Tham vọng chiếm lĩnh thị phần cửa hàng tiện lợi nhưng ông chủ chuỗi này đã phải bán lại với giá 1 USD. 'Chúng tôi thất bại vì quá kỳ vọng vào thị trường', đó là điều mà ông nhận ra.
Bán mình giá 1 USD
Khi nhắc tới Shop&Go bán lại với giá tượng trưng 1 USD, ông Nguyễn Hoài Nam, người từng sở hữu thương hữu thương hiệu này, không giấu nổi nỗi buồn. Ông cho hay: “10 năm trước chúng tôi mở 100 cửa hàng tiện lợi nhưng sau đó bán đi với giá 1 USD, trong khi tất cả những cửa hiệu khác đều đang mở rộng ra, rất nhiều người quyết đầu tư vào lĩnh vực này”.
“Bài học của chúng tôi là chúng tôi quá kỳ vọng vào thị trường, cứ nghĩ rằng 100 triệu dân của chúng ta là thị trường vô cùng lớn cho ngành bán lẻ. Càng đẩy hy vọng lên thì chúng tôi càng cảm thấy quá xa vời với ánh sáng ở cuối đường hầm. Cho tới bây giờ tôi tin chắc vẫn chưa có công ty bán lẻ nào và chuỗi cửa hàng tiện lợi nào có lãi cả”, ông cho biết thêm.
Được thành lập từ năm 2005, công ty Cổ phần Cửa hiệu và Sức Sống hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ hàng tiêu dùng. Cửa hàng đầu tiên của Shop&Go đi vào hoạt động năm 2006 tại TP.HCM. Sau 14 năm thành lập, Shop&Go vận hành 87 cửa hàng, trong đó có 70 cửa hàng tại TP HCM và 17 cửa hàng tại Hà Nội nằm tập trung ở trong các quận nội thành.
Shop&Go đi theo mô hình cửa hàng tiện lợi với đặc trưng hoạt động 24/24h mỗi ngày, kinh doanh hàng hóa tiêu dùng, đồ ăn nhanh, thức uống pha chế, các dịch vụ tiện ích như máy rút tiền tự động ATM, bán thẻ nạp điện thoại, thẻ gọi điện thoại đường dài IDD card... Đối tượng khách hàng chính của Shop&Go là những người nhắm đến sự tiện lợi trong phong cách phục vụ với những sản phẩm chất lượng cao, môi trường sạch sẽ và hiện đại tại cửa hàng.
Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh trên thị trường, tình hình kinh doanh của Shop&Go dần đi xuống. Năm 2016, hệ thống này đạt 267 tỷ đồng doanh thu và lỗ gần 40 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2016, Shop&Go lỗ lũy kế 205 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có vỏn vẹn 1,27 tỷ đồng. Đến tháng 10/2018, vốn điều lệ của công ty này tăng mạnh lên 207,27 tỷ đồng nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan với mức thua lỗ kịch điểm gần 7 tỷ đồng/tháng.
Cuối tháng 4, Shop&Go quyết định bán mình với giá 1 USD. Thương vụ hi hữu chưa từng có trong lịch sử ngành bán lẻ Việt Nam được xuất phát từ chính đề nghị của đơn vị chủ sở hữu chuỗi này.
Bán được 2 tỷ đồng như chuyện cổ tích
Nhận xét về thị trường, đại diện một đơn vị bán lẻ cho rằng: “Khách hàng vào mua bó rau, miếng thịt, gói mì, mỗi hóa đơn chừng 50.000-80.000 đồng mà tháng bán được 2 tỷ đồng như chuyện cổ tích”.
“Để vận hành cửa hàng bán thực phẩm, chi phí rất nhiều và phức tạp. Chưa kể hao hụt khá cao. Chúng tôi phải hết sức khoa học trong việc xử lý mọi chi phí bán hàng và làm sao để có lời cũng là một thách đố của ngành này”, ông cho biết thêm.
Lĩnh vực cửa hàng tiện lợi đang là cuộc chiến gay gắt giữa các tay chơi từ trong và ngoài nước như Vinmart+, Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Circle K hay 7Eleven... Cạnh tranh với các đối thủ và chợ truyền thống khiến cho thị trường này ngày càng trở nên khốc liệt và “đốt tiền”.
Đơn cử như Family Mart, một đại gia đến từ Nhật Bản từng tuyên bố sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng vào 2020 tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 2017, hãng này đã phải “suy nghĩ lại” về thị trường Việt Nam. Lãnh đạo Family Mart đã tuyên bố "không thể đổ thêm nguồn lực để đầu tư" và “việc kinh doanh đang gặp thua lỗ”.
G7 Mart của Trung Nguyên là sự thất bại cay đắng. Vào năm 2006, Trung Nguyên tưng bừng khai trương hệ thống cửa hàng bán lẻ G7 Mart với 500 cửa hàng và kỳ vọng sẽ nâng con số này lên tới 9.500 cửa hàng trên toàn quốc. Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ từng tuyên bố sẽ chi mạnh tay hỗ trợ từ 50 tới 200 triệu cho một cửa hàng tùy theo quy mô.
Trái ngược hẳn với những kỳ vọng ban đầu thì hệ thống G7 Mart đã vấp phải khá nhiều khó khăn rồi dần dần lặng lẽ biến mất.
Mặc dù vậy, các đại gia trong lĩnh vực này vẫn đang khá nhiều tham vọng. VinMart đang có kế hoạch mở thêm 3.000 cửa hàng khắp Việt Nam trong những năm tới. GS25 - chuỗi cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc đã vào thị trường Việt Nam và đang dự kiến mở hơn 2.500 cửa hàng. Đây là tín hiệu cho thấy "sức nóng" của thị trường này trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Trước lo ngại của nhiều cổ đông rằng, trên thế giới kiểu chuỗi cửa hàng phải mất 7-8 năm mới có lợi nhuận và mức sinh lời cũng chỉ khoảng 2-3%, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Dộng cho biết, mục tiêu và cách thức kinh doanh của chuỗi này có nhiều sự khác biệt. Minh chứng là cuối 2018, cửa hàng thực phẩm đã đạt điểm hòa vốn theo kỳ vọng. Kế hoạch 2019, lợi nhuận bù đắp hoàn toàn tất cả chi phí hoạt động tại cửa hàng và các trung tâm phân phối, nhưng chưa bao gồm chi phí ở cấp độ công ty.
Có thể nói, những thuận lợi của cửa hàng tiện ích hay siêu thị mini đã và đang góp phần làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, nhất là khi vấn nạn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm xảy ra tràn lan trên thị trường.
Theo đánh giá của CBRE Việt Nam, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ diễn ra cạnh tranh giữa các nhà đầu tư hệ thống cửa hàng tiện ích trong nước và quốc tế, trong việc chiếm thị phần thông qua mở thêm cửa hàng tiện ích.
Duy Anh
Theo VietnamNet