Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Không chạy theo các "ông lớn" như Shopee, Tiki, Lazada, nhiều startup TMĐT phát triển theo thị trường ngách, không chỉ bán sản phẩm mà còn bán cả dịch vụ đi kèm

16/11/2019 18:45

Sự cạnh tranh khốc liệt của TMĐT đa ngành đã khiến thị trường TMĐT Việt bắt đầu “phân ngách”. Nhiều startup TMĐT ngách ra đời không chỉ bán sản phẩm mà còn bán cả những dịch vụ đi kèm.

Năm 2018 là năm bùng nổ của Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam với những con số ấn tượng, giá trị của thị trường TMĐT đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2017. Với sự tăng trưởng đó, Việt Nam vươn lên top 6 trong 10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nhật Bản và Đức.

Sự tăng trưởng vượt bậc của TMĐT đưa thị trường trở thành miếng bánh ngon, tập trung sự đầu tư của nhiều "ông lớn" trong ngành. Tuy nhiên đây cũng là cuộc đua vô cùng khốc liệt của ngành TMĐT trong nước.

Bắt đầu xuất hiện thị trường TMĐT ngách

Theo giới chuyên gia, con số này cho thấy thị trường này đã đạt một dung lượng đủ lớn để bắt đầu phân chia, hình thành các thị trường để phát triển. Trong bối cảnh thị trường TMĐT đang cạnh tranh khá gay gắt và chật chội với 4 trang TMĐT đầu ngành (Shopee, Tiki, Lazada, Thế giới di động), chọn hướng đi ngách cũng đang là hướng đi của nhiều startup lựa chọn.

Theo đó, các nền tảng đi vào ngách thị trường TMĐT sẽ tập trung vào một số ngành hàng nhất định để làm thật sâu ngành đó. Ví dụ một trang TMĐT chuyên về nội thất, những trang TMĐT chuyên về nội thất sẽ áp dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường để giúp khách hàng có thể hình dung được sản phẩm trước khi mua. Điều này sẽ thúc đẩy mua sắm trực tuyến.

Không chạy theo các ông lớn như Shopee, Tiki, Lazada nhiều startup TMĐT phát triển theo thị trường ngách ra đời. Không chỉ bán sản phẩm mà còn bán cả dịch vụ đi kèm - Ảnh 1.

Trong bối cảnh thị trường TMĐT đang cạnh tranh khá gay gắt và chật chội với 4 trang TMĐT đầu ngành (Shopee, Tiki, Lazada, Thế giới di động), chọn hướng đi ngách cũng đang là hướng đi của nhiều startup lựa chọn.

Ngoài áp dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường, doanh nghiệp còn thể bắt tay với nhiều bên khác để có thể phát triển trang TMĐT của mình một cách sâu hơn và ngách hơn. Đơn cử trang TMĐT về nội thất có thể kết hợp các nhà phát triển bất động sản để có thể trình diện 3D bản thiết kế công nghệ ngay trên nền tảng TMĐT để giúp người dùng có thể thử nghiệm trước khi mua.

Giới chuyên gia đánh giá đây là những yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh đi vào ngách TMĐT chứ không chạy theo cuộc đua khuyến mại, giảm giá như các trang TMĐT hàng đầu hiện nay.

Ông Nguyễn Đại Hải – CEO Công ty cổ phần công nghệ Fit in cho rằng: "Khi mà chúng ta mua sắm ở trang TMĐT nội thất thì việc diễn họa 3D cực kỳ quan trọng. Nếu làm theo cách thức cũ thì tốn rất nhiều thời gian, chi phí. Tuy nhiên, nếu áp dụng công nghệ thực tế ảo thì có thể rút ngắn thời gian, quá trình tìm hiểu sản phẩm, dịch vụ của người tiêu dùng".

Hướng đi mới, doanh thu của trang TMĐT ngách không chỉ đến từ việc bán sản phẩm mà còn là bán dịch vụ đi kèm

Trong bảng xếp hạng 50 trang TMĐT hàng đầu Việt Nam thì có đến 80% trong số này là các trang bán hàng chuyên ngành. Trong đó bắt đầu có sự vươn lên của một số ngành nhỏ như hàng hiệu, mỹ phẩm nhập khẩu.

Giới TMĐT cũng phân tích, nếu như các chợ TMĐT lớn đa ngành hàng dòng doanh thu đến từ tăng trưởng đơn hàng thì các nền tảng đi theo ngách lại có sự khác biệt. Với lợi thế đi sâu vào từng ngành nghề, những trang TMĐT ngách có thể bán nhiều dịch vụ liên quan cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.

Những trang TMĐT bán đồ nội thất có thể bán kèm dịch vụ các gói tư vấn nội thất trực tuyến hay trang TMĐT bán đồ hiệu đã qua sử dụng bán kèm dịch vụ kiểm định hàng hiệu. Trên thực tế, một số trang TMĐT ngách có doanh thu từ dịch vụ còn lớn hơn cả bán lẻ.

"Hiện nay trên thị trường, người bán hàng hiệu đã qua sử dụng rất cần một đơn vị kiểm định sản phẩm của mình. Còn với những người chơi hàng hiệu, đôi khi họ cảm thấy không yên tâm và họ cũng sẽ sử dụng dịch vụ kiểm định. Doanh thu đến từ mảng kiểm định này cũng là một nguồn doanh thu tốt", Tạ Xuân Hiển - CEO Joolux (Joolux – trang TMĐT bán đồ hiệu đã qua sử dụng) nói.

Tuy nhiên, các nền tảng TMĐT ngách cũng sẽ phải đối diện với thách thức làm thế nào để cạnh tranh về tính tiện lợi trong khi người tiêu dùng đang có xu hướng mua những thứ họ cần trên một nền tảng. Điều này là điều mà các doanh nghiệp TMĐT lớn đang làm rất tốt.

Nhưng ngoài câu chuyện cạnh tranh, theo giới chuyên gia, các trang TMĐT ngách có thể làm thật tốt để trở thành người dẫn đầu ngách thị trường rồi đến một thời điểm thích hợp bán lại nền tảng cho một ông lớn đầu ngành cũng là mục tiêu của các doanh nghiệp.

Trí thức trẻ