300.000 sản phẩm được bán trong Black Friday, hàng chục quyển sách dạy nấu ăn và hàng trăm bài “review” xuất hiện sau một đêm … Chỉ trong một thời gian ngắn, Instant Pot đã trở thành hiện tượng của ngành bán lẻ, khiến hàng chục đối thủ ngay lập tức xuất hiện để “xâu xé” thị phần.
Nội dung nổi bật:
Bối cảnh: Sau khi bị mất việc trong cuộc khủng hoảng kinh tế 2009, Robert Wang, cựu kỹ sư BlackBerry quyết tâm khởi nghiệp trong ngành gia dụng.
Kế hoạch: Tập trung vào sản phẩm và khách hàng, Instant Pot thực hiện một kế hoạch kinh doanh cực kỳ đơn giản nhưng lại rất hiệu quả.
Kết quả: Nhanh chóng gây "sốt" trong giới ẩm thực, Instant Pot trở thành sản phẩm bán chạy nhất Amazon nhiều năm liền mà không cần bất kỳ chi phí quảng cáo nào.
Chỉ là nồi áp suất?
Xét cho cùng, Instant Pot vẫn chỉ là một chiếc nồi áp suất, sản phẩm đã tồn tại hàng chục năm và vẫn được bán đều đặn khắp nơi trên thế giới. Giống như tên gọi của nó, nồi áp suất sử dụng các van khóa đặc biệt của mình, tạo nên áp suất lớn để giảm đáng kể thời gian nấu nướng.
Nhưng cũng từ tên gọi đó, nồi áp suất vô hình trung tạo nên một cảm giác "nguy hiểm" không đáng cho bản thân, hình ảnh chiếc nồi phun hơi nước nóng, kêu lên từng hồi và có thể trở thành một vũ khí nguy hiểm luôn xuất hiện trong đầu khách hàng mỗi khi nhắc tới "nồi áp suất".
Chính vì thế, nhà sáng lập Robert Wang lập tức đặt tên cho sản phẩm của mình là Instant Pot (tạm dịch: Nồi tức thì) nhằm tạo cảm giác đơn giản, nhanh chóng và nhẹ nhàng cho tất cả các bà nội trợ.
Nhưng không đơn thuần là tên gọi, Instant Pot còn đầu tư thiết kế để đảm bảo người dùng "ngốc" nhất vẫn có thể sử dụng được. Đặc biệt là các chế độ tự động, giúp khách hàng dễ dàng bấm nút rồi chuyển qua làm việc khác, chứ không phải thấp thỏm canh chừng như lúc trước.
Chiến dịch marketing "tiết kiệm"
Sản phẩm tốt thôi thì vẫn chưa đủ, Instant Pot thừa hiểu sự khốc liệt của thị trường điện gia dụng và đã khéo léo lợi dụng thói quen của người dùng để tạo nên một chiến dịch marketing thành công ngoài mong đợi.
Sau khi hoàn tất những sản phẩm thương mại đầu tiên vào năm 2010, Robert Wang lập tức liên hệ và gửi hơn 200 nồi miễn phí đến các blogger, các "celeb" đam mê nấu ăn trên mạng xã hội.
Không cần phải tốn thêm bất kỳ chi phí "lót tay" nào, hàng loạt bài viết, video và sách nấu ăn lần lượt xuất hiện, tạo thành một "cơn sốt" khắp Internet và giúp thương hiệu Instant Pot nổi tiếng "tức thì" như chính tên gọi của nó.
Không ngủ quên trên chiến thắng, Robert Wang chỉ đạo các nhân viên thành lập một nhóm "những người đam mê Instant Pot" trên Facebook nhằm chia sẻ các kiến thức hữu ích, hàng triệu thành viên trong nhóm không chỉ nghe thấy tên tuổi Instant Pot trên các website mà còn tìm hiểu được công dụng, điểm mạnh, công thức… của sản phẩm này trên Facebook mỗi ngày.
Quyết định táo bạo
Nhận thấy marketing online sẽ là công cụ để đưa Instant Pot lên tầm cao mới, Robert Wang nhận được rất nhiều lời mời hợp tác quảng cáo, đặc biệt là đề xuất một chiến dịch gửi email hàng loạt mà nhiều thương hiệu khác đã sử dụng.
Cảm thấy việc làm "quá tải" người dùng sẽ dẫn đến tác dụng phụ, Instant Pot quyết định từ chối các hãng quảng cáo để đầu tư cho nhân lực nhằm phát triển nội dung trên nhóm Facebook của công ty.
May mắn thay, đây cũng là lúc mà Mark Zuckerberg quyết định gia tăng tỷ lệ tương tác của nhóm Facebook, chức năng lâu đời nhưng gần như bị bỏ quên.
Cho đến ngày nay, có đến hàng chục nhóm thảo luận Instant Pot khác nhau với bài viết mới mỗi phút. Đặc biệt là những thông tin luôn nhận được tương tác rất cao, chẳng hạn như một bài viết về cách trang trí nồi Instant Pot nhận được hơn 1.000 lượt thích và chia sẻ chỉ trong 30 phút.
"Tôi nghĩ rằng khách hàng tương tác với nhau sẽ tốt hơn việc doanh nghiệp "đẩy" thông tin tới khách hàng," Robert cho hay: "Nhóm Facebook là một quyết định rất mạo hiểm và rất may là chúng tôi đã chọn đúng, Instant Pot không biết có tồn tại nổi không nếu chúng tôi quyết định sử dụng email marketing."
Chia sẻ thành công
Hiện có hơn 200 nhóm "Instant Pot" khác nhau trên Facebook, với các thông tin chuyên biệt từ công thức nấu ăn, kinh nghiệm dành cho người mới, kiến thức món Ấn… Có thể thấy rằng các nhóm nhỏ này đã "lôi kéo" không ít thành viên từ nhóm "chính chủ" của công ty Instant Pot.
"Chúng tôi hiểu rằng một nhóm duy nhất không thể nào phục vụ cho tất cả mọi người, và việc họ tự lập nên nhiều nhóm khác là minh chứng cho việc đó" theo Robert Wang.
Dù Instant Pot có thể dễ dàng "tố cáo" các nhóm này khi sử dụng thương hiệu đã được đăng ký bản quyền để lôi kéo người dùng, nhưng Robert lại nghĩ khác, mỗi bài đăng là một cơ hội quảng cáo miễn phí cho Instant Pot và hơn 4 triệu thành viên Facebook là những nhân viên marketing thực thụ.
Không những thế, hiện có gần 1.500 quyển sách nấu ăn "ăn theo" sự thành công của Instant Pot, một số quyển còn được chễm chệ nằm trong danh sách bán chạy nhất trên Amazon, dù một lần nữa thương hiệu của công ty được sử dụng vì mục đích thương mại cá nhân, nhưng Instant Pot vẫn vui vẻ cung cấp cho tác giả tất cả thông tin và công cụ cần thiết để hoàn thành tốt tác phẩm của họ.
Sự thật trần trụi
Một bài viết gần đây trên New York Times đã gọi Instant Pot là công ty startup "lạ đời" nhất thế kỷ 21. Phóng viên cực kỳ bất ngờ khi một đế chế gia dụng được vận hành với chỉ… 50 nhân viên, hoàn toàn không có một đồng vốn huy động, và gần như không chi xu nào cho quảng cáo.
Có hàng ngàn công ty ngoài kia mong muốn có được một phần nhỏ sự thành công của Instant Pot, New York Times nhấn mạnh. Nhưng nhà sáng lập Robert Wang lại nghĩ rằng chẳng có chút bí mật nào đằng sau thành công vang dội của mình.
Vị triệu phú này cho rằng Instant Pot chỉ áp dụng những gì đã được nêu "nhan nhản" trên sách báo: "Sở hữu một sản phẩm tốt, chăm sóc khách hàng thật tốt, và khuyến khích họ chia sẻ. Chỉ có vậy thôi" – Robert tự tin chia sẻ bí quyết thành công của mình.
Lê Thanh Sang
Theo Trí Thức Trẻ