Việc Thục Hán có thể may mắn trụ thêm tới 3 thập kỷ sau khi Gia Cát Lượng qua đời đều nhờ vào công lao của những người kế nghiệp tài năng do vị Thừa tướng này bồi dưỡng và tiến cử.
Trong số các nhân vật lịch sử nổi lên vào thời Tam Quốc, Ngọa Long tiên sinh Gia Cát Lượng vẫn thường được biết tới là bậc kỳ tài hiếm có và rất được hậu thế ngưỡng mộ.
Gia Cát Khổng Minh cả đời cúc cung tận tụy vì cơ nghiệp Thục Hán, một lòng theo phò tá Lưu Bị từ khi vị quân chủ này còn chưa có được mảnh đất đặt chân cho tới lúc gây dựng nên cơ đồ đại nghiệp.
Sau khi Tiên chủ qua đời, ông tiếp tục phụng sự cho Hậu chủ Lưu Thiện và dốc lòng vào công cuộc Bắc phạt. Chỉ tiếc rằng tới năm 234, vị Thừa tướng này đã lao lực qua đời tại gò Ngũ Trượng ở tuổi 54.
Kể từ sau khi Khổng Minh tạ thế, Thục Hán dù không còn giữ được vị thế như xưa nhưng vẫn tiếp tục tồn tại thêm 3 thập kỷ.
Theo nhận định của tờ báo KKNews, cơ nghiệp của hoàng tộc họ Lưu sở dĩ có thể may mắn trụ được thêm 30 năm nữa là bởi Gia Cát Lượng năm xưa đã an bài 4 người nối nghiệp tài năng để thay thế mình tiếp tục lèo lái con thuyền của Thục quốc.
Tưởng Uyển
Tranh chân dung Tưởng Uyển. (Nguồn Baidu).
Tưởng Uyển (? – 246) là đại thần nhà Thục Hán vào thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.
Các nguồn sử liệu không đề cập tới việc Tưởng Uyển về dưới trướng Lưu Bị ra sao, chỉ biết rằng ông vốn đã là một bộ hạ làm việc trong quân trung khi Lưu Bị công chiếm Ích Châu.
Vào thời điểm mới bước vào con đường quan lộ, Tưởng Uyển chỉ được Lưu Bị an bài cho một chức huyện phán nhỏ nhoi.
Có giai thoại từng truyền lại rằng, một lần khi Lưu Bị tới thăm thú huyện này thì đã giận dữ vì phát hiện vị quan họ Tưởng chẳng những không chuyên chính làm việc mà còn uống rượu say bí tỉ.
Thế nhưng khi Lưu Bị muốn xử tử Tưởng Uyển thì Gia Cát Lượng đã xin tha vì tin rằng đây là một nhân tài có năng lực, không thích hợp làm những chức quan nhỏ.
Sự việc lần ấy đã khiến Tưởng Uyển bị cách chức nhưng cũng mở ra cho ông một cơ hội để trở thành phụ tá đắc lực cho Gia Cát Lượng sau này.
Vào thời điểm tiến hành Bắc phạt, Khổng Minh bắt đầu trọng dụng Tưởng Uyển. Vị quan họ Tưởng này luôn hoàn thành các nhiệm vụ xuất sắc tới nỗi đến Ngọa Long tiên sinh cũng phải tán dương rằng:
"Công Diễm (tức Tưởng Uyển) thật là trung kiên và quảng đại, ông ấy và ta sẽ cùng phụng sự Hoàng thượng hoàn thành đại nghiệp".
Tưởng Uyển là người kế nghiệp mà Gia Cát Lượng đã đích thân tiến cử với Lưu Thiện trước lúc qua đời. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Vào thời điểm lâm trọng bệnh trong chiến dịch Bắc phạt cuối cùng, Gia Cát Lượng cũng chính là người đã tiến cử Tưởng Uyển thay thế mình làm phụ chính đại thần trong tương lai.
Sau khi Khổng Minh qua đời, vị quan họ Tưởng vẫn tiếp tục duy trì ổn thỏa các chính sách đối nội của Thừa tướng năm xưa, từ đó giúp cho nội bộ triều đình luôn hết sức ổn định.
Ông thường được đánh giá là một người rất mực khoan dung và luôn tỏ ra khiêm nhường. Cũng nhờ có công lao phụ chính của vị đại thần này mà cục diện nội bộ của Thục Hán không xảy ra xáo trộn lớn nào sau khi vị Thừa tướng trụ cột là Gia Cát Lượng qua đời.
Năm 243, Tưởng Uyển lâm trọng bệnh và giao lại hầu hết quyền hành cho hai nhân vật khác là Phí Y cùng Đổng Doãn. Tuy nhiên địa vị và tên tuổi của ông vẫn giữ nguyên sức ảnh hưởng cho tới lúc qua đời vào năm 246.
Phí Y
Tranh chân dung Phí Y. (Nguồn Baidu).
Phí Y (? – 253), có tài liệu dịch là Phí Vĩ hay Phí Huy, là một quan lại cao cấp của chính quyền Thục Hán trong thời kỳ Tam Quốc.
Sau khi Tưởng Uyển qua đời, ông đã được giao lại vị trí nhiếp chính cho Hậu chủ Lưu Thiện. Cũng bởi vậy mà nhân vật này được xem như người kế nghiệp tiếp theo của Gia Cát Khổng Minh và Tưởng Uyển.
Sinh thời, Phí Y được đánh giá là một nhân tài hiếm có trong việc xử lý các vấn đề nội chính và công tác ngoại giao.
Các tài liệu lịch sử chính thống không đề cập tới việc tài năng của ông được Gia Cát Lượng phát hiện trong hoàn cảnh nào, chỉ biết rằng khi Khổng Minh trở về từ sau công cuộc nam chinh thì đã nhìn nhận vị quan ho Phí là một nhân tài trẻ tuổi rất có năng lực.
Năm xưa khi Gia Cát Lượng còn tại thế, ông đã từng phái Phí Y đi sứ nước Ngô để đàm phán cùng Tôn Quyền. Tài thương thuyết của viên quan này khi đó thậm chí đã khiến cho vị quân chủ Đông Ngô cũng phải tán dương hết mực.
Những khoảng thời gian không phải đi sứ, Phí Y thường là một trong những thân tín kề cận và cùng Gia Cát Lượng vạch ra các chiến lược quân sự.
Cùng với Tưởng Uyển, Phí Y cũng là một trong những người kế nhiệm được đích thân Gia Cát Lượng lựa chọn. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Về tính cách của vị đại thần này, sử cũ miêu tả Phí Y là một người cư xử hòa nhã và luôn coi trọng việc giữ hòa khí. Ông cũng là nhân vật thường đứng ra hòa giải các vấn đề xung đột giữa Ngụy Diên và Dương Nghi để duy trì sự ổn định trong nội bộ triều đình.
Cùng với Tưởng Uyển, Phí Y cũng là một trong số những nhân tài được Gia Cát Lượng tiến cử với Lưu Thiện thay thế công việc phụ chính của mình trước lúc vị Thừa tướng này qua đời.
Trong thời gian Tưởng Uyển lâm trọng bệnh, Phí Y đã được vị đại thần này chuyển giao hầu hết chức trách.
Chẳng những có tài quản lý các công việc nội chính, vị quan họ Phí cũng là một nhân vật không thể coi thường trên phương diện quân sự.
Năm 244, quan Nhiếp chính của nước Ngụy là Tào Sảng dẫn quân tấn công Hán Trung. Chính Phí Y đã là người chỉ huy quân đội chống lại Tào Sảng và đánh bại quân Ngụy trong trận chiến này.
Sau khi Tưởng Uyển qua đời vào năm 246, ông đã chính thức trở thành nhiếp chính của triều đình Thục Hán.
Đổng DoãnLà một trong "Tứ Anh đệ nhất hào kiệt", tài năng của Đổng Doãn được cho là có thể đứng ngang hàng với những tên tuổi như Tưởng Uyển, Phí Y. (Tranh minh họa: Nguồn: Baidu).
Là một trong "Tứ Anh đệ nhất hào kiệt", tài năng của Đổng Doãn được cho là có thể đứng ngang hàng với những tên tuổi như Tưởng Uyển, Phí Y. (Tranh minh họa: Nguồn: Baidu).
Đổng Doãn (? – 246), tự Hưu Chiêu, là con của đại thần Đổng Hòa nhà Thục Hán.
Vào thời điểm Lưu Thiện được lập làm Thái tử, Đổng Doãn cũng được tuyển làm Xá nhân với nhiệm vụ theo hầu dắt ngựa. Tới năm 223 khi Tiên chủ qua đời, Lưu Thiện kế vị, ông được Tân đế phong làm Hoàng Môn thị lang và tiếp tục thăng chức trong những năm sau đó.
Mặc dù chưa từng một lần được giữ ngôi vị Thừa tướng, nhưng ông vẫn được xem là người điều hành triều chính có uy tín đương thời. Người nước Thục khi ấy thường gọi Gia Cát Lượng, Tưởng Uyển, Phí Y cùng Đổng Doãn là "Tứ Anh đệ nhất hào kiệt".
Sinh thời, Đổng Doãn được đánh giá là người hết sức chính trực và cũng vô cùng ngay thắng. Ông cũng là một vị quan chuyên tâm làm việc, coi trọng đạo lý, chưa bao giờ tỏ vẻ xu nịnh mà còn thường xuyên can gián quân chủ trong nhiều vấn đề.
Năm xưa Lưu Thiện thường muốn tuyển thêm mỹ nữ sung vào hậu cung, Đổng Doãn đã thẳng thắn nêu lại tấm gương của các vị thiên tử cổ đại với hậu cung chẳng quá 12 người, từ đó khuyên răn quân chủ không nên tăng thêm số lượng phi tần.
Một trong những vấn đề khác mà Đổng Doãn từng nhiều lần nhấn mạnh với Lưu Thiện chính là không nên quá tin dùng hoạn quan.
Về việc Lưu Thiện sủng ái thái giám Hoàng Hạo, ông trước thường nghiêm mặt khuyên chủ, sau lại trách mắng Hạo, khiến cho thái giám này kính sợ vô cùng.
Cũng do sức ảnh hưởng của ông cùng sự nể trọng từ phía quân chủ nên khi vị quan này còn tại thế, Lưu Thiện dù ít nhiều có tin dùng thái giám nhưng cũng không làm gì quá chừng mực, mà chức vị của Hoàng Hạo trong giai đoạn ấy cũng không có quá nhiều quyền hành.
Tới năm 246, Đổng Doãn qua đời sau hơn hai thập kỷ phục vụ cho chính quyền nhà Thục Hán. Sự ra đi của ông đã khiến cho bè lũ hoạn quan được đà làm bậy, cơ nghiệp Thục quốc cũng vì vậy mà càng trượt dài trên đà diệt vong.
Khương Duy
Trên phương diện quân sự, Khương Duy được coi là truyền nhân chân chính của Gia Cát Khổng Minh. (Tranh minh họa).
Khương Duy (202 – 264) là một đại tướng nhà Thục Hán dưới thời Tam Quốc.
Trước khi về đầu quân cho tập đoàn chính trị này, ông từng có thời gian phục vụ dưới trướng nhà Tào Ngụy trong vai trò tùy tướng. Sau đó, ông theo Gia Cát Lượng về Thục và để lại mẹ ở đất Ngụy.
Khi Khổng Minh tiến hành Bắc phạt, ông từng nhiều lần đi theo, từ đó dần được coi trọng và nhanh chóng thăng tiến.
Sau khi vị Thừa tướng này qua đời, Khương Duy vẫn tiếp tục được trọng dụng và cuối cùng trở thành phụ tá cho phụ chính đại thần Phí Y.
Sau khi Phí Y qua đời, Khương Duy tuy có kế chức nhưng không giữ nhiều quyền hành như người tiền nhiệm của mình mà chỉ tập trung vào quyền lực quân sự.
Mặc dù đã cố gắng kế thừa sự nghiệp Bắc phạt của Gia Cát Lượng, tuy nhiên 9 lần đánh Ngụy của Khương Duy nhìn chung không đem lại kết quả như mong muốn và cũng làm tiêu hao không ít tài lực, nhân lực của Thục Hán.
Có nhiều ý kiến cho rằng Khương Duy không chỉ kế thừa chí hướng Bắc phạt của Khổng Minh mà còn mang phong thái có mấy phần giống với vị Thừa tướng ấy. (Tranh minh họa).
Năm 263 dưới sự tấn công của Tào Ngụy, Hậu chủ Lưu Thiện đã quyết định đầu hàng, đánh dấu sự kết thúc của cơ nghiệp Thục Hán.
Trước bối cảnh ấy, Khương Duy ban đầu đã dùng kế trá hàng với mong muốn có ngày phục hưng lại Thục quốc. Chỉ tiếc rằng thời thế khi ấy đã chẳng còn ưu ái cho hoàng tộc họ Lưu, và bản thân vị tướng ấy cuối cùng vẫn phải nhận kết cục bi thảm.
Giờ đây mỗi khi nhận định về nhân vật này, nhiều người vẫn cho rằng Khương Duy tuy xuất thân là tướng nước Ngụy nhưng lại dành cả cuộc đời mình để tận tụy với nhà Thục Hán.
Ông có tài kiêm văn võ, có chí lập công danh, cả đời lại cần cù tiết kiệm, chẳng những sở hữu phong thái có mấy phần tương tự Gia Cát Lượng mà còn kế thừa chí lớn của vị Thừa tướng này.
Cũng bởi vậy mà có ý kiến cho rằng, nếu bối cảnh lịch sử khi ấy đứng về phía Khương Duy, rất có thể số phận của nhà Thục Hán đã được viết lại theo một cách khác…
*Theo quan điểm của KKNews