Ngày 13/07/2021, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) đã có văn bản gửi đến cổ đông cũng như khách hàng, giải thích lý do về việc tăng giá. Thế giới Di động khẳng định, Bách hóa Xanh không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, Công ty không thể giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng do phải bù đắp chi phí vận chuyển tăng cao, chi phí nhân công tăng do phải tăng ca liên tục, chi phí xét nghiệm, hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp...
Mặc dù các lý do phía Thế giới Di động đưa ra có vẻ hợp tình hợp lý do tình hình dịch bệnh, nhưng lời giải thích này vẫn không nhận được sự đồng tình từ phần đông khách hàng mà thay vào đó là hàng loạt làn sóng đòi tẩy chay chuỗi siêu thị này.
Nhiều ý kiến phản đối đã được đưa ra dưới bài viết của Fanpage Bách hóa Xanh.
"Từ nay trở đi Bách Hóa Xanh không có trong từ điển mua hàng của nhà mình".
“Tất cả lý do Bách hóa Xanh đưa ra đều giống những siêu thị khác thôi, mà họ không hề tăng, bán giá vô cùng hợp lý. Dân mùa này đã khổ lắm rồi, nên bán giá hợp lý đi. Vô Bách hóa Xanh mà gì cũng lên giá gấp 2 lần. Kệ thì giá khác, tiền thì tính giá khác, không minh bạch. Nên nghĩ cho dân mùa này tí đi. Lỡ sau chợ mở lại thì Bách hóa Xanh sẽ bị tẩy chay luôn”.
“Từ trước đến nay luôn là khách hàng trung thành của BHX (Bách hóa Xanh) và Thế giới Di động, nhưng sau mùa dịch này tôi sẽ tẩy chay hết. Lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thực phẩm là thất đức”, một ý kiến cho biết.
“Có tí rau dưa mà mua xong mang bực vào mình. Tẩy chay luôn”.
Nguồn: Tổng hợp từ trang Fanpage Bách Hóa Xanh |
Một số khách hàng khác còn đăng lên mạng xã hội để thể hiện thái độ không đồng tình việc lên giá các mặt hàng thiết yếu của Bách hóa Xanh.
Nhiều người còn chụp hình mặt hàng rau củ lại để so sánh giá của Bách hóa Xanh với các siêu thị khác.
Nguồn: Hình ảnh được cộng đồng mạng đem ra so sánh |
Một lý do nữa cho phản ứng tẩy chay của khách hàng là trong khi Bách hóa Xanh thông báo tăng giá thì một số siêu thị khác lại thông báo vẫn giữ nguyên giá, bình ổn để hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch.
Hệ thống siêu thị Co.op Food tuyên bố “Co.op Food luôn giữ bình ổn giá, kết nối đi chợ cho khách hàng trong mùa dịch.Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Co.op Food ngày đêm cố gắng phục vụ hết công suất để đảm bảo đầy đủ các thực phẩm thiết yếu và chủ động giữ bình ổn giá tại thị trường TP. Hồ Chí Minh. Co.op Food luôn luôn sẵn sàng phục vụ mọi người, Quý khách hàng hãy an tâm không cần mua hàng tích trữ nhé!
Đồng thời, Co.op Food còn kết hợp với các cơ quan, đoàn thể ở khu vực TPHCM tổ chức nhiều hoạt động để hỗ trợ khách hàng trong công tác phòng chống dịch nhu cung cấp dịch vụ “Đi chợ giúp người dân tại các khu cách ly”, trao tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn,...”.
Thông tin từ phía Vinmart, hàng hoá VinMart/VinMart+ vào TPHCM phải có giấy phép lưu hành của các cơ quan chức năng cấp và tài xế cần có chứng nhận xét nghiệm âm tính Covid-19 trong thời hạn 3 ngày.
Do giấy chứng nhận xét nghiệm có thời hạn quá ngắn, quy trình xét nghiệm mất thời gian nên đây là nguyên nhân gây khó khăn chính cho công tác lưu thông hàng hóa. Một số nhà cung cấp ở các tỉnh xa vào TPHCM cũng không chuẩn bị kịp các thủ tục xét nghiệm nên bị lưu giữ lại các chốt kiểm dịch. Song, đại diện VinMart khẳng định không có chuyện tăng giá các mặt hàng vào lúc này. Giá cả vẫn bình ổn. Các nhà bán lẻ hiện đại có quản lý và theo chỉ đạo bình ổn giá của Sở Công Thương.
Bên cạnh đó, chuỗi siêu thị Big C cũng tuyên bố cung ứng hàng hóa thiết yếu liên tục, giá cả bình ổn nhất.
Thời gian qua, khi các chợ truyền thống lần lượt bị đóng cửa do phòng chống dịch bệnh thì người dân chuyển sang các chuỗi siêu thị như Bách hóa Xanh, Vinmart, Big C, Co.op Food…
Trước cửa hàng Bách hóa Xanh luôn đông người dân xếp hàng chờ đến lượt mua thực phẩm. Sau gần 1 giờ xếp hàng chờ đến lượt mua và ra về vì không mua được hàng, chị A. ngụ phường 13, quận Tân Bình ngán ngẩm: “Đứng xếp hàng cả tiếng, đến lượt mình vào thì cửa hàng cũng không còn gì để mua”.
Chị N. nhà ở phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú có phần may mắn hơn khi mua được hàng hóa chị cần nhưng cũng bày tỏ thái độ bức xúc: “Tôi thường đi Bách hóa Xanh để mua thực phẩm vì gần nhà, hạn chế đi xa để tránh lây lan dịch bệnh. Nhưng giá cả cứ tăng liên tục, lần sau lại thấy tăng giá hơn lần trước, giá cả ở các kệ hàng rau cũng không được niêm yết rõ, đến khi tính tiền mới thấy giá tăng chóng mặt. Thế nhưng, giờ giá có tăng cao, bấm bụng mua có khi cũng không còn hàng”.
Mới đây, Lãnh đạo Thành ủy TPHCM đã đồng thuận và chỉ đạo các địa phương thực hiện giải pháp nghiên cứu rà soát mở lại chợ truyền thống. Dù vậy, không mở cửa toàn bộ chợ mà chỉ ưu tiên hàng hóa thiết yếu, thí điểm rau củ quả. Có thể một số phương án sẽ nhanh chóng được đưa ra để giảm tải lượng hàng hóa tại các chuỗi siêu thị cũng như đưa mức giá về mặt bằng chung.
Trước phản ứng dữ dội của nhiều khách hàng, đặc biệt là với chuỗi cửa hàng Bách hoá Xanh trên địa bàn TP Thủ Đức, chiều ngày 16/07, Cục quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đã phối hợp với cơ quan chức năng TP Thủ Đức tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm. Sau khi kiểm tra, ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục QLTT TPHCM, cho rằng tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP đang diễn biến phức tạp nên việc Bách hóa Xanh, hệ thống siêu thị... tăng sản lượng hàng hóa phục vụ người dân là cần thiết. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát các mặt hàng liên quan đến chống dịch như vật tư y tế, thuốc tân dược, rau, thịt... Nếu các điểm kinh doanh vi phạm sẽ xử lý nghiêm" - ông Ba nói. |