Chỉ tính riêng Phú Thọ có khoảng 500 tỷ đồng đầu tư vào lan Phi điệp đột biến, giờ họ đang ngậm quả đắng mà không dám kêu than.
Ngày 31/7/2020, đại gia Phan Văn Toàn (Toàn đô la, ngụ tại TP. Việt Trì, Phú Thọ) chia sẻ với Đất Việt về việc nhiều người đầu tư vào lan Phi điệp đột biến ở Phú Thọ đang phải "ngậm trái đắng" mà không dám kêu than, bởi "tiếp tục ôm thì chết sâu mà nói ra thì lại vỡ, không thể bán được cho ai".
Là một người nổi tiếng trong giới cây cảnh Việt Nam từ nhiều năm nay, "Toàn đô la" có vườn cây trị giá hàng trăm tỷ đồng nên ông quen nhiều người trong giới buôn cây cảnh khắp từ Bắc đến Nam.
"Chỉ tính riêng những người mà tôi quen biết, họ mỗi năm đầu tư hàng chục tỷ vào lan Phi điệp đột biến.
Chỉ tính riêng ở Phú Thọ, số người mà tôi biết đang "chết" bởi loại cây này lên tới hàng trăm người, với số tiền vào khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm.
Còn nếu tính trên cả nước thì số tiền phải lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Khi tôi chia sẻ với họ, mong muốn họ lên tiếng để cảnh báo cho những người khác thì họ không dám nói ra. Bởi nói ra thì giờ bán được cho ai?
Mà số tiền đầu tư vào nó không phải ít, thậm chí có người đứng trước nguy cơ khuynh gia bại sản" - ông Toàn chia sẻ.
Theo ông Toàn, cơn sốt lan Phi điệp đột biến đã và đang lan rộng, có cả những đại gia có nhiều kinh nghiệm trong việc chơi cây, buôn cây khắp từ Bắc đến Nam. Nhưng đa phần nạn nhân đều là những người nông dân, thiếu sự hiểu biết về thị trường cây cảnh, phải vay mượn tiền từ ngân hàng, người thân đầu tư vào lan Phi điệp đột biến để rồi đến giờ không biết bán cho ai.
"Việc thổi giá lan Phi điệp đột biến trong giới chơi cây trong những năm qua rất lạ, có hệ thống và được lên kế hoạch rõ ràng.
Một nhóm đứng ra thổi phồng về giá trị của loại cây này, khi người mua tìm đến họ sẽ mồi cho người mua đầu tư và sẵn sàng giới thiệu cho người mua lại với giá cao hơn.
Ví dụ, ban đầu, họ bán cây với giá 30 triệu đồng. Một thời gian ngắn sau, chính thành viên của nhóm đó tìm đến người mua bỏ ra số tiền 40 - 50 triệu đồng mua lại, rồi tiếp tục quảng cáo, bán chính cây đó để tạo lên cơn sốt.
Quá trình mua đi bán lại nhiều lần, đến khi giá đạt điểm, người nào không biết chạy theo mua vào thì nhóm đó rút, không mua lại nữa" - ông Toàn kể.
Sở dĩ, bong bóng lan Phi điệp đột biến bị vỡ, đẩy nhiều người dân Việt Nam đứng trước nguy cơ vỡ nợ được ông Toàn giải thích là do sự phát triển trong lĩnh vực nuôi cây mô của Trung Quốc.
Khi mà bất kỳ loại lan Phi điệp đột biến nào cũng được các nhà vườn từ Trung Quốc nhân giống bằng cách nuôi cây mô. Từ một cây mẹ có thể sinh ra hàng chục nghìn cây con với giá rất rẻ.
Bằng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, các nhà vườn ở Trung Quốc tạo cho sản phẩm lan nuôi cây mô phát triển rất nhanh, có mặt hoa tương ứng với những mặt hoa nổi tiếng của các nhà vườn đang có ở Việt Nam nhưng sức sống không bền, mặt hoa không ổn định theo thời gian.
Đại gia "Toàn đô la" chia sẻ: "Tôi đã chứng kiến, một ngọn rau bí dài chỉ bằng đốt ngón tay ở Trung Quốc nhưng chỉ sau 1 đêm được tiêm thuốc kích thích thì nó đã dài ra khoảng 10cm. Với cây lan cũng tương tự như thế mà thôi!
Mỗi ngày từ số lượng lan Phi điệp đột biến từ biên giới Trung Quốc nhập vào Việt Nam từ khoảng 3 - 5 container. Điều đó cho thấy, số lượng lan nuôi cấy mô nhập vào thị trường Việt Nam lớn đến thế nào!".
Theo tính toán của vị đại gia này, với tốc độ như hiện tại thì chẳng mấy năm nữa kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi lan Phi điêp đột biến, nhiều gia đình vỡ nợ vì loại cây này.
"Tôi là người chơi cây, cũng từng gặp thất bại đau đớn khi mất trắng số tiền khoảng 40 tỷ đồng vào cây Tùng Nhật Bản nên không muốn ai vấp vào vết xe đổ của mình.
Cũng không vì mục tiêu cá nhân mà nói ra điều này, tôi chỉ mong làng cây Việt Nam phát triển bền vững, trong sạch.
Nguy cơ khi đầu tư vào lan Phi điệp đột biến là rất lớn, có sự bất thường trên thị trường trong thời gian qua khi mà nhiều cuộc giao dịch trị giá tiền tỷ diễn ra.
Nhưng nhìn vào những gương mặt trong những cuộc giao dịch đó có thể dễ dàng nhận thấy, họ hầu hết là những người trẻ, chân chất, mong giàu có thành đạt nhanh.
Trong đó, cũng có người có thể sớm thành đạt, có điều kiện kinh tế để mua cây. Nhưng đa phần là những người nông dân, phải vay mượn khắp nơi mới có được tiền tỷ. Nếu một ngày, thị trường lan bị "vỡ" thì sẽ ra sao?" - đại gia Toàn đô la trăn trở.