Đi làm cùng lúc 2 công ty khi mới là sinh viên năm nhất, bắt đầu kinh doanh từ tay trắng, chạm ngưỡng thành công khi mới ngoài 20 tuổi, rồi mất tất cả, rồi làm lại từ đầu. Nay ở tuổi 25, cô kỹ sư tin học Trần Thị Huế đang lên kế hoạch nghỉ hưu lúc... 30 tuổi.
Trần Thị Huế (trái) và một khách hàng tại showroom Hoa Thơm Cỏ Lạ |
Huế là nhà đồng sáng lập, Giám đốc Chiến lược Công ty CP Thương mại - Đầu tư VELA - một doanh nghiệp với giá trị cốt lõi là tinh dầu, gồm VELÁ chuyên nghiên cứu, sản xuất sản phẩm tiêu dùng từ thiên nhiên, THOM chuyên sản xuất và phân phối tinh dầu, Hoa Thơm Cỏ Lạ - hệ thống phân phối, bán lẻ tinh dầu từ thiên nhiên.
Huế còn là nhà sáng lập, giám đốc điều hành một công ty công nghệ chuyên cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhà sáng lập chương trình phi chính phủ Khởi sự doanh nghiệp dành cho startup. Bên cạnh đó, Huế còn tham gia đứng lớp để chia sẻ về chiến lược kinh doanh tại nhiều trường đại học.
Từ sản phẩm công nghệ đến sản phẩm vật lý
Khi mới là sinh viên năm nhất ngành kỹ thuật phần mềm, Huế đã đi làm cùng lúc 2 công ty về công nghệ và đào tạo - tư vấn doanh nghiệp. Nhờ quá trình cọ xát thực tế này, Huế tích lũy được nhiều kiến thức về quản trị doanh nghiệp cũng như cách ứng dụng công nghệ vào việc điều hành công ty.
Sau đó, Huế cùng 2 cộng sự thành lập một nhóm chuyên tư vấn hỗ trợ tái cấu trúc các công ty có "tuổi đời" 3 - 5 năm đang gặp vấn đề về doanh số. Đến năm thứ ba đại học, Huế tách ra để thành lập công ty công nghệ, chuyên về phần mềm cho startup và công ty nhỏ, chưa mạnh về nguồn lực tài chính.
Khi công ty riêng hoạt động ổn định, Huế lại muốn thử thách bản thân với một ngành phi công nghệ, với mong muốn tạo ra một loại sản phẩm vật lý. Giữa năm 2017, cùng 2 nhà đồng sáng lập khác, Huế lập ra VELA và giữ vai trò giám đốc chiến lược.
Đem đề án Hoa Thơm Cỏ Lạ của VELA đi thi Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2017 (cuộc thi khởi nghiệp do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức) và trở thành quán quân, Huế nhìn nhận đây là cột mốc đầu tiên cho sự phát triển của Hoa Thơm Cỏ Lạ nói riêng và VELA nói chung.
"GTTNLVC đã giúp những người sáng lập Hoa Thơm Cỏ Lạ có cái nhìn thực tế hơn, chứ không còn ảo tưởng, nhìn mọi thứ màu hồng như lúc đầu", Huế tâm sự.
Và cũng nhờ được "thử lửa" tại GTTNLVC, Huế nhìn thấy được nhiều rủi ro đang chờ mình, và nhận ra rằng con đường kinh doanh sản phẩm vật lý, đặc biệt là khi đảm nhận luôn khâu sản xuất, khác biệt và khó khăn hơn nhiều so với việc kinh doanh sản phẩm công nghệ.
Hành trình đầy chông gai
Sau GTTNLVC, dấn sâu vào kinh doanh, Huế thừa nhận mình đón nhận nhiều điều bất ngờ. Chẳng hạn, Hoa Thơm Cỏ Lạ lúc đầu là kinh doanh về dịch vụ trải nghiệm nhưng chỉ sau vài tháng vận hành, mô hình này đã cho thấy kém hiệu quả. Xác định mô hình cũ không phải là thế mạnh và không phù hợp với nguồn lực hiện có, các nhà sáng lập quyết định chuyển hướng, tập trung vào thế mạnh là nghiên cứu, sản xuất sản phẩm tiêu dùng có nguồn gốc từ tinh dầu thiên nhiên.
Nhưng bất ổn phát sinh ở nhiều khâu, từ tài chính, nhân sự, sản phẩm, đến khách hàng mục tiêu. Huế chia sẻ: "Kế hoạch kinh doanh dù có hay đến mấy thì việc hiện thực hóa được hay không và cách thức hiện thực hóa như thế nào vẫn là những bài toán khó. Tuy nhiên, dù có sự thay đổi về cách thức vận hành nhưng giá trị cốt lõi của Hoa Thơm Cỏ Lạ vẫn không thay đổi".
Showroom đầu tiên của Hoa Thơm Cỏ Lạ ra mắt tại Hà Nội hồi tháng12/2017. Cho đến nay, Huế kể, hầu hết khách hàng đã dùng sản phẩm của Hoa Thơm Cỏ Lạ đều có phản hồi tốt và tỷ lệ khách hàng quay trở lại đạt từ 70 - 80%, dù Hoa Thơm Cỏ Lạ chưa làm marketing. Giá trị cốt lõi của VELA là ưu tiên cho chất lượng sản phẩm, vì thế tập trung nguồn lực cho khâu sản xuất và nghiên cứu.
Năm 2018, Hoa Thơm Cỏ Lạ nhận được lời đề nghị từ một số nhà đầu tư và nhiều lời đề nghị nhượng quyền thương hiệu. Tuy nhiên, Huế và các nhà sáng lập xác định chưa đến "điểm chín muồi" nên từ chối. Chính vì thế, năm 2019 sẽ là một năm bận rộn của VELA với kế hoạch mở thêm showroom, mở rộng hệ thống phân phối, gọi vốn đầu tư.
Huế cho biết, trong 5 năm tới, sẽ từng bước phát triển Hoa Thơm Cỏ Lạ thành chuỗi bán lẻ sản phẩm từ thiên nhiên hàng đầu Việt Nam, đồng thời sẽ đưa cái tên Hoa Thơm Cỏ Lạ ra thị trường các nước, phát triển theo mô hình bán lẻ kết hợp với phân phối và dịch vụ trải nghiệm.
Trưởng thành qua biến cố
Mới ngoài 20 tuổi, nhưng cuộc sống của nhà đồng sáng lập VELA đã trải qua không ít thăng trầm. Từ 2 bàn tay trắng đến chỗ có gần chục nguồn thu từ công việc kinh doanh, đầu tư tài chính, bất động sản, Huế đã có được những thứ mà các bạn đồng trang lứa ao ước: nhà, xe, sự nghiệp. Nhưng không lâu sau đó, Huế lâm vào tình cảnh phá sản, đến mức phải cầm cố sổ đỏ đất đai, rao bán nhà, chẳng còn xe để đi. Huế mô tả tình cảnh bản thân lúc đó là "không chỉ đơn thuần là trắng tay, mà là còn lại con số âm".
"Đi từ chỗ có tất cả rồi mất tất cả là một trải nghiệm có vẻ như rất khó vượt qua. Nhưng sau đó, tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều trong cách nhìn nhận vấn đề, và thấy bài học từ những khó khăn đó đều rất xứng đáng. Có stress, có buồn bã, tuyệt vọng, nhưng tôi nhận ra, nếu cứ nghĩ mãi về những điều đã xảy ra theo hướng tiêu cực thì sẽ không bao giờ thoát ra được. Mỗi khi gặp vấn đề, tôi đều nhìn nhận lại bản thân, xem xét lại những kế hoạch, mục tiêu. Nếu biến cố có ảnh hưởng đến công việc kinh doanh thì giải quyết từng vấn đề, từng công ty đang vận hành để vạch ra con đường đi phù hợp với nguồn lực. Khi đã tìm ra được hướng đi và biết được đích đến, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều, còn hơn là vừa mất tất cả lại vừa không biết sẽ đi đâu về đâu", Huế nhìn nhận.
- Trần Thị Huế - Giám đốc chiến lược VELA
Sự nghiêm túc với bản thân như vậy, theo Huế là đến từ việc tích lũy nhiều trải nghiệm, từ sự học hỏi và đọc nhiều sách. Nhờ đó, Huế biết mình mạnh hay yếu ở điểm nào, hiểu rõ bản thân mình muốn gì, cần gì, biết đâu là giới hạn, đâu là những người phù hợp để đi cùng. Nhờ vậy, quán quân GTTNLVC 2017 mới duy trì được sự điềm tĩnh trước mọi biến cố, như lời Huế bộc bạch: "Dù có xảy ra sự cố lớn thế nào thì tôi thấy mọi thứ vẫn ổn".
Ngoài công việc kinh doanh, Huế còn làm diễn giả chuyên chia sẻ kinh nghiệm tại nhiều trường đại học. "Tôi không phải là người giỏi ăn nói, và thậm chí còn rất thụ động trong giao tiếp. Nhưng khi đi chia sẻ kinh nghiệm, có những lúc tôi nói liên tục từ 8 giờ sáng đến tận 6 giờ chiều nhưng học viên vẫn chưa cho về. Những lúc như vậy, tôi hầu như không chuẩn bị trước nội dung, nhưng có lẽ mọi thứ cần nói đều đã "nằm trong đầu" nên tuôn ra rất tự nhiên", Huế kể.
Quyết tâm theo đuổi lĩnh vực chiến lược doanh nghiệp nên Huế đang học thêm ngành quản trị kinh doanh quốc tế và có kế hoạch du học.
"Dù khá tham vọng nhưng tôi luôn biết mình cần đạt được điều gì và đâu là điểm dừng. Ngoài việc lập kế hoạch, chiến lược kinh doanh, tôi còn lập ra kế hoạch cá nhân là sẽ ép thời gian làm việc để... nghỉ hưu vào năm 29 hoặc 30 tuổi, để có thời gian dành cho bản thân và gia đình. Tôi tự nhận thấy mình còn quá trẻ để hiểu những khó khăn của con đường đã chọn, nhưng tôi tự tin với những gì mình nói và làm", Huế chia sẻ.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn