Hầu hết các ông bầu bóng đá tại Việt Nam đều tuyên bố đầu tư bóng đá không vì lợi nhuận, thậm chí là chịu thua lỗ. Tuy nhiên, việc niêm yết cổ phiếu các CLB bóng đá cũng là một cách kêu gọi vốn đầu tư như cách các ông chủ người Mỹ, châu Âu đã và đang làm.
Niêm yết Manchester United - 'thủ đoạn' thoát nợ của ông chủ Glazer
Đầu mùa giải 2012/13, một sự kiện lớn được giới hâm mộ bóng đá toàn cầu quan tâm, đó là việc CLB Manchester United (MU) niêm yết cổ phiếu trên Sàn Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) dưới mã MANU. Đây cũng là bước chân đầu tiên của MU trong việc khơi nguồn đầu tư từ thị trường hải ngoại.
Quyết định này là sự thay đổi chóng mặt của tỷ phú Malcolm Glazer, người sở hữu Manchester United (đã qua đời năm 2014), bởi ông đã hủy niêm yết trên sàn London ngay sau khi mua lại đội bóng này vào năm 2005.
Quả thật, MU (đội bóng có biệt danh là Red Devils - 'Quỷ đỏ') không hổ danh là một trong những CLB giàu có nhất thế giới trong suốt những năm qua.
Khi cổ phiếu MU lên sàn ở New York, mức giá họ kỳ vọng thu về khoảng từ 16-20 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau ngày phát hành đầu tiên, lãnh đạo MU đã phải thất vọng khi giá kịch trần chỉ đạt 14 USD/cổ phiếu. Và những bộ óc ở MU đã làm gì để vực giá cổ phiếu của mình? Họ sử dụng thứ "cổ truyền" của thị trường. Đó là tin đồn.
Sau khi IPO thất bại ngày 10/8/2012, với mức giá thấp hơn từ 2-6 USD so với dự báo ban đầu, nhà Glazer buộc lòng phải chuyển sang phương án B. Trước hết, họ xúc tiến công bố những bản giao kèo rình rang cùng hãng xe nổi tiếng Chevrolet và hãng cá cược hàng đầu thế giới Bwin. Chưa dừng lại ở đó, những ông chủ người Mỹ còn nêu ra ý tưởng điên rồ là bán tên sân Old Trafford nhằm thu về 1 tỷ USD lợi nhuận hòng củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, phản ứng trên thị trường chứng khoán chẳng hề sáng sủa. Cổ phiếu MU liên tục mất giá, đồng nghĩa với khoản thâm hụt khổng lồ mà "Quỷ đỏ" phải gánh chịu trong dự toán trả nợ ngân hàng. Trước tình hình này, cha con Glazer đã tính tới những bước đi tích cực hơn trên sân cỏ. Việc lựa chọn một ngôi sao vốn khoác áo đại kình địch chính là thông điệp mà các ông chủ tại Old Trafford muốn chuyển tới các nhà đầu tư rằng chúng tôi đủ sức làm những điều tưởng như không thể.
MU đưa thông tin họ sẽ mua Van Persie - "vua" phá lưới Premier League 2011/12 của Arsenal và chỉ cần thông tin này được lan ra thôi, giá cổ phiếu MU đã tăng đụng trần 15,27 USD/cổ phiếu. Dù vậy, ngay sau khi có được Van Persie, các nhà đầu tư lại chứng kiến giá cổ phiếu MU rơi xuống ngưỡng 13 USD/cổ phiếu.
Phát biểu trước các cổ đông hồi tháng 11/2018, Phó Chủ tịch Ed Woodward khẳng định đội bóng vẫn sở hữu tiềm lực tài chính đủ mạnh để thu hút những cầu thủ xuất sắc nhất hành tinh: "Tiềm lực tài chính mạnh mẽ cho phép MU tiếp tục thu hút và giữ chân những ngôi sao hàng đầu, cùng với đó là tăng cường đầu tư vào học viện".
Ông Ed Woodward khẳng định MU đang trên đà tạo ra doanh thu kỷ lục cho niên độ tài chính 2018/19. MU dự đoán CLB sẽ đạt mức doanh thu kỷ lục từ 615 triệu bảng đến 630 triệu bảng trong năm nay.
Mùa giải 2017/18, doanh thu của MU đã tăng 12,3%, đạt mức 590 triệu bảng. So với báo cáo tài chính ở mùa giải trước nữa, doanh thu của Man United tăng 32,4 triệu bảng. Đội bóng chủ sân Old Trafford thu về 44,1 triệu bảng lợi nhuận trước thuế mùa giải 2017/18.
MU được nhà Glazer mua đứt bằng tiền đi vay nợ và gán chính khoản nợ này lên đội bóng, hay còn gọi là hình thức LBO (Leveraged Buyout). Glazer đã phải vay khoản nợ lên tới 850 triệu USD với lãi suất cao để mua được Manchester United. Các ông chủ mang họ Glazer đã phải tìm mọi cách để duy trì sức cạnh tranh cho MU, bao gồm cả việc liên tục mang về các ngôi sao.
Đội bóng giành càng nhiều danh hiệu thì doanh thu sẽ càng được cải thiện và nhà Glazer sẽ càng có nhiều tiền để trả lãi vay (và cả một phần nợ gốc). Ngoài ra, MU thi đấu càng tốt trên sân cỏ thì giá cổ phiếu sẽ càng tăng mạnh, nghĩa là việc chuyển nhượng lại CLB của nhà Glazer (có thể diễn ra trong tương lai) càng được giá.
Sau hơn 6 năm niêm yết trên thị trường chứng khoán, giá trị của MU chứng kiến sự tăng trưởng về giá trị, lớn hơn so với mức giá 1,34 tỷ USD - giá mà tỷ phú Mỹ đề nghị mua đứt CLB này. Hồi tháng 8/2018, giá cổ phiếu của MU tăng trưởng mạnh đẩy giá trị của CLB vượt ngưỡng 4,8 tỷ USD, biến "Quỷ đỏ" thành CLB có giá trị nhất làng thể thao theo định giá của tạp chí Forbes.
Hiện cổ phiếu của MU đang giao dịch quanh ngưỡng 19 USD, với giá trị thị trường của CLB này đạt 3,17 tỷ USD. Không còn tranh cãi, quay trở lại thị trường chứng khoán là một quyết định rất khôn ngoan của Glazer.
Khi nào Việt Nam có CLB bóng đá niêm yết cổ phiếu?
Cổ phiếu của các câu lạc bộ bóng đá bắt đầu có mặt trên thị trường chứng khoán từ những năm đầu thập niên 1990. Ngoài Manchester United, những câu lạc bộ đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán là Chelsea, Leeds United, Liverpool… Tuy nhiên, để có thể phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO), các câu lạc bộ cần cả một bước dài và tài sản lớn để chuẩn bị.
Một trong những thế mạnh đầu tiên mà các câu lạc bộ cần có là sở hữu riêng những sân bóng đá như một tài sản đảm bảo, cũng là địa điểm chủ yếu để sinh hoạt, luyện tập giao đấu. Câu lạc bộ Manchester United sở hữu sân vận động Old Trafford lớn thứ hai nước Anh, sau sân vận động quốc gia Wembley.
Hệ thống tìm kiếm tài năng trẻ và đào tạo cầu thủ trẻ tốt là một thế mạnh mà các câu lạc bộ có để thể hiện đẳng cấp. MU có trung tâm này từ 1930, đã đào tạo nhiều cầu thủ xuất sắc như Duncan Edwards, Bobby Charlton, Ryan Giggs, David Beckham, Paul Scholes...
Tài chính có được từ những giải đấu cũng như từ các nhà tài trợ và người đỡ đầu góp vốn giúp cho câu lạc bộ hoạt động, duy trì và phát triển. Ngoài ra là nguồn tiền đến từ những hợp đồng quảng cáo độc quyền, tài trợ lâu dài của các thương hiệu liên quan đến thể thao.
Và hơn hết, không chỉ cầu thủ, cơ sở vật chất... fan hâm mộ cũng là yếu tố làm tăng giá trị cổ phiếu của nhiều đội bóng.
Tại Việt Nam, nhiều 'ông bầu' đứng sau các CLB đều là ông chủ của những tập đoàn tư nhân lớn mạnh, sở hữu khối tài sản lớn trên thị trường chứng khoán.
2018 là năm có nhiều dấu mốc quan trọng với ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Tập đòa Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG), người thành lập Học viện bóng đá đầu tiên của Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai - JMG.
Bóng đá Việt Nam đang trong thời gian thăng hoa bậc nhất. Những cầu thủ toả sáng trong các trận đấu vừa qua như Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Văn Thanh... chính là các "hạt mầm" được bầu Đức ươm trồng từ Học viện bóng đá của HAGL.
Chính ông bầu đội bóng phố núi cũng là người đã phát hiện và đích thân mới HLV người Hàn Quốc Park Hang Seo về Việt Nam - vị huấn luyện viên Hàn Quốc đã góp phần tạo ra một thế hệ bóng đá Việt mới.
10 năm trước, người đứng đầu Hoàng Anh Gia Lai đưa cổ phiếu doanh nghiệp niêm yết trên sàn Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) vào ngày 22/12/2008. Thời điểm đó, bầu Đức là một trong những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Hiện, ông chủ đội bóng Hoàng Anh Gia Lai đang ở vị trí thứ 56 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt, với khối tài sản ước tính hơn 3.257 tỷ đồng.
Cùng thủ môn Bùi Tiến Dũng, Quang Hải là cái tên sáng trong thành công của đội tuyển U23 Việt Nam vừa qua. Cầu thủ gốc Hà Nội trưởng thành từ lò đào tạo của CLB bóng đá Hà Nội, và đang thi đấu cho đội bóng thủ đô, nơi ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) là Chủ tịch.
Nắm trong tay hàng loạt doanh nghiệp nhưng nổi bật nhất trong hệ sinh thái của bầu Hiển chính là Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và Tập đoàn T&T.
Năm 2017, với sự khởi sắc của ngành ngân hàng, SHB - ngân hàng bầu Hiển là cổ đông lớn nhất thông qua Tập đoàn T&T, đồng thời là Chủ tịch, đã thu về khoản lãi thuần tăng tới 18%, đạt hơn 4.964 tỷ đồng. Tính đến hết quý III/2018, ngân hàng này có tổng tài sản xấp xỉ 299.700 tỷ đồng.
Nắm giữ hơn 33 triệu cổ phiếu SHB, bầu Hiển hiện đang sở hữu khối tài sản hơn 230 tỷ đồng trên sàn chứng khoán. Chưa kể, với T&T group, sau 25 năm thành lập, tổng tài sản của Tập đoàn T&T Group đạt hơn 35.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng.
Ngoài những ông bầu kỳ cựu, bóng đá Việt Nam cũng đang xuất hiện thêm những ông bầu trẻ.
Không thường xuyên hiện diện truyền thông với vai trò là ông bầu bóng đá như bầu Đức, bầu Hiển... nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup được trang Goal thống kê là ông bầu giàu châu Á đang đầu tư vào lĩnh vực bóng đá.
Tuy có sự khác biệt so với những ông chủ đội bóng khác, tỷ phú gốc Hà Tĩnh không đầu tư vào một CLB cụ thể, mà lại quyết định dồn lực đầu tư phát triển bóng đá trẻ ở Việt Nam thông qua việc xây dựng trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF.
Hầu hết các ông bầu bóng đá tại Việt Nam đều tuyên bố đầu tư bóng đá không vì lợi nhuận, thậm chí là chịu thua lỗ. Tuy nhiên, việc niêm yết cổ phiếu các CLB bóng đá cũng là một cách kêu gọi vốn đầu tư như cách các ông chủ người Mỹ, châu Âu đã và đang làm.
Bầu Hiển - ông chủ CLB bóng đá Hà Nội từng tuyên bố kế hoạch rót 250 triệu Euro để xây dựng lại sân vận động Hàng Đẫy trở thành sân bóng tầm cỡ quốc tế và mong muốn phát triển bóng đá chuyên nghiệp, phát triển câu lạc bộ như một doanh nghiệp, tập đoàn.
Trong tương lai không xa, rất có thể, doanh nghiệp bóng đá của bầu Hiển sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.