Lại một người nữa bỏ học để “xây dựng cơ đồ”, Matt Salsamendi là ai ở tuổi 19?

29/03/2018 16:18

Matt Salsamendi đã sớm bán đứa con cưng "Beam" của mình cho ông lớn Microsoft khi mới 18 tuổi, sau khi startup này giành chiến thắng tại cuộc thi Startup Battlefield ở TechCrunch Disrupt NY hồi năm 2016.

Matt Salsamendi vốn thích chơi Minecraft khi còn nhỏ và cậu đã sớm đạt được thành công ở tuổi thiếu niên. Năm 2011, khi mới 11 tuổi, Salsamendi lập ra MCProHosting, sau này đã trở thành nhà cung cấp máy chủ trò chơi lớn nhất thế giới, lưu trữ trên 600.000 trò chơi với doanh thu 5 triệu USD. Đó là thời điểm cậu và các bạn mình thường tổ chức các lễ hội dành cho game thủ với hàng ngàn người tham dự, được trang trí đèn sáng và laze dọc lối đi. Đam mê về game đã ăn sâu trong Matt Salsamendi như thế.

Năm 2016, Salsamendi thành lập Beam ở thành phố Seattle, bang Washington (Mỹ) với 24 nhân viên. Đây là một nền tảng livestream tương tác cho phép các game thủ kiểm soát trò chơi để người xem có thể tham gia cùng họ. Với ứng dụng này, bạn có thể xem các video stream từ người dùng khác, chat với nhau, tìm kênh, video hoặc stream trực tiếp game bạn đang chơi lên dịch vụ. Và Beam được xem là nền tảng có độ trễ thấp nhất trên thế giới dành cho các game thủ.

Cậu đã nhận được giải thưởng xuất sắc nhất tại TechCrunch Disrupt cùng năm đó.  Với khả năng ăn nói lưu loát, Salsamendi lần đầu được chú ý sau khi trình bày Beam trên sân khấu cuộc thi Startup Battlefiel. Beam nổi lên khi chiến thắng Battlefield, giành giải 50.000 USD.

Dù vậy, thành công buổi đầu của Salsamendi không đến dễ dàng. “Tôi còn nhớ rất nhiều trong số hàng trăm đêm làm việc. Hàng trăm ngàn dòng code đuợc viết ra. Hàng triệu giờ làm việc trên bản thử”, Salsamendi viết trong bài blog với tiêu đề Đó chỉ là sự khởi đầu.

Sau sự kiện đó, thậm chí có người đã tài trợ Salsamendi 100.000 USD cho hai năm nghỉ học đại học để xây dựng startup.

Beam sau đó đã lọt vào mắt xanh của Microsoft và Salsamendi đã quyết định bán nó cho ông lớn này vào tháng 8/2016. Vào thời điểm đó, cậu chỉ mới 18 tuổi và người đồng sáng lập là James Boehm khi ấy 20 tuổi.

Đến năm 2017, Microsoft đã đổi tên Beam thành Mixer và hiện Matt Salsamendi là trưởng nhóm phát triển của sản phẩm này. Cậu cũng là một trong những gương mặt trẻ nhất được Forbes vinh danh hồi đầu năm 2017.

Giờ đây, Mixer đã thiết lập được chỗ đứng cho riêng mình trong thị trường trực tuyến, và có thể cùng tồn tại với Twitch của Amazon.

Salsamendi, bây giờ đã 19 tuổi, trước mắt anh chàng là cả một kỷ nguyên mới cho video game. Người ta thường nghĩ đến Microsoft và Amazon là hai đối thủ truyền kiếp nhưng Salsamendi không cho rằng như vậy. Nhu cầu video game trực tuyến là quá lớn, và vẫn trên đà phát triển quá nhanh, vì thế Twitch và Mixer vẫn có thể cùng tồn tại một cách vui vẻ.

Vì sinh sau đẻ muộn nên có thể nhiều người không quen thuộc với Mixer, nền tảng phát trực tuyến của Microsoft, được tích hợp trên Windows 10 và bảng điều khiển trò chơi Xbox One. Tuy nhiên, Matt Salsamendi cho rằng Mixer vẫn có lợi thế nhất định, đó là sự kết nối cộng đồng chặt chẽ hơn, các game thủ thân thiện hơn, chính những điều đó sẽ làm cho nó khác biệt. Một điểm ăn tiền của dịch vụ này chính là độ trễ thấp hơn nhiều so với các đối thủ như Twitch hay YT Gaming.

Trên hết, Salsamendi tập trung vào việc thu thập các phương án thử nghiệm Mixer chứ không thông qua các chiến dịch tiếp thị hay các ưu đãi về tài chính. Bằng cách đó, cậu sẽ dần dần xác định được những gì Mixer làm tốt hơn người khác.

Salsamendi nói: "Chúng tôi muốn thay đổi nhận định của người dùng trên cơ sở nó phù hợp với họ.”

Chính vì thế, Mixer luôn tích cực xây dựng các tính năng độc đáo mà các nền tảng khác không cung cấp. Bản thân Salsamendi là một fan hâm mộ của HypeZone, một tính năng trên Mixer tự động điều chỉnh bạn vào một trận đấu khác trong vòng vài phút sau khi kết thúc. Khi bạn giành chiến thắng trên game, nó sẽ thay đổi kênh sang một trận đấu khác. Salsamendi mô tả nó như là "tốc độ hẹn hò cho streamers."

Salsamendi hy vọng rằng Mixer sẽ sớm hỗ trợ thêm nhiều trò chơi khác trên nền tảng HypeZone. Và đó cũng chính là hướng đi kế tiếp của Mixer.

Trong quá trình phát triển Twitch, Amazon đã phải nhận nhiều lời phàn nàn từ các nhà phát triển game về khả năng tương tác với Twitch. Trong khi đó, Salsamendi tin rằng Mixer tập trung vào cộng đồng và đảm bảo rằng mọi người đều cảm thấy rằng mình là một phần trong đó.

Câu hỏi được đặt ra cho Mixer chính là: "Làm thế nào để xây dựng một nền tảng streaming, nơi mọi người có cùng một tiếng nói?"

Ý Nhi