Khi doanh nghiệp nông nghiệp chọn bóng đá làm thương hiệu

14/10/2018 19:20

Nông nghiệp có điểm chung gì với bóng đá? Đó là quy trình và giá trị giống nhau. Nếu trái bóng là nông sản, người nông dân là cầu thủ, thì nhà máy và công ty chế biến xuất khẩu là tiền đạo và thị trường quốc tế chính là khung thanh đối thủ. Và cũng giống như các cầu thủ, người nông dân cũng  luôn khao khát ghi bàn vào khung thành thị trường quốc tế.

Đầu tháng 10/2018, trước thềm Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á AFF Cup 2018, người hâm mộ bóng đá Việt Nam bất ngờ biết tin có thêm một công ty truyền thông mua bản quyền phát sóng giải đấu này, ngoài Đài truyền hình Việt Nam VTV.

Đây là lần đầu tiên có 2 đơn vị cùng mua bản quyền phát sóng, trong đó VTV mua độc quyền phát sóng trên hạ tầng mặt đất miễn phí và truyền phát trên tất cả các hạ tầng khác, Công ty cổ phần Giải pháp truyền hình Thế hệ mới (Next Media) mua độc quyền và được phép phân phối lại trên truyền hình trả tiền (PayTV), truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số vệ tinh, IPTV (truyền hình giao thức IP), OTT (truyền hình Internet), truyền hình di động, mạng xã hội, các mạng di động, phát thanh.

Điều này tạo ra cơ hội để tất cả mọi người đều có thể thưởng thức các trận cầu sôi động và cổ vũ đội tuyển U23 Việt Nam từ bất kỳ phương tiện truyền thông nào.

Tại buổi lễ công bố chương trình “Sống cùng bóng đá – AFF Cup 2018” do Next Media và Công ty cổ phần Đầu tư Truyền thông Xanh (Green Communications) tổ chức sáng ngày 12/10, tên của doanh nghiệp tài trợ mua bản quyền đã được tiết lộ. Đó là Công ty cổ phần Lavifood.

Ông Đinh Hùng Dũng – Phó Tổng giám đốc Lavifood chụp hình lưu niện cùng đại diện đội tuyển bóng đá Việt Nam

Next Media đồng thời cho biết sẽ cung cấp miễn phí sóng AFF Cup cho các đơn vị có nhu cầu. Tuy nhiên, thông tin về số tiền tài trợ mua bản quyền AFF Cup 2018 không được chia sẻ.

Lavifood được giới thiệu là một trong những doanh nghiệp lớn tại Việt Nam với công suất 15.000 tấn thành phẩm/năm, hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu các mặt hàng nông sản như rau củ, trái cây. Các sản phẩm nổi bật của Lavifood bao gồm hoa quả đông lạnh, rau củ tươi và đông lạnh, các sản phẩm xay nhuyễn, nước ép và nước ép cô đặc.

Hồi giữa năm ngoái, Lavifood đã động thổ xây dựng nhà máy chế biến rau quả Tanifood trên khu đất 15ha và tổng số vốn đầu tư dự kiến gần 1700 tỷ đồng. Để chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho nhà máy, Lavifood đã liên kết với nhiều hộ nông dân Tây Ninh hình thành chuỗi giá trị rau quả, vùng nguyên liệu.

Tại sao một công ty nông nghiệp lại bỏ tiền mua bản quyền AFF Cup 2018, nếu không ngoài mục tiêu quảng cáo? Trả lời câu hỏi này, ông Đinh Hùng Dũng – Phó Tổng giám đốc Lavifood cho biết, thực tế, bóng đá có cùng giá trị cốt lõi với công ty. Đó là giá trị cộng đồng.

“Nếu trái bóng là nông sản, người nông dân là cầu thủ, thì nhà máy và công ty chế biến xuất khẩu là tiền đạo và thị trường quốc tế chính là khung thanh đối thủ. Và cũng giống như các cầu thủ, người nông dân cũng  luôn khao khát ghi bàn vào khung thành thị trường quốc tế. Nhưng lần này họ sẽ sút bóng với tâm thế khác. Chất lượng hơn, giàu khát khao hơn.” – ông Dũng ví von.

Theo phó Tổng giám đốc của Lavifood, nếu như trước đây người nông dân chỉ trồng trọt theo thói quen, thì giờ đây, với sự đào tạo về kiến thức, hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ của Lavifood, nông sản của những người nông dân đã được nâng cao cả về sản lượng lẫn tiêu chuẩn chất lượng. Do đó, họ không chỉ có thu nhập cao hơn, mà còn đưa nông sản của mình ra thị trường quốc tế với vị thế lớn hơn.

Chê biến Xoài xuất khẩu tại nnhà máy Lavifood

Về phía đơn vị truyền thông, ông Lê Thành – Chủ tịch HĐQT Green Communications cho biết: “Trong quá trình đồng hành cùng nông dân, chúng tôi hiểu họ cũng là những người đam mê bóng đá cuồng nhiệt. Rất nhiều các cầu thủ xuất sắc cũng xuất thân từ gia đình nông dân. Tuy nhiên, hiện tại chưa có nhiều sân chơi lớn, những ngày hồi bóng đá đúng nghĩa để họ được thỏa sức sống cùng đam mê bóng đá.”

Do đó, không dừng lại ở việc mua bản quyền và cho tiếp sóng miễn phí, liên danh Next Media, Green Communications và Lavifood tổ chức chương trình “Sống cùng bóng đá – AFF Cup 2018” – là chuỗi hoạt động truyền thông rộng rãi bao gồm sự kiện, truyền hình, báo chí, mạng xã hội… để kết nối người hâm mộ trên khắp mọi miền đất nước. Sở dĩ những doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền mua bản quyền AFF Suzuki Cup 2018 là nhằm tổ chức một chuỗi hoạt động truyền thông rộng rãi trên tất cả các nền tảng gồm sự kiện, truyền hình, báo chí, mạng xã hội... nhằm kết nối người hâm mộ trên khắp mọi miền đất nước cổ vũ đội tuyển bóng đá Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2018.

Chương trình sẽ được triển khai trên 3 nhóm hoạt động chính. Một là các chương trình truyền hình trên các kênh phát sóng chính. Chương trình cũng sẽ đi về các vùng quê, phản ánh không khí “sống cùng bóng đá” thông qua những câu chuyện, lời kể của người hâm mộ về tình yêu của họ với bóng đá, với đội tuyển Việt Nam.

Nhóm hoạt động thứ hai xuyên suốt chương trình là 20 sự kiện chiếu bóng đá tập thể tại 8 tỉnh thành cả nước, với các hoạt động văn hoá - giải trí sôi động xoay quanh trái bóng, quy tụ hàng trăm ngàn người tham gia. Bên cạnh những điểm chiếu bóng đá công cộng tại các đô thị lớn, chương trình cũng sẽ tổ chức các điểm chiếu công cộng tại các vùng nông thôn, mỗi điểm có quy mô khoảng 8.000 đến 10.000 người xem.

Chương trình cũng gây quỹ để tổ chức hoạt động chung tay hỗ trợ các vận động viên thành tích cao có hoàn cảnh khó khăn, không may gặp tai nạn khi thi đấu, gặp khó khăn trong cuộc sống, giúp đỡ gia đình các vận động viên. Hiện đã có một số doanh nghiệp đăng ký tài trợ gây quỹ để hỗ trợ vận động viên thể thao.

Như vậy, sau cú bất ngờ lần đầu tiên có 2 đơn vị mua bản quyền AFF Cup thì người hâm mộ lại được biết đến lần đầu tiên có 3 đơn vị tư nhân liên kết cùng nhau đưa bản quyền truyền hình bóng đá đến gần hơn với mọi người dân.

Cao Minh