Shark Việt, người duy nhất quan tâm đến xem mặt hàng trực tiếp trưng bày dưới sân khấu cho rằng: "Giấy phép đăng ký kinh doanh 1,9 tỷ đồng, công ty chưa kinh doanh gì mà gọi vốn 6 tỷ đồng chỉ vì ý tưởng ban đầu, làm sao định giá gấp nhiều lần như thế?".
Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank) tập 4 chứng kiện một câu chuyện đời, chuyện nghề của một người đàn bà tự nhận mình là "bán cốt lột xương" cho niềm đam mê làm guốc mộc, chị Phạm Như Hoa (hay còn gọi là Hoa guốc).
Chị Phạm Như Hoa lên chương trình gọi vốn 6 tỷ đồng cho 20% công ty làm về sản phẩm guốc mộc Việt Nam. Mục đích huy động vốn để tái cơ cấu lại công ty. Trong đó 1 tỷ làm nhà xưởng, 1 tỷ làm showroom để quảng bá thương hiệu guốc Việt và khởi đầu cho việc triển khai 1 chuỗi cửa hàng kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương hiệu.
Ngậm ngùi kể về câu chuyện của đời mình như một thước phim, chị Phạm Như Hoa cho biết giai đoạn 2007 ở thời điểm đỉnh cao của thành công, chị đã từng làm đôi guốc kỷ lục Việt Nam và mở siêu thị về guốc. Giai đoạn đó vì danh tiếng của công ty nên các ngân hàng giải ngân rất dễ, chị Hoa đã đầu tư tài chính dàn trải và mang tiếng làm dịch vụ đáo nợ. Giai đoạn 2007-2009 các ngân hàng dừng giải ngân và siết chặt cho vay, chị Hoa phải lấy lãi nọ trả lãi kia dẫn đến phá sản. Vợ chồng ly hôn, bị câm trong 4 năm vì mổ thanh quản, con gái lớp 7 phải nghỉ học vì chủ nợ đến tận trường, chị Hoa cho biết đã phải mang con vào Nam ra Bắc và tạm ngừng giấc mơ làm guốc Việt.
Tuy nhiên niềm đam mê với đôi guốc mộc chưa khi nào biến mất trong suốt 15 năm qua. Trong các chuyến tàu chuyển nhà, chị Hoa cho biết các bao tải guốc chị vẫn mang theo bên mình. "Ở các nhà trọ, tôi có thể không có chỗ ngủ nhưng vẫn mang theo các bao tải guốc", chị Hoa trải lòng với các Shark.
Sai lầm còn ở chỗ, trong quá trình làm việc với các đối tác, vì tin tưởng chia sẻ bí quyết kinh doanh nên một số đối tác đã tách ra làm riêng, phá hợp đồng, trả cửa hàng và mở cửa hàng mới. Tuy nhiên chị Hoa cho rằng các đối này mặc dù "bắt chước" các sản phẩm của chị nhưng họ không tiến xa hơn.
Sản phẩm của chị Phạm Như Hoa
Đánh giá về thương vụ, các Shark có những nhận định trái chiều.
Shark Liên ban đầu phải ngắt lời: "Bạn có hiểu khi bạn gọi vốn của chúng tôi, bạn phải có trách nhiệm quản lý số tiền làm sao lợi nhuận công ty ngày càng lớn bạn, bạn có ý thức được khi bạn đứng ở đây không?"
Trong khi đó Shark Việt, người duy nhất quan tâm đến xem mặt hàng trực tiếp trưng bày dưới sân khấu cho rằng: "Giấy phép đăng ký kinh doanh 1,9 tỷ đồng, công ty chưa kinh doanh gì mà gọi vốn 6 tỷ đồng chỉ vì ý tưởng ban đầu, làm sao định giá gấp nhiều lần như thế?".
Chị Hoa cho rằng mình tin tưởng vào tương lai của công ty vì các đối tác sẵn sàng vào cuộc để tiếp tục làm guốc, dựa trên tốc độ phát triển của thể tạo ra từ các sản phẩm độc quyền.
Shark Liên cho biết, mặc dù rất thông cảm với hoàn cảnh của chị Hoa, nhận định đây là ý tưởng rất tốt đẹp khi muốn giữ lại văn hóa làng nghề, nhưng "nghe câu chuyện của bạn dẫn dắt nếu tôi song hành sẽ có nhiều mâu thuẫn", "tôi sẵn sàng đầu tư không lấy lợi nhuận nhưng phải nhìn vào con người đứng trước mặt mình có đi với nhau được không", cuối cùng Shark Liên quyết định không đầu tư.
Trong khi đó, Shark Hưng không dưới 2 lần phải ngắt lời ứng viên và cho rằng "Tôi không nhìn thấy bạn nắm giữ gì trong chuỗi giá trị, không ai biết đến thương hiệu Hoa guốc". "Bạn là người bán hàng rất kém, bạn nói quá nhiều về bạn, về quá khứ, về đam mê của bạn, nhưng khi có khách hàng quan tâm (Shark Việt xuống sân khấu đi thử guốc) thì bạn không hỏi xem anh ấy có thích kiểu dáng đó không, size chân bao nhiêu. Phải quan tâm đến những điều trước mắt chứ nhìn về quá khứ, quá khứ xong rồi", Shark Hưng chia sẻ và cho rằng chị Hoa nên đi kêu gọi đầu tư lập bảo tàng về guốc và làm hướng dẫn viên thì hợp hơn.
"Tôi đề nghị bạn dừng lại nửa phút, chỉ nghe bạn 30-40 phút tôi bị căng thẳng và áp lực kinh khủng nên tôi không đầu tư", cuối cùng Shark Hưng chọn không đầu tư cho dự án này.
Chị Hoa khẳng định với các shark các mẫu thiết kế của mình không thể tìm thấy cái thứ hai trên mạng, "nếu không tôi đi cày gấp 2 lần 6 tỷ cho các shark".
Khi Shark Thủy hỏi về thị trường phân phối của guốc Việt, chị Hoa cho biết khách hàng chính của guốc Việt là Tây Ban Nha khi đất nước này nhập khẩu guốc xỏ ngón để đi trên bãi biển, hay các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc đi guốc trong nhà tắm, phòng xông hơi, nhưng câu trả lời này không thuyết phục được các shark.
Shark Thủy cho rằng vì con số định giá cao và bài toán kinh doanh chưa rõ ràng nên không đầu tư trong khi Shark Dzung nhận định câu chuyện này của chị Hoa có thể được lan tỏa nhờ sự đam mê với ngành nghề truyền thống, chị có thể bắt đầu lại sự nghiệp kinh doanh từ mốc ban đầu tức là việc thiết kế sản phẩm độc đáo, và bán hàng qua kênh Facebook hay các trang thương mại điện tử, shark Dzung quyết định không đầu tư.
Tưởng chừng như mọi cánh cửa khép lại với chị Hoa, và chị chuẩn bị quay lưng ra về tay trắng thì còn một người nữa trầm ngâm đó là Shark Việt.
Người duy nhất trực tiếp xem sản phẩm
Shark Việt hiện đang làm Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty Intracom, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thủy điện, bất động sản, y tế. Trong hệ thống các công ty của Intracom có Bệnh viện Phương Đông đi theo mô hình Bệnh viện - khách sạn 5 sao. Shark Việt có câu nói nổi tiếng: "Sản phẩm Việt Nam đến đâu thì biên giới Việt Nam đến đấy."
Shark Việt là người duy nhất xuống xem trực tiếp các sản phẩm guốc của chị Hoa. Và là người cuối cùng nhận xét về thương vụ. "Bạn có nhiều điểm yếu đó là dễ bị dụ dỗ, thời đại này bạn phải có vỏ gỗ sẵn thiết kế 3D để làm ra các sản phẩm vừa size chân của khách hàng ngay lập tức, còn đồ handmade phải tính 200 USD chứ không phải 200 nghìn đồng". Ông quyết định đầu tư 2 tỷ lấy 50% cổ phần của công ty và cam kết 4 tỷ còn lại sẽ giải ngân sau đó. Ông tin rằng với kinh nghiệm quản lý công có thể đưa ra các lời khuyên hữu ích cho chị Hoa trong việc quản lý tài chính khiến chị Hoa vỡ oà.
Cuối thương vụ, Shark Việt đã bị Shark Hưng trêu: "Anh đầu tư vào sách, Hoa đầu tư vào guốc, hai anh em Sách guốc!".