Có thể thấy, khi Lưu Bị còn sống, sự nghiệp của Gia Cát Lượng vô cùng suôn sẻ. Nhưng rồi, bước ngoặt xảy ra sau cái chết của Lưu Bị và Lưu Thiện lên làm hoàng đế.
Thời kỳ Tam Quốc có thể nói là dòng chảy bất tận của những anh hùng hào kiệt mà trong đó người nổi tiếng nhất phải kể đến có lẽ là Gia Cát Lượng. Nhìn từ giai đoạn lịch sử Tam Quốc hào hùng, Gia Cát Lượng có thể nói là người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, vượt qua mọi yếu tố thời gian để vang danh tới tận ngày hôm nay.
Lượng là người có công lớn trong việc thành lập nên Thục Hán và giúp Lưu Bị giành được 1/3 thiên hạ, cạnh tranh với Tào Tháo và Tôn Quyền. Trong suốt cuộc đời của Gia Cát Lượng, cái chết của Lưu Bị có lẽ là bước ngoặt lớn nhất. Khi Lưu Bị còn sống, tập đoàn họ Lưu có thể nói là bất khả chiến bại, nhưng sau khi Lưu Bị chết, các cuộc chinh chiến của Gia Cát Lượng lại liên tục kết thúc trong thất bại, rốt cuộc là vì sao?
Gia Cát Lượng ban đầu ẩn cư trong núi, Lưu Bị đã phải đến Long Trung ba lần mới có thể mời được Lượng xuống núi. Sau khi Gia Cát Lượng xuống núi, Lưu Bị vì không nghe theo Gia Cát Lượng tấn công Kinh Châu mà cuối cùng đã bị Tào Tháo đánh bại. Gia Cát Lượng không tính toán chuyện cũ, thuyết phục Lưu Bị tìm đến sự giúp đỡ của Tôn Quyền, còn đích thân đi thuyết phục và đã thành công trong việc thúc đẩy liên mình Tôn Lưu chống lại Tào Tháo.
Theo đó, liên minh Tôn Lưu và Tào Tháo đã đánh với nhau một trận rất hay, chính là trận Xích Bích rất nổi tiếng trong lịch sử. Sau trận chiến này, Tào Tháo bị tổn thương nặng nề, Lưu Bị nhân cơ hội chiếm lấy Kinh Châu, tạo cho mình một chỗ đứng trong thời loạn thế, kiếm được một "khoản vốn" để cân bằng thế lực với Tào Tháo và Tôn Quyền.
Năm 211 sau Công nguyên, Lưu Chương ở Ích Châu nghe theo lời của Trương Tùng cử người mời Lưu Bị đem quân tới để bảo vệ Ích Châu. Gia Cát Lượng nhận thấy rằng đây là một cơ hội hiếm có để tấn công Ích Châu, vì vậy đã thuyết phục Lưu Bị chấp nhận lời thỉnh cầu của Lưu Chương. Lưu Bị liền đích thân đưa quân đến Ích Châu. Mặc dù Lưu Chương sau đó phát hiện ra có điều gì đó không ổn, nhưng, đã quá muộn, Lưu Bị đã nắm lấy cơ hội và chiếm được Ích Châu. Gia Cát Lượng vì có công lớn trong việc giúp đỡ Lưu Bị đoạt được Kinh Châu và Ích Châu, nên được Lưu Bị phong làm quân sư tướng quân.
Không lâu sau, Tào Tháo dẫn quân xâm chiếm vùng Hán Trung, Lưu Bị và Tào Tháo giằng co không dứt, Gia Cát Lượng đem quân yểm trợ, cuối cùng đánh bại Tào Tháo, giúp Thục Hán giành thắng lợi. Năm 221 sau Công nguyên, Lưu Bị chính thức thành lập đế chế Thục Hán, phong Gia Cát Lượng làm thừa tướng, để ông "chủ trì" các vấn đề chính trị của Thục.
Có thể thấy, khi Lưu Bị còn sống, sự nghiệp của Gia Cát Lượng vô cùng suôn sẻ. Nhưng rồi, bước ngoặt xảy ra sau cái chết của Lưu Bị và Lưu Thiện lên làm hoàng đế.
Sau khi Lưu Bị chết, quyền triều chính giao lại cho Gia Cát Lượng, quyền lực quân sự giao lại cho Lý Nghiêm, hy vọng hai người họ có thể cùng nhau hỗ trợ cho Lưu Thiện, bảo vệ giang sơn đất Thục.
Tuy nhiên, Lưu Thiện lại là một người yếu đuối và bất tài, không có khả năng cai trị cả một đất nước. Vì không muốn phụ sự kì vọng của Lưu Bị trước khi chết, Gia Cát Lượng khi đó việc gì cũng đích thân giải quyết, có thể nói là toàn tâm toàn ý giúp đỡ Lưu Thiện, nhưng vì tuổi tác và mệt mỏi quá độ, nên sức khỏe của Lượng cũng ngày một yếu đi.
Sau đó, để củng cố hơn nữa sự thống trị của Thục Hán, duy trì cục diện lớn mạnh khi đó mà Gia Cát Lượng đã liên tiếp 5 lần phát động Bắc phạt, nhưng, ông trời không chiều lòng người, nhiều lần Bắc phạt, Gia Cát Lượng đều không đạt đươc mục tiêu của mình, thậm chí còn có thể nói là kết thúc trong thất bại.
Lần đầu tiên, quân Tào phái tướng Trương Cáp đến nghênh chiến, Gia Cát Lượng vì dùng nhầm người không có kinh nghiệm chiến đấu nơi xa trường là Mã Tắc mà đã khiến Nhai Đình thất thủ, triển khai chiến lược của Gia Cát Lượng cũng bị phá vỡ hoàn toàn. Cuộc Bắc phạt đầu tiên cứ vậy mà thất bại.
Lần thứ hai, Gia Cát Lượng cử một đội quân hùng mạnh đánh vào Trần Thương, Ngụy Minh đế một lần nữa phái Trương Cáp dẫn 30.000 binh sĩ và hai tiểu đoàn dũng sỹ đến Trần Thương nghênh chiến quân Thục. Vị Trương Cáp tướng quân này cũng là một danh tướng nổi tiếng trí dũng song toàn, Gia Cát Lượng luôn xem Trương Cáp là một đối thủ mạnh.
Khi nghe tin Ngụy cử Trương Cáp nghênh chiến, Lượng có dự cảm không lành, hơn nữa lượng lương thảo hiện có của quân Thục không đủ để các binh sỹ có thể chiến đấu lâu dài, vì vậy lần Bắc phạt thứ hai cũng là chưa đánh đã rút.
Lần thứ ba, bề ngoài thì có vẻ như Gia Cát Lượng đã giành lại được hai quận Thành Đô và Âm Bình, nhưng thực tế hai quận này không thuộc lãnh thổ Ngụy quốc, chúng được cai quản bởi các dân tộc thiểu số, vì vậy cuộc Bắc phạt lần thứ ba cũng chỉ là thêm hai quận dân tộc thiểu số lên bản đồ lãnh thổ, không tạo ra một đòn giáng đáng kể nào lên nước Ngụy.
Lần thứ tư, đáng lẽ là một cơ hội tốt để giành được chiến thắng lớn, nhưng một lần nữa lại bởi vì đồng đội mà đã bỏ lỡ. Khi đó, Ngụy quốc phái Tư Mã Ý làm chủ soái, nhưng Tư Mã Ý vì chuẩn bị không tốt và quá vội vàng nên đã bị Gia Cát Lượng đánh bại, Tư Mã Ý sợ hãi trốn trong trại, không dám xuất quân.
Nếu Gia Cát Lượng có thể nắm bắt cơ hội hiếm có này mà tiếp tục truy kích, Lượng rất có thể sẽ thực hiện được mục tiêu chiếm được Trung Nguyên ở lần đánh này.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, người chịu trách nhiệm vận chuyển lương thực là Lý Nghiêm. Lý Nghiêm và Gia Cát Lượng trước giờ không hợp, hơn nữa người này lòng dạ bất chính, là việc không sắc bén, không kịp thời chuyển lương thực đến doanh trại, còn phái người yêu cầu Gia Cát Lượng lui binh, Gia Cát Lượng vì bỏ lỡ mất thời cơ nên đành bất lực tán binh.
Gia Cát Lượng chưa bao giờ có ý định từ bỏ Bắc phạt. Không lâu sau đó, ông đã đưa quân lên Bắc lần thứ năm. Không ngờ trận đánh này lại trở thành trận đánh cuối cùng trong cuộc đời sự nghiệp của Lượng, vì bệnh tật và mệt mỏi mà Gia Cát Lượng đã qua đời, thừa tướng đã mất, quân Thục chỉ còn cách rút lui.
Vì vậy, sau khi Lưu Bị chết, Gia Cát Lượng nhiều lần thất bại, các yếu tố bất lợi thực ra cũng rất phức tạp và đa dạng. Chẳng hạn như, đối thủ của Thục cũng rất mạnh, hay vận may không tìm đến… nhưng lý do quan trọng nhất có lẽ là bởi Lưu Thiện bất tài, bao bọc gian thần, luôn nghi ngờ và không hoàn toàn tin tưởng Gia Cát Lượng. Cộng thêm với việc Gia Cát Lượng đích thân đi chiến đấu, nhưng lại không có đội hậu phương vững chắc và đáng tin cậy, dùng người sai lầm, trước là Mã Tắc, sau là Lý Nghiêm, một người chỉ biết nghĩ đến lợi ích cá nhân nên cuối cùng không thuận lợi, tuột mất cơ hội ngàn năm có một, dẫn đến thất bại không chỉ của Gia Cát Lượng mà của cả nước Thục.
Như Quỳnh
Theo Trí Thức Trẻ