Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Kinh doanh homestay không phải "quả ngọt", nhiều bạn trẻ phải bỏ ngang sau nhiều tháng bù lỗ!

25/10/2018 11:03

Đa phần khách thuê homestay đều thích sự mới mẻ và hay thay đổi. Hiện không ít bạn trẻ kinh doanh homestay rơi vào tình cảnh không tìm được khách mới và không có sự trung thành từ khách hàng cũ.


Đa phần khách thuê homestay đều thích sự mới mẻ và hay thay đổi. Hiện không ít bạn trẻ kinh doanh homestay rơi vào tình cảnh không tìm được khách mới và không có sự trung thành từ khách hàng cũ.

Bỏ ngang vì không có khách thuê

Mô hình lưu trú homestay nở rộ những năm gần đây, ngoài khu vực có truyền thống về du lịch thì những thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM cũng bắt đầu thu hút giới đầu tư lẻ tham gia mạnh mẽ vào thị trường này, đặc biệt những nhà đầu tư (NĐT) trẻ. Hình thức thuê căn hộ rồi cải tạo để kinh doanh homestay đang trở thành xu hướng của giới trẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh những NĐT thành công với mô hình homestay thì không ít bạn trẻ rơi vào tình cảnh: Không tìm được khách mới và không có sự trung thành từ khách hàng cũ.

Kinh doanh homestay không phải quả ngọt, nhiều bạn trẻ phải bỏ ngang sau nhiều tháng bù lỗ! - Ảnh 1.

Kinh doanh homestay đang nở rộ ở các thành phố lớn

Cô gái Hà Anh (25 tuổi, sống tại Q.5, Tp.HCM) đã từng bỏ rất nhiều thời gian để đi tìm thuê căn hộ tại Q.1, nuôi giấc mơ kinh doanh homestay nhưng chỉ được đúng 4 tháng thì phải trả lại phòng và bù lỗ.

Hà Anh kể, tháng đầu tiên có khoảng chục lượt khách nước ngoài đến thuê nhưng các tháng kế tiếp thưa thớt dần. Đỉnh điểm có tháng chỉ có 2 khách book phòng qua 1 đêm, không bù được chi phí cho tiền thuê căn hộ, điện, nước trong tháng. Theo cô gái trẻ này, mặc dù đã đăng tin qua các kênh để tìm khách nhưng số lượng khách thuê không đảm bảo ổn định theo tháng.

"Có lẽ sự cạnh tranh quá cao, nhiều phòng homestay xuất hiện cùng thời điểm mà căn hộ của mình lại không được mới nên không thu hút khách thuê. Nếu không có khách mà vẫn duy trì thuê phòng trong thời gian dài thì e sẽ là gánh nặng tài chính", Hà Anh giãi bày. Sau khi trả lại căn hộ, cô gái trẻ này phải đền bù hợp đồng thuê căn hộ cho chủ nhà và tính ra mất một khoản kha khá vào việc tu sửa nội thất cho căn hộ.

Kinh doanh homestay không phải quả ngọt, nhiều bạn trẻ phải bỏ ngang sau nhiều tháng bù lỗ! - Ảnh 2.

Tuy vậy, nhiều NĐT trẻ phải rút khỏi thị trường vì không cạnh tranh lại

Khác với trường hợp của Hà Anh, chàng trai sinh năm 1989 Vũ Văn Khôi (sống tại Q.2, Tp.HCM) lại có 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư homestay. Vũ hiện đang sở hữu 1 căn homestay rộng hơn 100m2 tại Đà Lạt, hàng tháng, trừ các chi phí lợi nhuận mang về đạt gần 25 triệu đồng.

Cuối năm 2017, chàng trai này quyết định đầu tư thêm mô hình homestay nhưng ở Q.1, Tp.HCM. Khôi thuê căn hộ rộng 60m2 tại đường Nguyễn Du với giá 35 triệu đồng/tháng và bắt đầu tu sửa lại, ngăn diện tích phòng, lắp thêm giường và bày trí tiểu cảnh xung quanh. Khách hàng của Khôi chủ yếu là khách Tây du lịch bụi ghé thuê.

Tuy nhiên, lượng khách không ổn định kéo dài đến nửa năm kể từ ngày kinh doanh khiến dòng tiền của Khôi sồi sụt theo tháng. Có những tháng chàng trai này phải liên bù lỗ vào phần thuê căn hộ. Đến tháng 9/2018, Khôi chính thức trả lại phòng và chỉ tập trung cho homestay tại Đà Lạt.

Kinh doanh homestay không phải quả ngọt, nhiều bạn trẻ phải bỏ ngang sau nhiều tháng bù lỗ! - Ảnh 3.

Có những tháng, NĐT liên tục lấy vốn ra để bù lỗ

Cùng cảnh ngộ, chị Mai Thị Hương (30 tuổi, ngụ Q.3, Tp.HCM) thuê căn hộ gần 80 tại Bùi Viện (Q.1) và kinh doanh homestay được 5 tháng nay. Được biết ngần ấy thời gian chị Hương hàng tháng phải bù lỗ gần 7 triệu đồng/tháng để duy trì, chưa sinh lãi kể từ ngày đầu tư vào mô hình này. Theo chị Hương, có lẽ do vốn mình không nhiều nên chưa đầu tư chỉn chu cho căn hộ bằng người khác nên khách thuê không mặn mà.

Thị trường homestay đã bão hòa?

Theo tìm hiểu, những trường hợp gặp rủi ro khi đầu tư vào homestay như trên đều chung một số điểm như: không dày vốn để đầu tư đàng hoàng cho căn hộ/nhà nên sức cạnh tranh kém; chi phí thuê hàng tháng quá cao gần như ngốn phần lãi hàng tháng; lượng khách không ổn định vì đa phần khách thuê homestay đều thích sự mới mẻ, thay đổi nên tỉ lệ khách cũ quay lại thuê rất ít…

Theo ghi nhận, đối với các NĐT có sẵn nhà/căn hộ để kinh doanh homestay thì đem về lợi nhuận ổn định hàng tháng dù khách thuê có sồi sụt. Trong khi đa số các NĐT trẻ đi thuê căn hộ/nhà để kinh doanh homestay đều mất ít nhất 1 năm để ổn định lượng khách hoặc có lãi nhưng khá ít.

Chi phí thuê căn hộ/nhà quá nhiều ở khu vực trung tâm thành phố là thách thức lớn nhất của những người trẻ chưa có kinh nghiệm trong đầu tư lĩnh vực này. Chưa kể, homestay là loại hình không dễ tìm khách mới và cũng không có sự trung thành của khách cũ nên sự bất ổn là thường xuyên xảy ra.

Kinh doanh homestay không phải quả ngọt, nhiều bạn trẻ phải bỏ ngang sau nhiều tháng bù lỗ! - Ảnh 4.

Theo các chuyên gia, kinh doanh homestay tưởng dễ mà không hề dễ nếu không biết tính toán chi phí, vận hành và tiềm năng của khu vực đầu tư

Theo ý kiến của các NĐT homestay, thị trường homestay ở các thành phố lớn hiện nay dường như đang bão hòa khi mà người trẻ tham gia mô hình này có xu hướng tăng lên trong khi lượng khách thuê lại không tăng theo tỉ lệ thuận. Đa số khách thuê lưu trú ở tại khu trung tâm Tp.HCM đều là khách du lịch bụi- những đối tượng khách ít tiền. Trong khi chi phí thuê hàng tháng khá cao khiến nhiều bạn trẻ mới bắt tay vào làm dễ bị "đuối" và không đủ chi phí để đi đường dài, đặc biệt những bạn trẻ chỉ thuê 1 căn hộ duy nhất để kinh doanh.

Ông Phan Công Chánh, Chuyên gia BĐS cá nhân cho rằng, nếu chỉ có 1 căn hay 1 phòng duy nhất để cho thuê thì nếu không có khách thuê thì tỉ lệ trống lên đến 100%. Nếu có 10 căn cho thuê thì tỉ lệ trống chỉ 10%, điều đó nghĩa là càng nhiều sản phẩm cho thuê tỉ lệ trống phòng càng thấp.

"Làm homestay chúng ta cần có góc nhìn về quy mô. Mình có thể bắt đầu nhỏ thôi nhưng mình phải nhìn thấy con đường muốn đi. Khi mình càng phát triển lên thì quy mô phải tăng lên thì tính hiệu quả về mặt kinh tế mới ổn. Còn nếu NĐT chỉ thuê 1 căn chung cư để làm homestay thì thực sự mà nói đó mới là học việc chứ không phải kinh doanh, đầu tư", ông Chánh khẳng định.

Kinh doanh homestay không phải quả ngọt, nhiều bạn trẻ phải bỏ ngang sau nhiều tháng bù lỗ! - Ảnh 5.

"Nếu chỉ thuê 1 căn chung cư để làm homestay thì đó mới là học việc chưa phải là đầu tư" , chuyên gia BĐS Phan Công Chánh chia sẻ

Ông Võ Hoàng Hải, một NĐT lâu năm ở lĩnh vực homestay tại Tp.HCM đã đưa ra những lời khuyên cho các bạn trẻ khi bắt đầu với homestay.

Thứ nhất, theo ông Hải, chung cư cũ ở khu trung tâm là hình thức nhẹ nhàng nhất để đầu tư homestay vì chi phí đầu tư rẻ. Tuy nhiên, nhược điểm của loại hình này là lượng khách thuê không đa dạng nên mức sinh lợi của NĐT không cao. Trong khi các căn nhà phố thì chi phí đầu tư cao nhưng lại thu hút khách đi công tác, kinh doanh có tiền nên giá cho thuê thường tốt hơn.

Thứ hai, không nên thuê chung cư mới, ở những nơi mà CĐT đã đầu tư quá mạnh về tiện ích và khó có thể thay đổi được giá thuê. Các bạn trẻ nên tìm những vị trí chung cư cũ ở Q.1, vừa có thể thay đổi mặt bằng giá (tức trả giá), vừa có thể tự thiết kế được không gian riêng biệt để cho thuê.

Kinh doanh homestay không phải quả ngọt, nhiều bạn trẻ phải bỏ ngang sau nhiều tháng bù lỗ! - Ảnh 6.

Ở các tỉnh du lịch, chuyên gia khuyên các NĐT nên mua hẳn BĐS rồi cho thuê lại, còn tại khu trung tâm TP lớn thì chỉ nên thuê dài hạn rồi khai thác cho thuê

Thứ ba, nếu mới bắt đầu với homestay thì không nên thuê giá quá 10 triệu đồng/tháng vì áp lực về chi phí sẽ lớn về sau. Nếu tìm được những căn hộ cũ có giá thuê 5-7 triệu đồng/tháng là tốt nhất và ký hợp đồng dài hạn, chắc chắn với chủ nhà, kèm những điều kiện không tăng giá đột biến theo giá thị trường.

Thứ tư, chỉ nên thuê các căn hộ có 1-2 phòng để cho thuê homestay, đây cũng là phân khúc phòng mà đa số khách thuê trên Airbnb ưa chuộng. Điều này vừa tiết kiệm chi phí đầu tư cho NĐT và người thuê, từ đó khách thuê sẽ ổn định. Tỉ lệ thành công với mô hình kinh doanh này sẽ cao hơn.


Phương Nga

Theo Trí Thức Trẻ