Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Kinh hãi với tác hại của công nghệ, Thung lũng Silicon đua nhau gửi con vào “trường tối cổ”

11/06/2019 10:01

Những chuyên viên Thung lũng Silicon dành cả sự nghiệp để khiến người dùng “nghiện” công nghệ, nhưng sau đó họ lại “trở mặt” khi giáo dục cho con mình, ép thế hệ sau phải “cai” công nghệ và theo học trường cách ly.

Xu hướng "cách ly công nghệ"

Việc các kỹ sư Thung lũng Silicon ra sức "cấm cản" con cháu mình sử dụng công nghệ có vẻ hơi "lố", nhưng xu hướng này không phải tự nhiên mà có, vì đơn thuần bọn họ chỉ đang làm theo những gì mà các "thần tượng" như Bill Gates, Steve Jobs và Tim Cook đã thực hiện.

Vào năm 2007, Bill Gates đã áp dụng khung giờ "giới nghiêm" khi con gái của ông trở nên sa đà vào một trò chơi điện thoại. Không lâu sau đó, gia đình nhà Gates đã quyết tâm không cho bất kỳ đứa trẻ nào sở hữu điện thoại cho đến lúc tròn 14 tuổi (khá cao so với 10 tuổi – số tuổi trung bình một đứa trẻ sở hữu điện thoại riêng tại Mỹ).

Steve Jobs cũng thừa nhận trên tạp chí New York Times vào năm 2011 rằng ông luôn nghiêm cấm con mình sử dụng những mẫu iPad mới trên thị trường. "Tôi luôn giới hạn thời gian sử dụng công nghệ của con tại nhà", Jobs phát biểu thêm.

Cho đến cả Tim Cook, người đứng đầu Apple hiện tại cũng thẳng thắn khẳng định rằng ông không cho phép cháu của mình mở tài khoản mạng xã hội. Ở một buổi phỏng vấn khác, Tim Cook cũng thừa nhận rằng người dùng không nên "sử dụng liên tục" sản phẩm Apple.

Tỷ phú Sean Parker, một trong những nhà đầu tư sớm nhất của Facebook còn khẳng định rằng ông và những kỹ sư đã cố tình làm cho Facebook "gây nghiện nhất có thể". Ông nói thêm: "Chỉ có Chúa mới biết ảnh hưởng của nó nên tâm trí trẻ thơ".

Những ngôi trường "tối cổ"

Kinh hãi với tác hại của công nghệ, Thung lũng Silicon đua nhau gửi con vào “trường tối cổ” - Ảnh 1.

Hiện có 130 ngôi trường tại Mỹ tuân theo triết lý giáo dục "Rudolf Steiner", đề cao sự linh động trí tuệ, khả năng đánh giá độc lập, lòng can đảm, đạo đức… nhằm biến các đứa bé trở thành người sáng tạo và có trách nhiệm.

Đa phần các trường "Rudolf Steiner" nằm quanh vịnh San Francisco và Thung lũng Silicon, nơi mà nhu cầu đối với một môi trường "cách ly công nghệ" đang trở nên cao hơn bao giờ hết.

Tại đây, từ lứa tuổi mầm non, các đứa trẻ đã được khuyến khích khám phá thế giới xung quanh bằng cả 5 giác quan, được giao cho nhiệm vụ để phát triển tính sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và làm việc nhóm.

Giấy viết, bút chì và bảng đen được sử dụng khắp nơi, còn điện thoại, máy tính bảng và laptop bị nhà trường nghiêm cấm và tịch thu. Chỉ những học sinh cấp 2 hoặc cấp 3 mới được sử dụng công nghệ, nhưng thời gian và môn học cũng bị hạn chế tối đa.

Với những triết lý trên, có thể dễ dàng bắt gặp con cháu của các lãnh đạo công nghệ hàng đầu tại đây: Con của Alan Eagle – Giám đốc Truyền thông của Google, con của Giám đốc Công nghệ eBay và các nhân viên cấp cao từ Apple đến Yahoo.

Kinh hãi với tác hại của công nghệ, Thung lũng Silicon đua nhau gửi con vào “trường tối cổ” - Ảnh 2.

Theo một giáo viên trường công lập tại Mỹ, ông đang nhận thấy "một sự khác biệt đáng kể về khả năng tập trung, kỹ năng xã hội và giải quyết vấn đề. Trong 5 đến 10 năm trở lại đây, học sinh của tôi đã suy giảm đáng kể những khả năng kể trên".

Và cũng không khó để tìm được những công bố khoa học khẳng định thời gian tiếp xúc nhiều với "màn hình điện tử" sẽ gây tác hại đến trí não trẻ nhỏ. Nhưng các hệ thống trường công tại Mỹ lại tập trung đầu tư vào hệ thống máy tính, bảng học thông minh… cho mọi hoạt động tại lớp.

Trong khi đó, các học sinh lớp 2 tại Waldorf (trường theo triết lý Rudolf Steiner nổi tiếng nhất khu vực Thung lũng Silicon) sẽ xếp thành vòng tròn để luyện đọc, mỗi lần gói đậu được chuyền đến tay, đứa trẻ sẽ tập trung ghi nhớ và lập lại câu mà cô giáo vừa nói. Bài học này sẽ giúp kích thích cả não bộ và phản ứng của trẻ.

Nhưng "tối cổ" không đồng nghĩa với "rẻ tiền", học phí hằng năm tại các trường này từ 17.750 USD đến 24.400 USD (gần gấp đôi so với học phí trung bình cả nước).

Kinh hãi với tác hại của công nghệ, Thung lũng Silicon đua nhau gửi con vào “trường tối cổ” - Ảnh 3.

Số lượng trường Waldorf tăng liên tục mỗi năm

Nhưng với số lượng trường Waldorf liên tục tăng vọt như hiện nay, mức giá trên vẫn có thể xem là "hợp lý", tạo điều kiện cho các kỹ sư Silicon tách rời con mình ra khỏi công nghệ.

Những ý kiến phản biện

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng ảnh hưởng của thiết bị công nghệ lên não bộ không xấu như dư luận "đồn thổi". Liên tục lướt web sẽ gia tăng khả năng quét, tóm tắt và nắm bắt thông tin, một trong những kỹ năng quan trọng trong thời đại ngày nay.

"Tôi tin rằng công nghệ mới chính là tương lai, và xu hướng "ngăn cấm" là hết sức phi lý." – Theo Ana Pajkovic, CEO của Kidster.

Kinh hãi với tác hại của công nghệ, Thung lũng Silicon đua nhau gửi con vào “trường tối cổ” - Ảnh 4.

Ana đã tập cho con gái 14 tháng tuổi của mình sử dụng iPad, và chồng cô - anh Pajkovic liên tục cho con thấy ứng dụng công nghệ lên các công việc hiện đại.

Một số kỹ sư điện tử còn khẳng định cơ hội được tiếp xúc với máy tính từ nhỏ đã tạo được nền tảng tốt cho sự nghiệp của họ sau này: "Tôi vẫn luôn có niềm đam mê mãnh liệt với máy tính, nhưng nếu cha mẹ giới hạn thời gian sử dụng máy, tôi sẽ chẳng thể giỏi như bây giờ."

Một nữ lập trình viên còn cho rằng "giới hạn 2 tiếng mỗi ngày" mà cha mẹ đặt ra đã giảm thiểu khả năng phát triển của cô. "Tôi luôn dành thời gian rảnh để nghĩ về phần mềm mà tôi đang xây dựng".

Lập trình viên này còn có một lời khuyên cho các bậc cha mẹ: "Đừng giới hạn công cụ. Hãy giới hạn hoạt động của con."

Trí Thức Trẻ