Nổi bật trong những doanh nghiệp đa cấp đang hoạt động tại nước ta phải kể tới Amway và Herbalife, đây là những doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Kinh doanh đa cấp là hoạt động bán hàng theo mạng với nhiều ưu điểm như dễ mở rộng kênh phân phối, tiết giảm chi phí...,mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Tuy vậy, mô hình này đã xuất hiện nhiều biến tướng với không ít vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền, kinh doanh hàng kém chất lượng và thường không gây được thiện cảm với xã hội.
Tại Việt Nam, kinh doanh đa cấp đã xuất hiện khoảng 20 năm và thu hút được không ít người tham gia. Theo cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có 32 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đang hoạt động với số người tham gia hơn là hơn 700.000.
Xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ năm 2008, sau gần 10 năm hoạt động Amway đã trở thành một trong những tên tuổi lớn nhất trong những doanh nghiệp đa cấp. Danh mục sản phẩm của Amway khá đa dạng, trải dài trên các lĩnh vực dinh dưỡng, sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc cá nhân, đồ gia dụng với thương hiệu Homecare.
Khác với hầu hết các doanh nghiệp đa cấp khác vốn chỉ nhập khẩu sản phẩm về Việt Nam để kinh doanh, Amway đã có riêng nhà máy của mình tại khu công nghiệp AMATA, tỉnh Đồng Nai và VSIP II A, tỉnh Bình Dương.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính năm 2014, doanh thu Amway đạt hơn 2.100 tỷ đồng. Nhưng trong những năm gần đây, doanh thu công ty đang giảm sút khá mạnh, đến năm 2015 doanh thu chỉ còn 1.921 tỷ đồng và sang năm 2016 chỉ còn 1.402 tỷ đồng.
Cùng với doanh thu giảm sút, lợi nhuận Amway cũng đang ngày một lao dốc. Từ mức lợi nhuận sau thuế 346 tỷ đồng trong năm 2014 thì đến năm 2016, doanh nghiệp này đã bất ngờ báo lỗ 53 tỷ đồng.
Trái ngược với tình cảnh sa sút của Amway trong những năm qua, "ông trùm" đa cấp khác là Herbalife lại đang có kết quả kinh doanh khá tích cực. Trong năm 2016, doanh thu Herbalife đạt 1.390 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước đó và đến năm 2017, doanh thu tiếp tục tăng lên hơn 2.000 tỷ đồng và trở thành doanh nghiệp đa cấp có doanh thu lớn nhất Việt Nam.
Lợi nhuận Herbalife cũng theo đó cải thiện từ mức gần 35 tỷ đồng trong năm 2015 lên 50,5 tỷ đồng trong năm 2016, tương ứng mức tăng 45%. Tại Việt Nam, Herbalife không trực tiếp sản xuất mà nhập khẩu về rồi phân phối các sản phẩm như thực phẩm chức năng, chăm sóc sắc đẹp.
Tính tới cuối năm 2016, lợi nhuận lũy kế của Amway lên tới 479 tỷ đồng, còn với Herbalife là 167 tỷ đồng, đây là con số không hề nhỏ khi hai doanh nghiệp trên mới chỉ hoạt động được vài năm.
Giá vốn siêu thấp, chi trăm tỷ chi phí bán hàng mỗi năm
Một điểm đáng chú ý, giá vốn của các sản phẩm mà Amway, Herbalife là khá thấp, thường chỉ chiếm 30% - 50% so với giá bán ra. Điều này giúp biên lãi gộp các doanh nghiệp đạt được khá cao, từ 50 – 70%.
Tuy vậy, đặc điểm của các đơn vị kinh doanh đa cấp là phát triển hệ thống bán hàng và điều này dẫn tới chi phí chiết khấu, hoa hồng là rất cao. Trong năm 2014, Amway đã chi ra tới hơn 900 tỷ đồng chi phí bán hàng và con số này trong các năm 2015, 2016 lần lượt là 820 tỷ đồng và 668 tỷ đồng.
Herbalife cũng không ngoại lệ khi phải chi ra 448 tỷ đồng chi phí bán hàng trong năm 2015 và tăng lên 608 tỷ đồng trong năm 2016. Tỷ lệ chi phí bán hàng của Amway và Herbalife đều chiếm trên 40% doanh thu và đây cũng là chi phí lớn nhất của doanh nghiệp đa cấp.
Là những doanh nghiệp có "uy tín" nhất trong kinh doanh đa cấp tại Việt Nam, nhưng những năm qua Amway và Herbalife cũng dính phải không ít tai tiếng.
Trong năm 2016, Bộ Công thương đã điều tra hoạt động Amway và chỉ ra 3 sai phạm lớn của doanh nghiệp này. Bao gồm việc thiếu đăng ký kinh doanh đa cấp cho các đại lý tại tỉnh, thành; thiếu giám sát quá trình đào tạo nhân viên bán hàng đa cấp và tự ý bán hàng online mà chưa được cơ quan chức năng phê duyệt. Đây cũng là năm Amway bắt đầu thua lỗ sau nhiều năm tăng trưởng ngoạn mục.
Còn với Herbalife, trong tháng 4 vừa qua, doanh nghiệp này cũng bị Bộ Công thương xử phạt 140 triệu đồng vì quảng cáo đưa thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về công dụng của sản phẩm; Không thường xuyên giám sát hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp để bảo đảm người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện đúng quy tắc hoạt động.
Theo Minh Anh/Trí Thức Trẻ