây thơ nghĩ rằng chỉ sau một quyết định của Chính phủ là ngày mai, giới doanh nhân Việt Nam sẽ thanh thản khoác ba-lô lên đường tìm vinh quang, đem lại phồn vinh cho đất nước. Khắp đó đây, rào cản ngáng trở sự vươn lên của các doanh nhân nhiều như lá cây rừng. Và cho dù đến một ngày nào đấy, lúc mà Chính phủ và toàn xã hội “tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này” thì vinh quang của các doanh nhân Việt Nam giành được không hề dễ dàng bởi sự cạnh tranh của thời hội nhập ngày càng quyết liệt trên thương trường.
Cách đây ít ngày, một Giám đốc truyền thông của doanh nghiệp từng là nhà báo khá thành danh có hỏi tôi:
- Anh nhận xét thế nào về Sun Group?
Tôi hơi ngỡ ngàng một chút rồi chợt hiểu ra rằng gần đây, có một tờ báo đang “chan tương đổ mẻ” vào thương hiệu này. Thú thật là tôi cũng có đọc lướt qua những bài đó và không quan tâm lắm. Vốn là phóng viên điều tra hơn 40 năm, thành danh có mà trả giá đau đớn cũng có, tôi cho rằng để phán xét một con người đã khó, một doanh nghiệp lại càng khó, mà với một doanh nghiệp có thương hiệu tầm quốc gia và quốc tế lại càng khó vô cùng, kể cả về tầm nhìn, về kiến thức chuyên ngành, về khối lượng thông tin..., đó là chưa kể đến tâm lý kỳ thị người giàu, tâm địa “không ăn được thì đạp đổ”. Đối với tôi, cách tiếp cận sự thật của những bài báo này, giọng văn như hắt nước đổ đi này không hề có một chút thuyết phục nào. Tôi trả lời:
- Theo đánh giá của cá nhân tôi, họ là những người anh hùng!
Không biết trong các bạn, ai đã từng thất nghiệp chưa? Ai đã từng ăn bữa nay lo bữa mai chưa? Khi ấy, bạn sẽ thấy những người tạo công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định, tạo ra những mái nhà ấm áp và đầy hy vọng trong tương lai... nó quan trọng như thế nào?
Nhân đây, chỉ xin nêu một góc nhỏ trong sự nghiệp của Tập đoàn Sun Group. Khi được giao 200ha đất làm dự án thì kèm với đó, Sun Group có trách nhiệm và đã phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan như kiểm lâm bảo vệ 26.000ha rừng nguyên sinh toàn khu vực.
Nhờ những đóng góp quan trọng của dự án Sun World Ba Na Hills, trong 10 năm qua (từ 2009 - 2018), du lịch TP. Đà Nẵng đã có sự phát triển nhanh chóng với tổng lượng khách du lịch đến tham quan năm 2018 đạt 7,67 triệu lượt, tăng 5,7 lần so với năm 2009 (1,33 triệu lượt), trong đó khách quốc tế đạt 2,87 triệu lượt, tăng 9,1 lần (năm 2009: 314.169 lượt).
Cầu Vàng, Đà Nẵng. Ảnh: Internet
Đặc biệt, kể từ sau “hiện tượng Cầu Vàng”, số chuyến bay quốc tế tới Đà Nẵng từ các thị trường mới như Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ… tăng đột biến. Chỉ riêng tháng đầu năm 2019, số chuyến bay từ Thái Lan tới Đà Nẵng đã tăng tới 56 chuyến/tuần...
Chúng ta hoàn toàn có thể mường tượng ra được, đằng sau những con số ấy là công ăn việc làm của biết bao con người. Và từ những nguồn thu nhập ổn định ấy đã cứu biết bao số phận, bao nhiêu gia đình thoát khỏi nghèo đói, thoát khỏi những tệ nạn xã hội do nghèo hèn gây ra, cứu được biết bao tâm hồn sa vào vòng tội lỗi...
Cứ mỗi lần nhớ lời răn trong đạo Phật “Cứu một mạng người hơn xây 7 tháp phù đồ” là tôi luôn luôn tâm niệm rằng, những người tạo ra hàng ngàn, hàng vạn việc làm cho người lao động kia rất xứng danh là những người anh hùng, là những người đáng khâm phục và tôn kính.
Bên cạnh đó, lịch sử kinh tế thế giới đã chứng minh rằng, đối với doanh nhân, sự vinh quang tột đỉnh và nỗi bất hạnh tận cùng đôi khi chỉ cách nhau một làn sương mỏng.
Chỉ mấy ngày đầu tháng 8/2003, tầng 12 một cao ốc ở trung tâm Seoul ( Hàn Quốc ) và tầng 56 của khách sạn Aston ở thủ đô Jakarta (Indonesia) đều chịu chung một số phận, cùng phủ lên mình một màn sương tang tóc. Hai nhà doanh nghiệp lừng danh, hai người đàn ông một thời là thần tượng của biết bao bạn trẻ, đã từ đây nhảy lầu tự vẫn. Một người là Chung Mong Hun, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai-Asan, một trong những trụ cột của sức mạnh kinh tế Hàn Quốc, và người nữa là Manimaren, Chủ tịch Texmaco – tập đoàn dệt may lớn nhất Indonesia.
Chỉ cách đấy ít giờ, ai ai nghĩ đến hai ông là nghĩ đến quyền uy của những ông vua mới, trị vì những vương quốc hiện đại và kiêu hùng, đến vẻ mặt cao sang, những nụ cười lịch lãm…
Điểm mặt các doanh nghiệp Việt Nam độ chục năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, không ít bài học cay đắng đã được rút ra từ cuộc đời của nhiều doanh gia đầy tham vọng cứ đi như bị ma ám vào bước đường cùng. Đã có giám đốc một công ty nổi tiếng nối hai cực điện 220V vào người rồi tự đóng cầu dao tự sát vì không chịu nổi những sức ép của trách nhiệm. Có giám đốc khách sạn đã thắt cổ tự vẫn bởi những bất đồng trong tổ chức. Có vị nữ tổng giám đốc giỏi giang, thành đạt bị nhồi máu cơ tim và qua đời ngay sau một cuộc họp căng thẳng. Năm 1994, Tăng Minh Phụng khi đang trên đỉnh của vinh quang với những cuộc đầu tư hàng trăm triệu USD, với hàng chục xưởng may và gần 10.000 công nhân…, đã kể với bạn bè rằng mới đi xem bói, thầy bảo cuối đời sẽ cực kỳ khốn khó, chết không có chiếu mà chôn. Tưởng là câu chuyện vui, thế mà chỉ chưa đầy chục năm sau, sự khắc nghiệt của thương trường đã biến điều đó thành sự thật...
Loại trừ một số những kẻ rắp tâm lừa đảo phải dấn thân vào con đường tù tội, phần lớn các nhà doanh nghiệp bị khuynh gia bại sản bởi những rủi ro ngoài sự kiểm soát của mỗi cá nhân. Có người đặt câu hỏi, một khi đã có tài sản cả chục triệu, thậm chí hàng tỷ đôla, nếu họ chỉ cần gửi vào ngân hàng thì không những họ mà cả con cháu họ nữa, suốt đời sống trong nhung lụa, vinh hoa phú quý. Vậy họ lao vào thương trường để làm gì rồi sau đó rất có thể là sự khổ nhục hoặc thậm chí là của lưỡi hái tử thần?
Từ lâu rồi, khoa học đã chứng minh rằng hành vi cá nhân tại một thời điểm nào đó thường được quyết định bởi nhu cầu mạnh nhất của họ. Abraham Maslow đã đưa ra một hệ thống phân cấp khá thuyết phục về nhu cầu của con người. Ông cho rằng, theo bản năng sinh tồn thì nhu cầu mạnh nhất của con người là nhu cầu sinh lý. Khi chúng được thoả mãn, hoặc dù chưa được thoả mãn hoàn toàn, thì tiếp đó là nhu cầu về an toàn, rồi nữa là nhu cầu xã hội (giao tiếp), kế đến là nhu cầu được tôn trọng, cuối cùng là nhu cầu tự khẳng định mình. Cứ thứ tự như vậy, một khi nhu cầu ở bậc trên được thoả mãn thì mối quan tâm chuyển sang nhu cầu ở bậc kế tiếp theo.
Đến đây, có thể lý giải được tại sao các nhà doanh nhân thừa ăn thừa tiêu, được xã hội trọng vọng mà vẫn chưa thoả mãn, chính vì họ muốn tự khẳng định mình. Cũng như một nhạc sĩ là phải chơi nhạc, một vị tướng thì phải cầm quân, một giáo sư phải lên bục giảng…, và như vậy, là doanh nhân thì phải bước ra thương trường.
Sau nhiều thế kỷ lần mò, đến nay, các quốc gia đã xác định rằng nếu không có một đội ngũ doanh nghiệp hùng mạnh thì không thể có một đất nước hưng thịnh.
Chính vì thế, Bác Hồ đã chia sẻ với giới doanh nhân rằng “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này”.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh