Từng tham gia thành lập nhiều công ty trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư tài chính, du lịch, giáo dục đào tạo, fintech v, làm chủ tịch hội đồng quản trị 12 doanh nghiệp… sức nghĩ, sức làm việc của ông “Thắng Hồng Cơ” quả là hiếm có.
Là tác giả của giải pháp thẻ phi vật lý Ví Việt, phương tiện thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt đầu tiên của ngành ngân hàng, chỉ sau 18 tháng, Ví Việt đã có 2,1 triệu người sử dụng và hơn 18 ngàn điểm chấp nhận thanh toán, triển khai dịch vụ thanh toán và kết nối với 35 ngân hàng, Ví Việt đã được cộng đồng trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Nhận trọng trách Chủ tịch LienVietPostBank đồng nghĩa với việc ông phải từ bỏ vai trò lãnh đạo tất cả các công ty của mình. Với phương châm “Mới, lớn, minh bạch, hiệu quả, an toàn”, ông đang nỗ lực nâng LienVietPostBank lên một tầm cao mới xoay quanh bốn trụ cột chính là nền tảng công nghệ, phát triển mạng lưới, chuẩn hóa số hóa hoạt động quản trị điều hành và kinh doanh theo chuẩn quốc tế, quản trị nguồn nhân lực, để đưa LienVietPostBank trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Gặp ông những ngày cuối năm, ông vẫn hẹn tôi ở con phố quen thuộc, đó là nơi ông khởi nghiệp đầu tiên, công ty Hồng Cơ, nằm trên đường Nam Quốc Cang. Văn phòng làm việc giống như ngôi nhà thứ hai của ông chất đầy sách và những giải thưởng từ các môn thể thao mà ông yêu thích. Giọng nói hào sảng, bình dị, ông kể về công việc đầy thử thách của mình cũng nhẹ nhàng và hóm hỉnh như khi ông đọc thơ, những vần thơ đầy khí chất của một người lúc nào cũng đau đáu vì mảnh đất quê hương còn quá nhiều mảnh đời bất hạnh.
Muốn sống mãi với đời xin đừng đợi/ Hãy lao mình sánh bước với thời gian… Người con của sông Mã anh hùng ấy đã sống đúng như những vần thơ mình viết, lãng mạn, giản dị, bất khuất, đắm đuối, quyết liệt cả với đời và với thơ, một tính cách vừa ngang tàng, vừa sống động. Ít ai biết, ông chính là cháu nội của ông Nguyễn Đan Quế, chủ bút tờ báo Dân ở Huế, còn mẹ ông năm nay đã 101 tuổi, nhưng vẫn ngồi “chém gió” bằng thơ.
Công cuộc chuyển đổi số
Muốn làm hệ thống ngân hàng số phải giải quyết được bốn chức năng: thanh toán, gửi tiết kiệm, cho vay, tư vấn về đầu tư và quản trị tài khoản.
Ông Thắng cho biết: “Khi xác định định danh mình là chủ tài khoản, bạn có thể ngồi bất cứ ở đâu, 24/7 đều có thể xem được tất cả thông tin về tài khoản của mình, khởi tạo được khoản vay nhỏ từ những chứng từ của mình mà không cần đến ngân hàng nữa. Với đối tượng khách vay là doanh nghiệp, ngân hàng số sẽ hỗ trợ rút ngắn thời gian để chuẩn bị hồ sơ, giao dịch với những khoản vay lớn cả trăm tỷ vẫn có thể khởi tạo online được, chỉ đến khâu cuối cùng mới cần lên ngân hàng. Thay vì 10 ngày rút ngắn chỉ còn một giờ”.
Hiện LienVietPostBank đã làm được ba khâu đầu, thanh toán, gửi tiết kiệm, cho vay, và một phần của khâu thứ tư, đó là tra cứu, quản trị, truy xuất phần tài khoản của khách hàng. Còn khởi tạo đầy đủ một khoản vay lớn thì chưa làm được, vì giấy tờ liên quan đến cho vay còn nhiều quy định rất phức tạp. Cho vay đơn giản thì có thể khởi tạo được; còn cho vay khoản lớn liên quan đến có khi cả trăm thứ giấy tờ, cần thẩm định thực tế tài sản thế chấp mà định giá tài sản thế chấp là khâu phức tạp nhất, nhiều khuất tất, gian dối xảy ra cũng ở khâu này.
Làn sóng công nghệ từ những fintech, ngân hàng cho vay tiêu dùng cũng đang gây áp lực rất lớn đến các ngân hàng truyền thống. Ông Thắng chia sẻ: “Cho vay tiêu dùng là vay tín chấp, lãi suất tối thiểu 40 - 70%/năm, rất cao, cao hơn nhiều so với mức lãi suất cho vay ngân hàng. Chính vì vậy mà bây giờ nhiều ngân hàng nhào đi mua công ty tài chính, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng nhảy vào cho vay tài chính, hoàn toàn giao dịch trực tuyến. Còn thế chấp cả một nhà máy trên trăm tỷ thì đố ai dám dùng điện thoại mà cho vay. LienVietPostBank cũng có định hướng hỗ trợ cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp, nhưng phải bảo đảm yêu cầu khắt khe hơn như nếu được doanh nghiệp bảo lãnh cho nhân viên thế chấp bằng lương, thẻ tín dụng cũng vậy”.
Để số hóa được, sau đó tiến tới xây dựng hệ thống ngân hàng số, cao hơn là hệ thống ngân hàng thông minh, theo ông Thắng cần có thời gian và sự chuẩn bị kỹ càng. Ông Thắng cho biết, ngân hàng nào cũng ý thức được phải chuyển đổi số, nhưng làm sao thành hiện thực thì vẫn có người ngần ngại vì chưa sẵn sàng tiếp nhận cái mới. Bên cạnh đó, muốn ứng dụng hệ thống số hóa đòi hỏi nguồn lực về con người, tài chính, nhưng nhiều ngân hàng chưa sẵn sàng vì thiếu nguồn lực. Thứ ba, khi hệ thống cũ của họ quá lớn thì sự ứng dụng số rất khó, vừa tốn kém và tiềm ẩn rủi ro lớn.
Đất dụng võ
Từng gặp Jack Ma và những nhà quản trị lớn thế giới, có một điểm chung giữa họ khiến ông đồng cảm nhất là năng lực làm việc và quyết tâm của họ. “Họ làm việc rất bài bản, nghĩ dài hơi, trường tồn… Trong khi doanh nghiệp mình thường nghĩ ngắn. Tuy nhiên, để năng lực và trí tuệ đó phát triển được theo tôi phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống và kinh doanh. Jack Ma nếu không có sự bảo hộ của Trung Quốc và không gặp thời vận như vậy cùng khó mà thành công, có khi vẫn chỉ là người bán sách. Nhưng chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp đi lên từ nền tảng công nghệ, cấm Google, cấm Facebook, đúng thời điểm công nghệ phát triển thì Alibaba mới phát triển được.”
“Tôi vẫn đùa với anh Trương Gia Bình, nếu Jack Ma mà ở Việt Nam chắc chắn thua Trương Gia Bình, chủ tịch FPT, vì Việt Nam cũng có rất nhiều con người có nghị lực, đầu óc, nhưng rất khó phát triển vì môi trường đầu tư, chính sách khác nhau”, ông Thắng mỉm cười.
Về LienVietPostBank từ 2007, là một trong những người nằm trong ban trù bị sáng lập, và sau đó nằm trong HĐQT, vì sao một người chuyên về công nghệ như ông lại dấn thân vào ngành ngân hàng? Ông Thắng cho biết: “Lúc ấy HĐQT yêu cầu phải có một người hiểu biết về công nghệ thông tin (CNTT), vì những người sáng lập đã ý thức được CNTT là nền tảng của ngân hàng, nếu CNTT không tốt chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển, và còn gây ra thất thoát. Anh Dương Công Minh, Chủ tịch LienVietPostBank lúc đó đã chủ động rủ tôi tham gia cuộc chơi này.”
Ngày xưa, CNTT chỉ là bán máy cho ngân hàng. Nhưng khi ông Thắng bước vào LienViet, chính CNTT lại làm ra những sản phẩm và hiệu quả cho ngân hàng, ông thấy mình có đất dụng võ. Mười năm làm ngân hàng, chủ tịch ban công nghệ, nên ông phải bắt buộc nghiên cứu cả hai mảng, công nghệ thông tin và công nghệ ngân hàng, hạ tầng, phần mềm phần cứng, các hệ thống kết nối để quản trị và điều hành, kinh doanh ngân hàng, cùng các quy định về ngân hàng, để viết ra quy trình hoàn chỉnh.
Hiểu hết mọi ngõ ngách của ngân hàng, những góc sâu nhất, tối nhất đều phải biết, để viết ra quy trình chung, chuẩn hóa cho mọi người cùng tuân theo, cái gì số hóa được đều phải số hóa hết. Vừa đọc, vừa chỉ đạo, biên tập hơn 500 văn bản pháp quy được ban hành… Nhà nước chỉ cần sửa lại một quy định nào đó, hoặc nội bộ đổi tên một phòng, thì toàn bộ văn bản phải đổi lại hết. Người đi phân tích, viết chương trình cho kế toán phải giỏi hơn một người kế toán trưởng, kế toán tổng hợp, kế toán phân tích.
Nhưng viết ra một phần mềm CNTT rất khác so với viết ra một phần mềm cho ngân hàng, vì ngân hàng là một hoạt động đặc thù, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Đối với các ngành sản xuất dịch vụ thì chu kỳ là Tiền- Hàng- Tiền. Còn ngân hàng thì Tiền- Tiền- Tiền, hệ thống kinh doanh hàng hóa chính là tiền, nên khó nhất làm sao tránh rủi ro, vì nếu xảy ra là dính đến tiền liền, mất là đứt ruột, chết luôn,” ông Thắng chia sẻ.
Rủi ro thời 4.0
Để số hóa, đi vào ngân hàng 4.0, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Đầu tiên là rủi ro về chiến lược, nếu định hướng sai có thể không phát triển được, đi chậm, lùi lại rất nhiều so với ngân hàng khác. Phải có một chiến lược chuẩn mực, đòi hỏi HĐQT và ban tư vấn phải ngồi lại với nhau để xác định rõ tầm nhìn hướng tới cái gì, đối tượng nào, sử dụng hệ thống thế nào.
Rủi ro thứ hai là về công nghệ, chọn sai công nghệ cũng chết, hoặc đầu tư công nghệ không tới do tiếc tiền cũng chết. Đáng lẽ phải mua hệ thống phòng ngừa hacker của những hệ thống an toàn nhất thì chỉ mua nửa vời sẽ bị xâm nhập, phá hoại. Hoặc định hướng sai công nghệ sẽ có thể làm gián đoạn hoạt động ngân hàng, làm mất tiền, mất uy tín.
Rủi ro thứ ba về pháp lý. Nếu đi quá sớm vào công nghệ cao thì nhiều khi các quy định Nhà nước chưa có, hoặc quy định ngân hàng chưa theo kịp. Nhiều lúc cũng phải làm chậm lại công nghệ vì rủi ro pháp lý rất nguy hiểm, nhất là với những tập đoàn lớn, gây thiệt hại về con người và tiền của.
Thứ tư là rủi ro về thị trường, liên quan đến khủng hoảng tiền tệ thế giới khiến ngân hàng có thể bị khủng hoảng theo, nhất là khi mình còn là thị trường nhỏ bé.
Thứ năm là rủi ro về vận hành trong quá trình làm, quy chế sai, mỗi bộ phận làm một kiểu dẫn đến sai toàn hệ thống
Thứ sáu, rủi ro về mặt con người là lớn nhất. Trong quá trình làm nếu không giám sát chặt chẽ rất dễ nảy sinh móc ngoặc, làm hồ sơ giả cho vay. Phải dùng những công cụ về văn bản định chế kèm đào tạo con người, dùng công nghệ để giảm bớt rủi ro con người… Phải cân đối về nguồn lực, chứ cứ thấy người ta làm mình làm theo mà không đủ nguồn lực thì nửa chừng cũng gãy gánh.
Bàn về những cú… trượt chân của các ông chủ ngân hàng trong thời gian gần đây, đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành ngân hàng, ông Thắng tỏ ra rất ưu tư: “Ông chủ doanh nghiệp và ông chủ ngân hàng trước hết phải có một tố chất chung, chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình theo pháp luật nhà nước. Chịu trách nhiệm nhìn bên ngoài có vẻ giống nhau, nhưng về mặt sở hữu, ông chủ ngân hàng rất khác so với một ông chủ doanh nghiệp.
Ông chủ doanh nghiệp nếu mất tiền thì của chính mình thôi, còn ông chủ ngân hàng thì khác ở chỗ là tài sản của mình thì rất nhỏ, nhưng huy động số tiền rất lớn ngoài xã hội, nên khi mất tiền liên đới rất nhiều đến tài sản của người khác.
"Đối với các ngành sản xuất dịch vụ thì chu kỳ là Tiền- Hàng- Tiền. Còn ngân hàng thì Tiền- Tiền- Tiền, hệ thống kinh doanh hàng hóa chính là tiền, nên khó nhất làm sao tránh rủi ro."
Khi được hỏi nhận trọng trách cao nhất trong một ngân hàng ở tuổi này đối với ông có nhiều thách thức, ông Thắng khẳng định: “Tôi có thể làm lãnh đạo đến 20 tập đoàn cũng cảm thấy nhẹ hơn đứng đầu một ngân hàng, vì mình đang ôm tiền của biết bao nhiêu người dân tin tưởng gửi vào mình, gấp hơn đến 20 lần tiền mình đang có, nghĩa là rủi ro gấp đến 20 lần”.
Dù công việc hết sức căng thẳng, nhưng thấy phong thái ông lúc nào cũng khoan thai, nhẹ nhàng, nụ cười luôn ở trên môi. Hỏi ông làm cách nào để cân bằng cảm xúc? Ông lẳng lặng đến bên chiếc máy nghe nhạc và bật cho chúng tôi nghe album 11 ca khúc được phổ thơ của… Nguyễn Đình Thắng mang tên Ngày ấy… bây giờ.
Bận vậy, ông làm thơ lúc nào? Có thể là lúc vắt tay lên trán trước khi ngủ, trên xe hơi, trên máy bay, lúc đi dạo… Thơ đối với ông như môn thể thao cho đầu óc, cho cảm xúc. Đến nay, ông đã viết vài trăm bài thơ.
Ông học chuyên toán từ nhỏ, nhưng gien bên nội, bên ngoại đều là dân văn chương. Ông nội là chủ bút tờ báo Dân ở Huế, ông ngoại là nhà thơ.
Cuộc đời tưởng chừng quá hoàn hảo của ông thực ra ẩn chứa rất nhiều thử thách. Ngay từ nhỏ đã phải sống xa gia đình, trải qua bao khốn khó, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, đêm đến phải chong đèn dầu học dưới hầm tránh bom. Vậy mà Nguyễn Đình Thắng vẫn học giỏi tất cả các môn. Năm 17 tuổi với kết quả thi đại học loại giỏi, ông theo ngành xử lý thông tin kinh tế bằng máy tính điện tử, khoa Toán kinh tế, Đại học Kinh tế. Tốt nghiệp hạng Ưu, được giữ lại làm giảng viên, chàng trai trẻ lại chọn con đường nhập ngũ theo lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước. Những ngày chiến đấu gian khổ, sống chung với muỗi, vắt là dấu ấn không bao giờ phai trong cuộc đời đã rèn tinh thần đồng đội, nghị lực, lòng kiên trì và quyết tâm phấn đấu đến cùng để đạt được mục tiêu.
Từ năm 2008 đến nay, ông thành lập Quỹ khuyến học Nguyễn Đan Quế tại Thanh Hóa để giúp các học sinh nghèo hiếu học và tích cực vận động xây dựng các trường học, trạm xá cho quê hương. Nghe ông kể về mẹ và tập thơ sắp in của mẹ với cả niềm âu yếm, đôi mắt ông ánh lên hạnh phúc, mới hiểu tình yêu ông dành cho mẹ lớn đến nhường nào! Có lẽ chỉ có tình yêu con người, tình yêu quê hương, tình yêu với mẹ hiền mới giúp ông đi xa, mới là động lực lớn nhất khiến ông tiếp tục dấn thân.
Theo TheLeader