Lợi dụng các chính sách, kẽ hở để nhập khẩu hàng lậu, nhiều dân buôn vận chuyển hàng lậu qua đường mòn, lối mở đã thành lập các doanh nghiệp, công ty vận chuyển để hợp thức hóa hàng nhập lậu kinh doanh trên các trang thương mại điện tử.
Lực lượng quản lý thị trường cho hay gặp nhiều khó khăn trong đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu trên môi trường mạng - Ảnh: N.KH.
Chiều 21-1, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành quản lý thị trường, ông Đặng Văn Ngọc, cục trưởng Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn, cho hay địa phương có hơn 200km đường biên giới, thuận lợi cho các đối tượng mang vác hàng lậu qua đường mòn, lối mở.
Tuy nhiên, thủ đoạn buôn lậu trong thời điểm dịch thay đổi. Trước đây, buôn bán vận chuyển hàng lậu, nay các đối tượng thành lập doanh nghiệp, lợi dụng chính sách kẽ hở để nhập khẩu hàng lậu, thậm chí có nhiều hàng giả, hàng cấm đưa vào tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử.
Để thuận tiện cho hoạt động, các đối tượng làm dịch vụ vận chuyển, chuyển phát nhanh cũng mở công ty trên địa bàn biên giới để tiếp nhận hàng lậu vận chuyển vào nội địa. Riêng xã Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) có 6 doanh nghiệp tiếp nhận nhập khẩu.
Ông Ngọc cho rằng loại hình kinh doanh thương mại điện tử phát triển mạnh do dịch COVID-19, đối tượng tham gia kinh doanh rất rộng, chủ yếu hàng quần áo, giày dép, sản phẩm giả nhãn hiệu nổi tiếng… Do đó, tỉnh tập trung tăng cường chống buôn lậu và kiểm tra kiểm soát chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử, song cơ quan chức năng chỉ chuyển cơ quan điều tra 8 vụ việc để xử lý hình sự.
Theo đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội, do tác động của dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát triển mạnh, nhưng cũng tồn tại nhiều mặt trái, gian lận thương mại. Trong khi đó, việc thực hiện xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận cũng rất khó khăn do kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp "ảo" không đơn giản.
Các website thương mại điện tử không cung cấp địa chỉ, cung cấp địa chỉ không đúng, có nhiều địa chỉ là nhà dân, là chung cư… Nhiều đối tượng sử dụng các khu chung cư cao cấp, như muốn lên các phòng phải sử dụng thẻ… dẫn đến rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, kiểm tra, xử lý.
Việc giao hàng chủ yếu qua các hình thức tự vận chuyển hoặc qua kênh dịch vụ vận chuyển hàng hóa nhận hàng tại nhà, giao hàng tận nơi.
Ông Đặng Hoàng An, thứ trưởng Bộ Công thương, cho rằng tình hình còn phức tạp trong khi quy định pháp luật còn bất cập. Số lượng các vụ chuyển sang khởi tố hình sự còn ít, cho thấy tính răn đe còn hạn chế.
"Thực tế này khiến người dân, đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi tại sao nhiều cửa hàng, trên thương mại điện tử toàn hàng giả nhưng xử lý còn hạn chế? Để xử lý được, phải "bắt tận tay day tận trán", nhưng rất khó khăn, do điều kiện nguồn lực còn hạn chế như phương tiện, con người…" - ông An nói.
Theo Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/lap-doanh-nghiep-gan-bien-gioi-de-tien-buon-lau-tren-trang-thuong-mai-dien-tu-20210121172321736.htm