Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Khi Shark Tank thành "xác tan"

21/11/2019 13:00

“Thương vụ bạc tỷ” (Shark Tank) là chương trình truyền hình thực tế được đánh giá là truyền cảm hứng tốt cho cộng khởi nghiệp. Tuy nhiên qua 3 mùa phát sóng, một số nhà đầu tư khách mời (cá mập) đã liên tiếp dính phải những bê bối từ kinh doanh đến truyền thông. Nhiều người gần đây đã gọi đùa Shark Tank thành "xác tan", khiến giá trị truyền cảm hứng đang bị “sứt mẻ” không ít.

Giá trị truyền cảm hứng của chương trình "Thương vụ bạc tỷ" có thể bị ảnh hưởng bởi những sự cố kinh doanh của các nhà đầu tư khách mời. Ảnh: Fanpage Shark Tank Việt Nam
Giá trị truyền cảm hứng của chương trình "Thương vụ bạc tỷ" có thể bị ảnh hưởng bởi những sự cố kinh doanh của các nhà đầu tư khách mời. Ảnh: Fanpage Shark Tank Việt Nam)

Mới đây nhà đầu tư Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) đang vấp phải khủng hoảng truyền thông về những phát ngôn được cho là đáp trả dư luận xoay quanh vấn chuyện kinh doanh nước sạch của doanh nghiệp mình. Sự việc xảy ra không lâu sau khi một “cá mập” khác là ông Nguyễn Văn Tam phải rời chương trình vì những sự cố liên quan đến hoạt đông kinh doanh. Câu hỏi về giá trị truyền cảm hứng mà gameshow này theo đuổi một lần nữa được đặt ra.

Liên tiếp bị tổn thương vì “cá mập”

Thương vụ bạc tỷ được coi là một gameshow truyền cảm hứng hàng đầu trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên từ việc truyền cảm hứng của các “cá mập” trên truyền hình và những bê bối kinh doanh ở thực tế của họ đang khiến giá trị tích cực của chương trình bị tổn thương.

Đi qua 3 mùa phát sóng thì chương trình đã phải 2 lần thay đổi nhà đầu tư một cách bất đắc dĩ vì những lùm xùm đến chuyện kinh doanh thực tế của họ. Ở thời điểm khởi động mùa 1, doanh nhân Hoàng Khải với thương hiệu Khaisilk phải rút lui liên quan đến việc gian lận xuất xứ hàng hóa. Nhà đài dừng phát sóng toàn bộ phần ghi hình liên quan đến doanh nhân này.

Sau những lùm xùm, Bộ Công Thương sau đó đã có kết luận, Công ty Khải Đức - hạt nhân chính trong hệ sinh thái Tập đoàn Khải Silk có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật đối với cáo buộc bán hàng giả về chất lượng, sai phạm trong quản lý thuế và quản lý hóa đơn và vi phạm các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa, có dấu hiệu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng.

Căn cứ kết luận kiểm tra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyển hồ sơ, vật chứng cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Đến ngày 14-12-2017, doanh nhân Hoàng Khải đã thôi chức vụ người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Khải Đức, dù vẫn nắm 99% vốn, tương được 46,135 tỉ đồng vốn góp tại đây.

Bước vào mùa 3, chương trình cũng đi vào “vết xe đổ” như mùa 1 khi "cá mập” Phạm Văn Tam, Chủ tịch Tập đoàn Asanzo Việt Nam dính rắc rối.

Cuối tháng 10-2019 vừa qua, ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - cho biết Asanzo có nhiều vi phạm, trong đó nổi bật như lừa dối người tiêu dùng, vi phạm về xuất xứ hàng hóa, trốn thuế… Nhà sản xuất chương trình cũng đã loại bỏ tất cả các phần ghi hình liên quan đến nhà đầu tư này.

Gần đây, khi chương trình này vừa đóng máy mùa 3 thì Shark Liên lại gặp phải khủng hoảng truyền thông vì những phát ngôn của mình. Ở Shark Tank, bà Liên là một “cá mập” gây ấn tượng mạnh với cộng đồng khởi nghiệp bởi những thông điệp truyền cảm hứng mang tính nhân văn.

Tuy nhiên những phát ngôn được cho là đáp trả dư luận sau thông tin lùm xùm xoay quanh hoạt động kinh doanh nước sạch của Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống mà bà Liên làm tổng giám đốc đang mâu thuẫn với  những thông điệp định hướng kinh doanh trên sóng của nhà đầu tư này. Không lâu sau khi vụ lùm xùm xảy ra bà Liên cũng đã rời ghế Tổng giám đốc Công ty Nước mặt Sông Đuống.

Nhìn lại 3 mùa phát sóng của chương trình, có thể nhận thấy mức độ rủi ro trong kinh doanh là khôn lường nên những rắc rối ở thực tế đang gây anh hưởng không nhỏ đến giá trị mà chương trình theo đuổi. Nếu các sự cố này không kiểm soát được không chỉ khiến khán giả, startup bị tổn thương mà Shark Tank cũng là sân chơi nguy hiểm đối với một số nhà đầu tư.

Đánh cược với giá trị truyền cảm hứng

Ngồi vào vị trí “ghế nóng” của một chương trình truyền hình nhất là Shark Tank thì vị thế của họ đáng được khán giả lẫn người chơi “ngưỡng vọng”. Thông điệp các nhà đầu tư này đưa ra cũng rất dễ truyền cảm hứng khi quy chiếu lại giá trị thành công của họ trên thực tế.

Tuy nhiên ở một “chương trình truyền hình” khán giả cũng phải đặt cầu hỏi về mức độ “thực tế” tới đâu. Khi những thông điệp truyền động lực trên sóng mâu thuẫn với tình hình kinh doanh thực tại thì dù ít hay nhiều thì giá trị tích cực của chương trình cũng giảm dần.

Chương trình thực tế thì mức độ rủi ro rất cao vì ranh giới giữa gameshow và thực tế rất mong manh. Ảnh: Fanpage Shark Tank Việt Nam

Không lâu sau, bê bối nguồn gốc xuất xứ sản phẩm bị phát giác, có vẻ như Khaisilk đã đi chệch hướng so với chính những triết lý của ông Khải muốn truyền tải đến các starup trên Shark Tank. Thương hiệu Khaisilk bây giờ vẫn được dùng để minh họa cho những vụ sai phạm về nguồn gốc hàng hóa.

Giai đoạn khởi động mùa 1 rất nhiều khán giả còn nhớ đến thông điệp của Shark Khải là “Tôi kinh doanh với một tấm lòng trung thực và theo suy nghĩ của riêng tôi thì lòng đố kỵ sẽ phải gục ngã trước sự trung thực”. Hay “Trong kinh doanh đôi khi không được tham… Và vì sao không được tham? Là vì không bao giờ nên lấy những mục tiêu ngắn hạn mà làm sao nhãng đi những mục tiêu dài hạn”.

Đối với Shark Tam, ông vẫn chưa kịp đưa ra thông điệp cụ thể nào trên sóng, nhưng việc đối mặt với khủng hoảng nguồn gốc xuất xứ hàng hóa ngay trước thềm Shark Tank mùa 3 phần nào khiến niềm tin của cộng đồng khởi nghiệp với chương trình này phần nào bị sứt mẻ.

Hay với Shark Liên, sự cố liên quan đến chuyện kinh doanh thực tế chưa thực sự nghiêm trọng hoặc rõ ràng. Nhưng sự cố về truyền thông bởi những phát ngôn của mình đang được “liên hệ so sánh” với các thông điệp nhân văn  như là mà “cá mập” này từng đưa ra.

Trong đó, thông điệp “Kinh doanh với một trái tim nhân ái và không màng lợi nhuận” được liên hệ với phát ngôn đáp trả dư luận “Không thể đi đến đích nếu cứ ném đá vào những con chó dọc đường vì những tiếng sủa của chúng”. Dù ở hai bối cảnh khác nhau nhưng cũng dễ dàng nhận thấy ranh giới giữa gameshow và thực tế là hết sức mong manh dễ gây ra khủng hoảng về niềm tin.

Theo một chuyên gia về sản xuất chương trình truyền hình thì lợi ích thu về cao thì phải chấp nhận rủi ro cao. Chương trình thực tế thì rủi ro càng cao nữa vì ranh giới giữa gameshow và thực tế rất mong manh. Nhà tổ chức nhiều khi phải đánh cược giá trị của chương trình vào khách mời mà họ lựa chọn. Và những sự cố liên tiếp gần đây của Shark Tank chắc chắn gây tổn thương cho chính giá trị mà chương trình này theo đuổi.

“Sự tổn thương này không chỉ dừng lại ở việc làm sứt mẻ giá trị truyền cảm hứng của chương trình, tổn thương vào lòng tin của cộng đồng startup mà chính uy tín của từng cá nhân “trong bể cá mập” cũng bị liên lụy. Vấn đề là nhà tổ chức họ có chấp nhận được mức độ rủi ro này để đi dài hơi hay không. Đây cũng là một bài học cho tiêu chí lựa chọn khách mời đầu tư của nhà sản xuất”, vị này cho biết.

VD
The Saigon Times

Links: https://www.thesaigontimes.vn/td/297151/khi-shark-tank-thanh-xac-tan.html

Bạn đang đọc bài viết "Khi Shark Tank thành "xác tan"" tại chuyên mục Doanh nhân.