Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Kế hoạch "thoát nợ" nào cho hai "ông lớn" tại Gia Lai

25/09/2021 09:40

Khởi nghiệp từ các phân xưởng chế biến đồ gỗ thủ công, hai doanh nhân nổi tiến hiện nay là Đoàn Nguyên Đức và Bùi Pháp đã lập xí nghiệp tư doanh, xây dựng nhà máy rồi chuyển đổi thành hai công ty gắn liền với thương hiệu cao nguyên Pleiku: Hoàng Anh Gia Lai và Đức Long Gia Lai.

Cả hai tập đoàn này sau đó đều niêm yết trên sàn chứng khoán, "bành trướng địa bàn" lẫn ngành nghề kinh doanh. Hoàng Anh Gia Lai theo đuổi bất động sản, năng lượng và nông nghiệp nên quy mô tài sản tăng chóng mặt. Đức Long Gia Lai lấn sân sang kinh doanh nhà hàng – khách sạn, khai thác khoáng sản, cung cấp dịch vụ bảo vệ... với quy mô vốn hiện tại gấp hơn 830 lần so với thời điểm mới thành lập.

Mỗi công ty đánh dấu thời kỳ hoàng kim bằng những cách khác nhau, như Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận lãi nghìn tỷ mỗi năm trong giai đoạn 2009-2011 và được xếp vào danh sách 30 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất thị trường. Đức Long Gia Lai chỉ thực sự đột phá từ 2016-2019 với doanh thu ngấp nghé 3.000 tỷ đồng mỗi năm.

Chìm trong "biển nợ"

Theo Khoa học & Đời sống, năm 2020, kết quả kinh doanh của HAGL ghi nhận mức lỗ 2.175 tỷ đồng. Nguyên nhân do các chi phí tăng cao. Số lỗ luỹ kế của HAGL tính đến hiện nay là 5.086 tỷ đồng. Kinh doanh thua lỗ, HAGL tiếp tục chìm trong biển nợ.

Trong đó, nợ phải trả tăng thêm 4.802 tỷ đồng, tương ứng tăng 22% so với cuối năm 2019. Riêng các khoản vay ngân hàng và trái phiếu ngân hàng tính đến thời điểm 31/12/2020 là 17.102 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất của HAGL là BIDV với 1.235 tỷ đồng gồm cả các khoản vay có kỳ hạn và 5.876 tỷ đồng trái phiếu do BIDV là trái chủ.

Tài sản của công ty được hình thành từ khối nợ khổng lồ. Dòng tiền của HAGL trong hoạt động kinh doanh và đầu tư hao hụt đến mức âm hàng nghìn tỷ đồng.

Ảnh minh họa. 

Mặc dù ngập trong nợ nần, nhưng HAGL cũng cho các công ty con, công ty liên quan vay tín chấp 5.952 tỷ đồng, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng không xác định thu hồi vốn, thậm chí cho chính phủ Lào vay đầu tư xây dựng sân bay Attapeu mà không tính lãi.

Công nợ phải thu của HAGL trong năm 2020 tăng 5.222 tỷ đồng lên 7.673 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu 2.615 tỷ đồng là do công ty thanh lý tài sản cố định, bán chịu nay chưa thu được vốn. Cho vay ngắn hạn tới 4.186 tỷ đồng. Hầu hết các khoản cho vay, công nợ phải đòi của HAGL đều không chắc chắn, khả năng thu hồi khá thấp. Do đó, HAGL đã trích lập 1.330 tỷ đồng dự phòng rủi ro cho các khoản cho vay ngắn hạn và 1.190 tỷ đồng dự phòng rủi ro cho các khoản vay dài hạn.

Dễ vay hàng nghìn tỷ đồng, HAGL cũng dễ dàng đầu tư cho công ty con, mà xác định có thể mất trắng. Năm 2010, HAGL chi 17,8 tỷ đồng góp vốn đầu tư thành lập Công ty TNHH Hoàng Anh Gia Lai Vientiane. Sau 10 năm, công ty này vẫn hoạt động trên giấy tờ, chưa chính thức hoạt động. Số vốn gần 20 tỷ đồng này, HAGL coi như mất, đã trích lập dự phòng rủi ro 100% số vốn bỏ ra.

Ngay cả với Công ty CP Thể thao Hoàng Anh Gia Lai, HAGL cũng chấp nhận có thể mất trắng 59 tỷ đồng đầu tư bất kể lúc nào.

Sau nhiều thăng trầm, giữa đợt bão dịch Covid-19 thứ hai, vì những lý do khác nhau mà cả hai lại gặp lại ở một điểm chung: bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục và bị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đưa cổ phiếu vào diện kiểm soát.

Nguyên nhân do lỗ ròng năm 2020 gần 1.256 tỷ đồng, lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2020 hơn 6.302 tỷ đồng, đồng thời Công ty thực hiện điều chỉnh hồi tố số liệu năm 2018 và 2019 dẫn đến lỗ lũy kế hơn 4.766 tỷ đồng.

Liên quan đến việc điều chỉnh hồi tố khoản lỗ năm 2019, theo đó ghi nhận thêm lỗ 5.000 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (theo đó, tính đến ngày 31/12/2020, Công ty lỗ luỹ kế 6.302 tỷ đồng), Công ty cho biết dịch Covid-19 bùng phát làm cho các thông tin về rủi ro của thị trường nông sản và ngành nông nghiệp được biểu hiện rõ ràng hơn.

Ảnh internet. 

Ảnh internet. 

Vì vậy, Ban Tổng Giám đốc nhận thấy rằng các xét đoán về rủi ro trước đây chưa được đánh giá một cách thận trọng nhất, nên đã đưa ra quyết định điều chỉnh hồi tố BCTC kiểm toán của Công ty năm 2018 và 2019 bằng cách trích lập dự phòng cho các khoản phải thu tồn đọng nhằm giúp nâng cao tính minh bạch của BCTC.

Tính đến cuối năm 2020, HAG lỗ luỹ kế 6.302 tỷ đồng, và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn. Theo đó, kiểm toán nhấn mạnh ý kiến BCTC của Công ty tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.

Báo VnExpress thông tin, theo báo cáo tài chính bán niên của Hoàng Anh Gia Lai được lập với giả định công ty có thể sử dụng tài sản và thanh toán nợ phải trả trong tương lai gần, đồng nghĩa sớm dứt điểm khoản lỗ luỹ kế hơn 7.370 tỷ đồng. Các khoản lỗ này là hệ quả của việc một "ông lớn" bất động sản quyết định buông bỏ bất động sản, chuyển hướng làm nông nghiệp quy mô lớn vì khát khao tiên phong và tham vọng có vị thế hàng đầu không chỉ trong nước mà còn khu vực.

Năm 2016, năm đầu tiên báo công ty lỗ từ khi lên sàn chứng khoán, nợ phải trả lập đỉnh khi vượt mức 36.000 tỷ đồng. Có thời điểm cứ 100 đồng vốn thì 68 đồng hình thành từ vay ngân hàng, trái phiếu và tiền túi của chủ tịch. Gánh nặng trả lãi và gốc đến hạn nhiều lần dồn công ty đến chân tường. Hình ảnh trong mắt cổ đông và đối tác xấu xí dần khi ai nghĩ đến Hoàng Anh Gia Lai cũng chỉ nhớ về những khoản nợ chồng chất.

Các nghiệp vụ tài chính với Thaco đã cắt quyền sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai tại công ty nông nghiệp (HAGL Agrico), đồng thời giảm hơn 19.000 tỷ đồng giá trị tài sản và 14.000 tỷ đồng nợ vay. Các khoản nợ còn lại chủ yếu là vay dài hạn thông qua phát hành trái phiếu, vay ngân hàng và một ít từ những công ty liên quan để tái cấu trúc tài chính và tài trợ vườn cây ăn trái.
Khối nợ không đồ sộ như Hoàng Anh Gia Lai nhưng 5.600 tỷ đồng cũng đủ khiến Đức Long Gia Lai lao đao, bởi trong đó khoảng 1.800 tỷ đồng nợ đã quá hạn thanh toán. Cơ cấu nợ trên tài sản ngắn hạn cũng mất cân đối gần 250 tỷ đồng là yếu tố cộng thêm để đơn vị kiểm toán hoài nghi về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Danh sách chủ nợ của Đức Long Gia Lai là từ những ngân hàng lớn như BIDV, Sacombank, Agribank đến chi chít những khoản vay doanh nghiệp, cá nhân, mượn tiền, nợ lãi. Một số khoản vay còn được vợ chồng Chủ tịch Hội đồng quản trị Bùi Pháp đứng ra bảo lãnh bằng tài sản riêng.

Những khoản nợ ăn mòn phần lớn lợi nhuận Đức Long Gia Lai có được từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Đơn cử, nửa đầu năm nay, công ty lãi hơn 160 tỷ đồng sau khi trừ giá vốn bán hàng nhưng chi phí lãi vay lên trên 200 tỷ đồng. Dù vậy, kết quả kinh doanh vẫn không lỗ bởi nguồn thu từ việc cho một số tổ chức, cá nhân vay hơn 2.400 tỷ đồng mà không có tài sản đảm bảo hay bảo lãnh của bên thứ ba. Đơn vị kiểm toán lưu ý đây là rủi ro, nhưng ban lãnh đạo cho biết những giao dịch đều được cổ đông uỷ quyền cho Hội đồng quản trị quyết định và không có khoản nào trị giá hơn 35% tổng tài sản.

Đối diện với nghi ngờ của đơn vị kiểm toán, Đức Long Gia Lai và Hoàng Anh Gia Lai phản ứng ban đầu khá giống nhau khi cùng lên tiếng khẳng định tình hình kinh doanh ổn định và dòng tiền tạo ra trong tương lai có thể giải quyết vấn đề hiện tại. Trong văn bản giải trình gửi cơ quan quản lý thị trường và nhà đầu tư, Tổng giám đốc Đức Long Gia Lai Trần Cao Vân và Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai Võ Trường Sơn liệt kê những giải pháp xoay chuyển tình thế tương tự như lên lộ trình thoái vốn, thanh lý các khoản đầu tư kém hiệu quả, tập trung thu hồi nợ và đàm phán với bên cho vay về những điều khoản bị vi phạm.

Kế hoạch "thoát nợ" của 2 ông lớn Gia Lai

Theo chiến lược đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2023 cho diện tích đất còn lại của HNG là 35.757ha tại Lào (27.383ha) và phía Bắc Campuchia (8.374ha). HNG tập trung trồng trọt cây ăn trái (chuối, xoài, dứa) và xác định chăn nuôi bò sinh sản, nuôi bò thịt là lĩnh vực chiến lược của HNG để đảm bảo nền tảng sản xuất nông nghiệp hữu cơ được quản trị theo phương pháp công nghiệp, trong đó:

Về trồng trọt cây ăn trái: Tổng diện tích cây ăn trái đến 31/12/2020 là 13.200ha (trong đó chuối: 5.400ha, xoài 4.000ha, cây ăn trái khác 3.800ha). Kế hoạch trồng mới các cây ăn trái chủ lực đến năm 2023 là 9.700ha (trong đó chuối: 5.200ha, xoài 2.500ha, dứa: 2.000ha). Tổng diện tích vườn cây ăn trái đến hết năm 2023 là 21.800ha và 8.434ha cây cao su.

Về chăn nuôi bò: Tổ chức chăn nuôi bò sinh sản, bò nuôi thịt theo mô hình bán chăn thả và bò vỗ béo tập trung với tổng đàn đến năm 2023 là 110.000 con (trong đó bò sinh sản là 75.000 con, bò nuôi thịt và vỗ béo là 35.000 con).

HNG sẽ nghiên cứu chiến lược phát triển Nông - Lâm và Chăn nuôi tại Lào với quy mô lớn; hình thành Khu công nghiệp chuyên chế biến nông - lâm sản tại Nam Lào.

HNG cũng đưa ra tổng mức đầu tư cho năm 2021 là 1.900 tỷ đồng bao gồm 500 tỷ đồng cho trồng mới 1.000ha chuối tại Attapeu - Lào, 1.000ha xoài keo tại Rattarakiri – Campuchia; 450 tỷ đồng Đầu tư chuồng trại, đồng cỏ chăn thả nuôi 8.000 con bò sinh sản trong giai đoạn 1; đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất, đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất khoàng 950 tỷ đồng.

HNG dự kiến sản lượng trái cây năm 2021 dự kiến đạt 154.000 tấn và hơn 11.000 tấn mủ cao su. Doanh thu dự kiến năm 2021 là 2.109 tỷ đồng (trong đó doanh thu trái cây 1.766 tỷ đồng; mủ cao su 343 tỷ đồng. HNG cũng sẽ tập trung phát triển thị trường xuất khẩu trái cây, khai thác thị trường trong nước; Cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch ổn định chất lượng và sản lượng, từng bước khép kín chuỗi giá trị và khẳng định vị thế của HAGL Agrico. 

Trong khi đó, ban lãnh đạo Đức Long Gia Lai cho biết công ty vẫn kiên định với chiến lược trở thành tập đoàn đầu tư đa ngành trong 5 năm tới. Ngoài ngành nghề truyền thống, công ty thâm nhập sâu vào mảng năng lượng tái tạo, sản xuất linh kiện điện tử, đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản. Quy mô vốn có hạn nhưng công ty thể hiện tham vọng bành trướng với bốn dự án thuỷ điện, điện mặt trời; đầu tư hai nhà máy sản xuất linh kiện điện tử; phát triển các dự án chung cư kết hợp thương mai dịch vụ, sân golf, khách sạn 5 sao, khu công nghiệp, khu đô thị ở nhiều tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Theo Nguyễn Triệu/Doanh nhân Việt Nam