Loạt doanh nghiệp đổ bộ
Từ đầu năm đến nay, Lâm Đồng liên tục công bố thông tin về các dự án bất động sản mới, thể hiện kế hoạch của nhiều doanh nghiệp địa ốc tại địa phương này. Một số cái tên có thể kể đến là Novaland, Hưng Thịnh, Đại Quang Minh, Ecopark… Phần lớn dự án trong danh mục này đều thuộc loại hình nghỉ dưỡng và khu đô thị.
Mới đây, CTCP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh được UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý nghiên cứu khảo sát, lập ý tưởng thiết kế quy hoạch khu đô thị phía Đông TP Đà Lạt với quy mô 530 ha. Trước đó, liên danh CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh - CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Tập đoàn Nam Miền Trung Group cũng đã có văn bản đề xuất tài trợ lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án 15.000 ha tại huyện Lâm Hà.
CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL) cũng tham gia tài trợ lập quy hoạch Khu đô thị Liên Khương - Prenn, huyện Đức Trọng quy mô gần 2.970 ha.
Hay CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland (công ty con của Tập đoàn Ecopark) cũng tài trợ lập quy hoạch Khu đô thị đường Nguyễn Hoàng và hồ Vạn Kiếp rộng 207 ha. Dự án được kỳ vọng hình thành một trung tâm thứ hai của TP Đà Lạt và khôi phục khu vực hồ Vạn Kiếp nhằm tạo cảnh quan môi trường của khu vực, làm hồ điều hòa cho khu trung tâm Đà Lạt.
Lâm Đồng thu hút nhiều đề xuất đầu tư từ đầu năm tới nay. Ảnh: Chính Thành |
Ngoài ra, một số cái tên khá mới trên thị trường bất động sản cũng có ý định đổ bộ vào Lâm Đồng như CTCP Đầu tư Nam Á với đề xuất tài trợ lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 hai điểm dân cư rộng khoảng 120 ha tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Hay CTCP Đầu tư bất động sản Green Valley xin tài trợ sản phẩm quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo... quy mô khoảng 250 ha tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, TP Đà Lạt.
CTCP Golden City cũng có văn bản đề nghị tìm hiểu quy hoạch, khảo sát tìm kiếm địa điểm đầu tư dự án có diện tích khoảng 165 ha tại đồi Đa Phú, phường 7, TP Đà Lạt, tạo lập khu đô thị sinh thái, kết hợp thương mại du lịch nghỉ dưỡng với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Lâm Đồng có gì để thu hút doanh nghiệp địa ốc?
Mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tỉnh này được định hướng phát triển dựa trên du lịch - dịch vụ chất lượng cao bên cạnh 2 trụ cột khác là nông nghiệp hiện đại và công nghiệp.
Hạ tầng được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của bất động sản Lâm Đồng. Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đang từng bước triển khai tạo động lực kết nối giữa Lâm Đồng với TP HCM. Dự án đi vào khai thác sẽ góp phần kết nối giao thông vùng, tạo lợi thế phát triển cho ngành du lịch Lâm Đồng.
Hạ tầng được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của bất động sản Lâm Đồng. Ảnh: Trần Quang Anh |
Ông Lê Hoàng Châu, Phó Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho rằng sự thiếu hụt về nguồn cung khách sạn, khu du lịch cao cấp cũng là một trong những lý do khiến Lâm Đồng liên tục kêu gọi đầu tư và thu hút nhiều doanh nghiệp dịa ốc trong những năm gần đây.
Năm 2020, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến ngành du lịch, Lâm Đồng đón hơn 4 triệu lượt khách. Trước đó, năm 2019, tỉnh này đón hơn 7 triệu lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng - mức cao nhất từ trước đến nay. Nếu so sánh với lượt khách đến Nha Trang hay Đà Nẵng, con số này không chênh lệch lớn song nguồn thu từ du lịch của Lâm Đồng lại thấp hơn nhiều so với các điểm du lịch nói trên. Nguyên nhân được cho là Lâm Đồng chủ yếu thu hút khách trong nước, thiếu các loại hình du lịch cao cấp.
Vào thời điểm ngành du lịch "nóng sốt" nhất, toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 2.250 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 25.600 phòng, trong đó, chỉ có 35 khách sạn cao cấp 3-5 sao với 3.496 phòng. Trong khi đó, riêng Khánh Hoà có 111 khách sạn 3 - 5 sao với hơn 20.000 phòng. Đà Nẵng có 80 khách sạn 4-5 sao, chưa kể biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp...
Chủ tịch HoREA cũng lý giải Đà Lạt, thủ phủ du lịch của Lâm Đồng hội tụ nhiều yếu tố về mặt tự nhiên để trở thành trung tâm du lịch, không chỉ của Việt Nam mà còn của châu Á. Ông Châu so sánh với các khu vực cùng tính chất như Sapa hay Tam Đảo ở phía Bắc, Bà Nà ở Đà Nẵng và cho rằng Đà Lạt có diện tích rộng lớn hơn, có nhiều tiềm năng khai thác hơn nên dễ dàng thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án quy mô lớn, đồng bộ.
Tuy nhiên, Đà Lạt đang chạm ngưỡng đô thị hóa cao, mật độ xây dựng ngày cành dày đặc, được định hướng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, Lâm Đồng đang cố đẩy trục phát triển sang các vùng phụ cận như huyện Đức Trọng, Lạc Dương hay TP Bảo Lộc.
"Do đó, việc các nhà đầu tư đổ về Lâm Đồng, không chỉ Đà Lạt mà còn cả các khu vực phụ cận, là để đón đầu các cơ hội mới", ông Châu nói.