Xét về số điểm bán, hệ thống VinMart và VinMart+ có phần lấn lướt so nhưng về doanh thu thì vẫn còn kém khá xa so với Saigon Co.op.
Cách đây chừng 5-6 năm, kênh bán lẻ hiện đại chỉ có vài chuỗi siêu thị đáng chú ý như Co.op Mart, Big C hay Fivimart, Citimart, Maximark. Khi đó, số lượng các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini cũng rất khiêm tốn.
Nhưng chỉ sau vài năm, cục diện thị trường đã thay đổi một cách chóng mặt. Hàng loạt tay chơi mới cả trong và ngoài nước đã gia nhập thị trường bán lẻ như Vingroup, T&T Group, Thế giới Di động, Aeon Mall của Nhật Bản.
Dù không khốc liệt như "cuộc đua đốt tiền" của ngành thương mại điện tử, lĩnh vực bán lẻ truyền thống cũng đang diễn ra sự cạnh tranh gay gắt với không ít doanh nghiệp lớn thua lỗ hoặc phải chấp nhận rời bỏ cuộc chơi. Trong vòng hơn 1 năm qua, hàng loạt thương hiệu bán lẻ đã rút khỏi thị trường, như Trần Anh, Shop & Go, Fivimart, Giant và mới nhất Auchan.
Ở chiều ngược lại, thị trường chứng kiến 2 cái tên đình đám ngày càng mở rộng về quy mô là VinGroup và Thế giới Di động.
Thế giới Di động sau khi thống lĩnh mảng bán lẻ điện thoại và điện máy với 2 chuỗi Thegioididong.com và Điện máy Xanh đang đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống bán lẻ Bách Hóa Xanh.
Gia nhập thị trường bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh chỉ từ năm 2017, Bách Hóa Xanh dự kiến sẽ đạt 700-800 cửa hàng vào cuối năm 2019 với doanh thu khoảng 10.000 tỷ đồng - tăng hơn gấp đôi so với năm 2018.
Vingroup chỉ mới chính thức tham gia thị trường bán lẻ siêu thị từ cuối năm 2014 thông qua việc mua lại hệ thống siêu thị Ocean Mart. Với tiềm lực tài chính mạnh cũng như M&A để rút ngắn thời gian, VinCommerce - công ty phụ trách mảng bán lẻ tổng hợp của Vingroup đã nhanh chóng mở rộng chuỗi siêu thị VinMart và siêu thị mini VinMart+ trên phạm vi toàn quốc.
Tính đến đầu năm 2019, Vincommerce trở thành nhà bán lẻ có hệ thống lớn nhất Việt Nam với hơn 1.800 điểm bán (với 107 siêu thị và hơn 1.700 cửa hàng tiện lợi).
Tuy vậy, xét về doanh số thì Vincommerce vẫn còn kém rất xa so với Saigon Co.op. Năm 2018, tổng doanh thu mảng bán lẻ của Vingroup - bao gồm cả VinMart, VinMart+, VinPro và Viễn Thông A - đạt hơn 19.300 tỷ đồng.
Còn tổng doanh thu của toàn hệ thống Saigon Co.op đạt hơn 30.000 tỷ đồng; trong đó riêng công ty mẹ Saigon Co.op đạt doanh thu hơn 20.000 tỷ đồng - tức áp đảo so với hầu hết các đối thủ trực tiếp.
Tính đến tháng 4/2019, Saigon Co.op đã phát triển gần 700 điểm bán, trong đó có 112 siêu thị Co.op mart, 4 đại siêu thị Co.op Xtra cùng hơn 300 cửa hàng Co.op Food. Saigon Co.op cũng vừa có động thái tiếp quản hệ thống siêu thị Auchan Việt Nam sau khi nhà bán lẻ Pháp này quyết định rút khỏi thị trường Việt Nam.
Bên cạnh công ty mẹ trực tiếp vận hành phần lớn các siêu thị, Saigon Co.op còn đầu tư vào hàng chục công ty công ty thành viên gồm cả các công ty kinh doanh siêu thị, kinh doanh cửa hàng tiện lợi (Co.op Food, Cheers), kinh doanh trung tâm thương mại (SCID, SC Vivo City, Sense City), nước chấm Nam Dương...
Đáng chú ý là trong khi hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ lớn vẫn lỗ triền miên thì công ty mẹ Saigon Co.op vẫn duy trì được mức lợi nhuận cả nghìn tỷ đồng mỗi năm trong nhiều năm trở lại đây.
Tất nhiên với một hệ thống lớn gồm nhiều công ty thành viên như Saigon Co.op, kết quả của riêng công ty mẹ không phản ánh được đầy đủ tình hình kinh doanh của cả hệ thống. Dù lợi nhuận có trồi sụt qua các năm nhưng rõ ràng việc có lợi nhuận lớn cộng với độ phủ lớn rõ ràng là một lợi thế rất lớn để Saigon Co.op duy trì vị thế hàng đầu của mình trên thị trường bán lẻ đang cạnh tranh khốc liệt.
Tuy vậy có một thực tế là Saigon Co.op đang ngày càng bị các đối thủ chính thu hẹp khoảng cách. Với tốc độ tăng trưởng doanh thu lên đến 50-100%/năm, Bách Hóa Xanh và Vincommerce đang bám đuổi Saigon Co.op rất quyết liệt. Đặc biệt là ở trong phân khúc cửa hàng tiện lợi và siêu mini, hệ thống Co.op Food rõ ràng đang bị 2 tay chơi mới này bỏ xa.
Theo Kinh Kha
Trí Thức Trẻ