Kinh doanh homestay: Có nhà là chưa đủ

04/12/2019 21:52

Mặc dù nguồn cung homestay dồi dào, nhu cầu trải nghiệm, khám phá của người trẻ tăng cao, nhưng để kinh doanh hiệu quả không phải chuyện đơn giản.

Tiềm năng của thị trường homestay tại Việt Nam

Việt Nam hiện đang là một trong 3 quốc gia có ngành du lịch tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Thị trường homestay và nhà nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang bùng nổ mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh nhiều dự án bất động sản du lịch bắt đầu chào bán căn hộ, biệt thự và nhà phố để nhà đầu tư thứ cấp tự vận hành và cho thuê.

Theo thống kê từ công ty nghiên cứu thị trường AirDND, thị trường homestay tăng trưởng gần 5 lần trong vòng một năm qua, cao hơn rất nhiều so với ngành khách sạn truyền thống chỉ tăng trưởng 40% về nguồn cung, và đạt doanh thu 130 triệu USD, tương đương gần 2.900 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, số lượng nguồn cung chỗ ở cũng cho thấy sự gia tăng chóng mắt với tốc độ 452%, lớn hơn so với mức tăng trưởng trung bình toàn cầu 140% và cao hơn rất nhiều so với ngành khách sạn truyền thống chỉ tăng trưởng 40% về nguồn cung.

Theo số liệu của Luxstay - nền tảng kết nối cho thuê nhà ngắn hạn có mạng lưới chỗ ở (chung cư, biệt thự, homestay) ở phân khúc trung và cao cấp tại Việt Nam, hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy), mảng home-sharing tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh và sẽ phát triển bùng nổ trong những năm tới, đạt quy mô tối thiểu 10%-20% tổng chi tiêu thị trường lưu trú vào khoảng 15 tỷ USD năm 2025.

Bên cạnh tốc độ tăng trưởng đáng kì vọng của thị trường, còn rất nhiều tiềm năng khác đã trở thành nhân tố hấp dẫn, thu hút Luxstay chính thức nhập cuộc vào mảng homesharing, kinh doanh homestay và nhà nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Có thể kể đến như thói quen, xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam hiện đại hay tiềm lực về công nghệ, bất động sản,...

Cơ hội song hành cùng thách thức

Việt Nam có đặc thù dân số trẻ, tiếp cận xu hướng mới rất nhanh chóng, đặc biệt là các dịch vụ trên nền tảng công nghệ. Theo thống kê của Nielsen vào năm 2018, du lịch là một trong top 3 những ngành có lượng người tiêu dùng sử dụng các nền tảng mua hàng trực tuyến nhiều nhất.

Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam sở hữu nguồn cung bất động sản khá dồi dào. Theo công ty nghiên cứu thị trường AirDNA, tính riêng tại TP. Hồ Chí Minh năm 2017 có khoảng 15.000 chỗ ở dạng homestay, căn hộ lưu trú. Tới giữa năm 2018, số lượng homestay ở mức trên 20.000, và hơn một nửa trong số này có hoạt động thực sự.

Tương tự như vậy, tại Hà Nội, số lượng chỗ ở cũng gia tăng từ xấp xỉ 3.200 chỗ ở năm 2016 lên hơn 8.100 năm 2017 và tới hơn 11.200 trong nửa đầu năm 2018 trong đó có trên 6.400 chỗ ở có hoạt động thực sự.

Ông Nguyễn Tấn Đăng Khoa, Giám đốc vận hành Luxstay cho rằng: "Việc nguồn cung tăng rất nhanh trong thời gian khá ngắn, dẫn đến thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. Để đối mặt với sức ép cạnh tranh từ các “gương mặt” trong lẫn ngoài nước, các nền tảng phải nhanh chóng tìm ra điểm mạnh của mình và kết hợp nhiều yếu tố để nhanh chóng tạo ra sản phẩm khác biệt".

Với Luxstay, startup này chọn cả ba yếu tố Du lịch - Công nghệ - Bất động sản vào mô hình kinh doanh của mình. Trong đó, công nghệ chiếm một vị trí vô cùng quan trọng, đóng vai trò trung gian kết nối xử lý các yêu cầu của khách hàng và người kinh doanh. Với sự dẫn dắt của công nghệ, các nền tảng có thể đầu tư xây dựng hệ thống có khả năng xử lý hàng trăm nghìn đơn hàng mỗi ngày một cách tự động mà không gia tăng về nhân lực vận hành.

Ông Nguyễn Tấn Đăng Khoa, Giám đốc vận hành Luxstay

Không phải cứ có nhà là có thể kinh doanh homestay

Theo ông Nguyễn Tấn Đăng Khoa, mặc dù nguồn cung homestay dồi dào, nhưng để kinh doanh hiệu quả không phải chuyện đơn giản. Các chủ đầu tư cần đưa ra chiến dịch thu hút khách hàng, thông qua việc kết hợp cùng OTA uy tín, am hiểu khách hàng bản địa, có khả năng mang lại quyền lợi và hạn chế tối đa rủi ro.

Trong đó, quản lý vốn hiệu quả và thông minh cũng là mối lưu tâm cần được các chủ nhà đưa lên hàng đầu. Mặc dù việc đầu tư vào bất động sản homestay cho thuê thường không tốn nhiều tiền nhưng bạn sẽ tốn kém lâu dài vào các chi phí khác như thiết kế, điện nước, nhân công, bảo trì sửa chữa… Điều này đặt ra một thách thức lớn cho các nhà đầu tư khi lên kế hoạch tài chính dài hạn.

Chưa kể, nhiều chủ nhà để tiết kiệm chi phí thường một mình làm hết mọi thứ dẫn đến tình trạng quá tải công việc, không bao quát được hết. Dẫn đến doanh thu thấp khiến việc tìm người làm chung hay chia sẻ gánh nặng tài chính cũng khó khăn.

"Để có thể thu hút khách thì các chủ nhà cần phải nhận diện được đối tượng mà mình nhắm đến là ai: khách đi theo nhóm, theo cặp đôi, hay là khách đơn lẻ…; họ có thu nhập như thế nào, nhu cầu tối thiểu ra sao cho một đêm lưu trú. Tùy thuộc vào đối tượng khách hàng, chủ nhà mới biết được mình nên thiết kế ra sao, marketing như thế nào...

Bên cạnh đó, hiểu khách hàng là một chuyện, hiểu chính mình là chuyện quan trọng không kém. Giữa một rừng những homestay đang mọc lên như nấm thì homestay của bạn đứng ở vị nào, khác biệt ra sao, tại sao khách sẽ chọn lưu trú tại đây thay vì tại nơi khác. Điều này đòi hỏi chủ nhà cần đầu tư về thiết kế, quảng bá, chăm sóc khách hàng...", ông Khoa chia sẻ.

Lời giải cho bài toán kinh doanh homestay tại Việt Nam

"Với Luxstay, trọng tâm chúng tôi đang hướng tới cung cấp dịch vụ cho người Việt Nam, chính vì vậy văn hoá, nhu cầu chỗ ở cũng có nhiều chiến lược khác biệt. Đặc biệt, chúng tôi có mục tiêu khai phá những thị trường mới. Một trong những ví dụ khách hàng Việt Nam đang có xu hướng thuê biệt thự nghỉ dưỡng cuối tuần tại ngoại ô thành phố, hay đi du lịch Đà Lạt ở homestay… Không chỉ giới hạn dịch vụ trong nước, tương lai gần, Luxstay còn tham vọng sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, tiến đến một dịch vụ được tin dùng tại nhiều nước trong khu vực", Giám đốc vận hành Luxstay nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Tấn Đăng Khoa, với khách hàng Việt Nam, việc sử dụng nền tảng online 100%, thanh toán trực tuyến chưa thực sự phổ biến và cần thời gian phát triển. Số lượng lớn người dùng vẫn có nhu cầu gọi điện, hỗ trợ qua tin nhắn nên chúng tôi thiết lập đội ngũ dịch vụ khách hàng hoạt động 24/7 làm cầu nối tốt hơn với thị trường so với các nền tảng quốc tế…

Không phải cứ có nhà là có thể kinh doanh homestay

Còn ở góc độ của chủ nhà, ông Khoa đưa ra lời khuyên, nếu không có những kế hoạch cụ thể và mang tính lâu dài, các chủ nhà rất khó tối ưu hoá lợi nhuận của mình. Thậm chí trong nhiều trường hợp còn dẫn đến thua lỗ.

Nếu chỉ đơn thuần có nhà và kinh doanh homestay, mà không có sự đầu tư nghiêm túc vào cách xây dựng câu chuyện, định hình phong cách thiết kế hay quan tâm đến dịch vụ chăm sóc khách hàng, các chủ nhà chắc chắn không thể nào tìm được chỗ đứng của mình trong hằng hà sa số những căn homestay đang mọc lên như nấm.

Khi đã kinh doanh homestay được một khoảng thời gian nhất định, các chủ nhà nhất định phải nâng cấp và tân trang cho căn homestay của mình. Chi phí sửa chữa, thiết kế hay nhân sự không hề rẻ chút nào. Nếu như ngay từ ban đầu các chủ nhà không tự vạch định ra những kế hoạch tài chính rõ ràng, việc kinh doanh thiếu khoa học sẽ dẫn đến thua lỗ là điều chắc chắn không thể tránh khỏi. Do đó, quản lí tài chính và sử dụng tiền bạc thông minh là rất cần thiết.

"Chưa kể, việc kết nối hay lựa chọn một nền tảng OTA không phù hợp với mình sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ đáng tiếc, cản trở việc tối ưu hoá lợi nhuận. Nghiên cứu kĩ lưỡng, hiểu rõ bản thân để chọn được nền tảng phù hợp với mô hình của mình sẽ giúp trải nghiệm kinh doanh của các chủ nhà dễ chịu hơn nhiều. Đó là lí do vì sao bên cạnh việc quan tâm đến khách hàng, Luxstay cũng không ngừng đưa ra nhiều chính sách, chương trình hấp dẫn để hỗ trợ chủ nhà tối ưu hoá lợi nhuận", ông Khoa cho hay.

Đặc biệt, Giám đốc vận hành Luxstay tiết lộ, hiện startup này đang lên kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp trong ngành để mở ra một hệ sinh thái hỗ trợ các chủ nhà và đưa ra những giải pháp hữu ích như: khoá Smartlook của Luxstore. Ngoài ra còn có các dịch vụ dọn dẹp, chăm sóc khách hàng với sự hỗ trợ vô cùng lớn về giá với những ưu đãi hấp dẫn dành cho chủ nhà. Đặc biệt, phải kể đến như dự án Sweethome hỗ trợ chủ nhà từ những điều nhỏ nhặt nhất trong suốt quá trình phát triển và vận hành homestay.

Ông Nguyễn Tấn Đăng Khoa kết luận: "Việt Nam đang đi vào giai đoạn “vàng” để phát triển tối đa mảnghomesharing với những tiềm năng hấp dẫn chưa hề có từ thị trường. Với những kếhoạch rõ ràng cũng sự nhạy bén cần có với nhu cầu của người tiêu dùng, tôi tinngành du lịch nói chung và ngành kinh doanh homestay, nhà nghỉ dưỡng nói riêngcủa Việt Nam sẽ tăng trưởng thần tốc".

Link bài gốc: https://theleader.vn/kinh-doanh-homestay-co-nha-la-chua-du-1575450155162.htm

Bạn đang đọc bài viết "Kinh doanh homestay: Có nhà là chưa đủ" tại chuyên mục Chuyện thương trường.