"Im thin thít và lặn mất tăm": Cách các doanh nghiệp rời TQ sang Việt Nam tránh bão thương chiến

18/05/2019 11:15

"Nhất là trong bối cảnh cuộc thương chiến leo thang như hiện nay, thì rủi ro sẽ càng lớn hơn nữa. Mặc dù ngày càng có nhiều ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc chịu tác động từ cuộc chiến này, nhưng hầu hết các công ty đều không dám thể hiện quan điểm công khai".


"Nhất là trong bối cảnh cuộc thương chiến leo thang như hiện nay, thì rủi ro sẽ càng lớn hơn nữa. Mặc dù ngày càng có nhiều ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc chịu tác động từ cuộc chiến này, nhưng hầu hết các công ty đều không dám thể hiện quan điểm công khai".

Sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có biến động mới, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã khởi động một chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ và cáo buộc chính quyền Mỹ là nguyên nhân khiến căng thẳng leo thang, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) đưa tin.

Tuy nhiên, rất nhiều nhà sản xuất tại Trung Quốc lại đang đi ngược lại với phong trào chỉ trích Mỹ nói trên và "cúi thấp đầu" để tránh những "tai bay vạ gió" đến từ cả trong và ngoài nước khi căng thẳng thương mại leo thang.

SCMP đã thực hiện một số cuộc phỏng vấn với các chủ nhà máy, xí nghiệp sản xuất của Trung Quốc. Đa số đều nói rằng họ cảm thấy mình bị ảnh hưởng từ những đòn ăn miếng, trả miếng và lời đe dọa từ cả hai phía trong cuộc thương chiến. Và thay vì phải "chịu đòn" từ các quan chức, người lao động và nhà cung ứng tại thị trường nội địa, họ đã quyết định "ẩn mình".

Khi im lặng là "vàng"

Những công ty có ý định chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh thuế nhập khẩu của Mỹ và bảo toàn việc buôn bán với nền kinh tế số 1 thế giới đang phải hết sức thận trọng và hành động thật cân bằng.

"Các nhà sản xuất - xuất khẩu đang có dự định chuyển nhà máy đang phải đối diện với nhiều khó khăn hơn và chi phí cao hơn so với những đơn vị quyết định di chuyển nhà máy ra nước ngoài trong vòng 2 năm qua.

Bởi vậy nên rất nhiều nhà xuất khẩu không dám tiết lộ dự định của mình", ông Liu Kaiming, người đứng đầu Viện Quan sát Đương đại, có trụ sở tại Thâm Quyến, nhận định.

"Nếu muốn di chuyển dây chuyền sản xuất, thì họ phải lên kế hoạch rất thận trọng cho từng quy trình tạm ngưng sản xuất và đền bù cho người lao động, cùng với đó là phản ứng của nhà cung ứng, vấn đề biến động giá cổ phiếu ở các doanh nghiệp lớn, v.v... Và họ phải làm tất cả những điều đó một cách 'im lặng'", ông Liu giải thích.

"Một khi thông tin về việc chuyển địa điểm sản xuất được công bố, thì rất có thể những tin đồn không có lợi cho doanh nghiệp sẽ phát sinh", theo ông Liu. "Nhất là trong bối cảnh cuộc thương chiến leo thang như hiện nay, thì rủi ro sẽ càng lớn hơn nữa. Mặc dù ngày càng có nhiều ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc chịu tác động từ cuộc chiến này, nhưng hầu hết các công ty đều không dám thể hiện quan điểm công khai".

Im thin thít và lặn mất tăm: Cách các doanh nghiệp rời TQ sang Việt Nam tránh bão thương chiến - Ảnh 1.

Một bộ phận trong dây chuyền sản xuất pin tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Xiaomei Chen

Một số nhà sản xuất cho biết, họ hy vọng rằng việc "ẩn mình" sẽ giúp họ trở nên vô hình trước "radar" thuế quan của Mỹ, và nhờ đó có thể tránh được những đòn giáng tiếp theo (nếu có).

"Năm ngoái, mặt hàng giày dép không bị [Mỹ] liệt vào danh sách đánh thuế. Chúng tôi đã nỗ lực ẩn mình và không hề nêu ý kiến về bất kỳ chủ đề liên quan đến chiến tranh thương mại nào, vì chúng tôi sợ rằng [Tổng thống Mỹ Donald] Trump sẽ phát hiện ra và nhắm vào chúng tôi", một vị giám đốc điều hành cơ sở chuyên sản xuất giày tại Trung Quốc cho một số thương hiệu lớn trên thế giới, cho biết.

Vị giám đốc này đã yêu cầu giữ bí mật danh tính do lo ngại ảnh hưởng. Bà cho biết, hiện bà đang sở hữu một chuỗi nhà máy tại Việt Nam và Trung Quốc.

"Hiện nay chúng tôi đang phải đối mặt với ngày càng nhiều bất trắc và bất định do cuộc thương chiến ngày càng tăng nhiệt. Đây là thời điểm rất nhạy cảm đối với các cuộc đàm phán thương mại, nên chúng tôi thấy mình cần phải im lặng và không gây chú ý.

Các khách hàng của chúng tôi đều là những nhãn hàng nổi tiếng thế giới, và họ chắc chắn không muốn bị liên lụy tới cuộc xung đột thương mại giữa hai nước Mỹ-Trung, hay bắt buộc buộc phải chọn một phe", vị giám đốc giấu tên cho biết.

"Cụ thể, kể từ khi [lệnh tăng thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực vào tuần trước], dư luận Trung Quốc đã rất sôi sục và bày tỏ sự phẫn nộ của mình trên khắp các diễn đàn và mạng xã hội. Họ tin rằng Mỹ đang gây áp lực quá lớn và bắt nạt người dân Trung Quốc.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp như chúng tôi đều đã từng chứng kiến và trải qua làn sóng tẩy chay hàng hóa Mỹ ở Trung Quốc, do đó chúng tôi đều nhận thức rất rõ về những rủi ro tiềm tàng.

Trong thời điểm hiện tại, thì im lặng chính là "vàng", và là biện pháp bảo vệ an toàn nhất đối với các cơ sở của chúng tôi ở cả Trung Quốc và Việt Nam", vị giám đốc phân tích.

Bởi vậy, ngay cả khi nhiều doanh nghiệp muốn tiếp tục duy trì việc kinh doanh với Mỹ quyết định rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc tới Việt Nam hoặc các quốc gia không bị Mỹ đánh thuế, họ cũng sẽ không công khai ý định đó, vị giám đốc giấu tên khẳng định. Các doanh nghiệp này cũng đang xử lý quy trình hết sức thận trọng.

Những cuộc di dời lặng lẽ

"Trong thời điểm hiện tại, thì việc đóng cửa hoàn toàn và di dời toàn bộ dây chuyền sản xuất [của một nhà máy tại thành phố Đông Quản, Quảng Đông] trong thời gian ngắn vẫn còn là chuyện hiếm. Thông thường, các chủ doanh nghiệp sẽ thành lập nhà máy mới tại Việt Nam hoặc Campuchia trước để lấy doanh thu bù cho cơ sở ở Đông Quản.

Và thay vì sản xuất hàng cho thị trường Mỹ, thì đơn vị ở Đông Quản sẽ tập trung vào việc nghiên cứu, phát triển và thực hiện các đơn đặt hàng xuất sang các thị trường nước ngoài khác", ông Zhou Pingxu, chủ xí nghiệp sản xuất ở Đông Quản, chia sẻ.

Im thin thít và lặn mất tăm: Cách các doanh nghiệp rời TQ sang Việt Nam tránh bão thương chiến - Ảnh 2.

Các công nhân trong một nhà máy giầy tại Quảng Đông. Ảnh: Agence France-Presse

"Tuy nhiên những động thái gần đây của ông Trump đang khiến mọi người đều hoảng loạn, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn", ông Zhou nói.

Bên cạnh đó, các công ty cũng lo sợ phải đối mặt với sự phản đối của chính quyền địa phương Trung Quốc nếu như họ công bố kế hoạch di chuyển dây chuyền sản xuất. Các quan chức Trung Quốc không muốn mất đi nguồn doanh thu từ các khoản thuế, và cũng không muốn người dân của mình mất việc làm.

"Tôi đã hùn vốn đầu tư 3 triệu nhân dân tệ (436.140 USD) cùng một đối tác hồi năm 2017 và thuê mặt bằng nhà máy rộng 2.400 m2 tại Thành phố Thủ Dầu Một thuộc tỉnh Bình Dương của Việt Nam, chuyển 4 dây chuyền sản xuất và thuê 80 công nhân địa phương. Ban đầu, giá thuê mặt bằng là 22 nhân dân tệ (3,2 USD)/m2, và giờ là 28 nhân dân tệ (4,05 USD)/m2", ông Zhou nói.

"Vào thời điểm đó [năm 2017], môi trường kinh tế tại Trung Quốc vẫn rất tốt, và mọi người đều sẵn lòng mở rộng đầu tư. Chính quyền địa phương tại Đông Quản vẫn khá thoải mái và ủng hộ chúng tôi chuyển nhà máy sản xuất tới Việt Nam.

Hiện giờ một số người quen của tôi cũng đang có kế hoạch chuyển nhà máy, tuy nhiên chi phí chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với mức giá năm 2017. Và chính quyền thành phố Đông Quản cũng sẽ không tạo điều kiện như trước nữa", ông Zhou chia sẻ với phóng viên SCMP.

Người này còn cho biết: "Các quy trình và thủ tục hiện nay được chính quyền địa phương thực hiện rất nghiêm ngặt. Họ sẽ không cho phép anh chuyển các máy móc và thiết bị khỏi địa phương nếu anh không trả tiền đền bù cho công nhân".

Im thin thít và lặn mất tăm: Cách các doanh nghiệp rời TQ sang Việt Nam tránh bão thương chiến - Ảnh 3.

Một công nhân tại nhà máy sản xuất len ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

"Anh nghĩ rằng người công nhân không biết gì về chiến tranh thương mại ư? Một khi có ai đó tiết lộ rằng anh có kế hoạch di dời nhà máy, thì công nhân, chính quyền và nhà cung ứng đều sẽ theo dõi sát sao từng động thái tiếp theo của anh. Bởi vậy, nên anh bắt buộc phải ẩn mình", ông Zhou giải thích.


Theo Hồng Anh

Trí thức trẻ